Phát triển vượt xa dự kiến
Sau 15 năm thành lập (1/1/2004 – 1/1/2019), Đắk Nông vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn so với các tỉnh Tây Nguyên nói riêng cũng như cả nước nói chung. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm tập trung nguồn lực của Trung ương, tỉnh đang hình thành được một nền tảng tương đối vững chắc để phát triển công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm và các ngành phụ trợ. Một trung tâm công nghệ bô xít nhôm đang dần hình thành tại vùng đất bazan cằn cỗi này.
Đây được coi là cơ sở để Đắk Nông chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng của công nghiệp – thương mại, tạo nguồn lực lâu dài, bền vững để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cuối năm 2016, Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư cho ra đời mẻ sản phẩm alumin đầu tiên. Dự án nhà máy Alumin Nhân Cơ là công trình công nghiệp trọng điểm được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam xây dựng từ tháng 6/2007, với tổng mức đầu tư hơn 16.800 tỷ đồng, công suất 650.000 tấn alumin mỗi năm.
Theo ông Hoàng Khải Quốc Minh, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, việc thăm dò, khai thác, bôxit, chế biến alumin và luyện nhôm là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên. Năm 2019 là năm thứ ba nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động chính thức và tiếp tục ghi dấu nhiều kết quả vượt trội. Tổng sản lượng alumin quy đổi đạt hơn 650.000 tấn. Đây là kết quả vượt nhiều dự đoán, dự kiến và là một điểm sáng thực sự trong một năm nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Nông.
Cũng theo ông Hoàng Khải Quốc Minh, theo tính toán ban đầu, phải đến năm thứ 3 Nhà máy Alumin Nhân Cơ mới đạt công suất thiết kế. Với con số 650.000 tấn trong năm 2018, Công ty đã vượt tính toán ban đầu 1 năm 6 tháng. Năm 2019, Công ty tiếp tục gặt hái được thành công với sản lượng tương tự. Đáng chú ý hơn, các vấn đề an toàn trong vận hành máy móc, bảo vệ môi trường đều được đảm bảo. Đội ngũ cán bộ của Công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chỉ sau 6 tháng nhà máy chạy thử. Giá alumin xuất khẩu trong năm các năm qua liên tục tăng cao và giữ ở mức ổn định. Dự báo trong các năm tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Động lực phát triển khu vực Nam Tây nguyên
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ (với tổng số vốn đầu tư hơn 16.800 tỷ đồng) đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh Đắk Nông, vốn hầu như “không có gì” kể từ ngày thành lập tỉnh. Dự án cũng đã, đang và sẽ tạo ra thêm hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động địa phương; trong đó một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Sau 3 năm đi vào vận hành, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng đóng thuế cho ngân sách địa phương. Hoạt động khai thác bô xít, chế biến alumin phục vụ xuất khẩu và quá trình luyện nhôm đang góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Đắk Nông phát triển vượt trội.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trong quá trình sản xuất, Ban lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) cần chú trọng hơn nữa bảo vệ môi trường đồng thời phối hợp tốt hơn với các ngành chức năng, chính quyền các cấp và người dân để tạo ra sự đồng thuận cao hơn nữa trong giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống người dân trong diện thu hồi đất.
Các vấn đề về quan trắc, đánh giá tác động, ảnh hưởng tới môi trường của quá trình hoạt động, sản xuất alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ cần được đẩy nhanh, đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là các hộ dân sinh sống, cư trú gần Nhà máy.
Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đang góp phần định hình cho một ngành công nghiệp mới và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Sự định hình này thể hiện qua hai vấn đề chính, thứ nhất là việc hình thành một công nghiệp khai thác, chế biến bô xít, luyện nhôm, các ngành phụ trợ; và thứ hai là đóng góp hàng nghìn tỷ đồng ngân sách để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực khác và thực hiện an sinh xã hội.
Dự án trọng điểm, chiến lược
Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (DNA), được thành lập theo quyết định số 1833/QĐ-TKV ngày 18/9/2015 của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Được công ty mẹ Tập đoàn giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, vận hành Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Công ty hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận; sử dụng có hiệu quả, phát triển vốn và các nguồn lực do Công ty mẹ TKV giao; đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho người lao động và tích lũy các nguồn lực để phát triển bền vững Công ty; thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ kinh doanh do Công ty mẹ - Tập đoàn giao, thực hiện đầy đủ các khoản nộp ngân sách Nhà nước và nghĩa vụ đối với địa phương. Dự án khai thác và sản xuất Alumin Nhân cơ là một trong hai trọng điểm có tính chiến lược trong sự phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bauxit, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của khu vực Tây nguyên và cả nước. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo, các Sở ngành của tỉnh Đăk Nông và các cấp chính quyền địa phương. Sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân địa phương, đặc biệt là nhân dân trong vùng dự án trong việc triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Mục tiêu của dự án là đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Kết hợp việc phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ an ninh quốc phòng trong khu vực.
Trồng rừng phục hồi môi trường sau khai thác bauxite
Ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết đơn vị đã trồng hơn 30ha rừng trên đất hoàn nguyên sau khai thác bauxite. Việc trồng rừng phục hồi môi trường là một nội dung quan trọng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Sau hơn một năm, diện tích keo lai trồng trên đất hoàn nguyên sau khai thác bauxite đã sinh trưởng và phát triển xanh tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu về hạn chế tình trạng xói lở, rửa trôi đất mặt, dần dần hình thành một “vành đai xanh” xung quanh khu vực khai thác mỏ. Công ty đang tiếp tục trồng rừng phục hồi môi trường trên diện tích gần 200ha đã khai thác bauxite. “Đây là một yêu cầu quan trọng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm túc các nội dung khác như vấn đề hoàn thổ sau khai thác bauxite; cải tạo hệ thống thoát nước cho khai trường; cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản,” ông Mai Chiến Thắng nhấn mạnh. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đánh giá nhìn chung công tác trồng rừng, phục hồi môi trường sau khai thác bauxite đang được thực hiện khá tốt. Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông cũng đang trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới trên loại đất này như sao đen, muồng đen, keo lá tràm, sầu riêng, bơ, mít, ngô, đậu đỗ và khoai lang... Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, tổng diện tích đất được đưa vào khai thác bauxite phục vụ chế biến alumin tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông là 3.250ha. Công suất khai thác 4,5 triệu tấn quặng mỗi năm. Thời gian khai thác là 34 năm (bao gồm xây dựng cơ bản, khai thác, cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ).