Bản kiến nghị của UK Music
Năm 2011, tại Anh, UK Music - một tổ chức đại diện cho quyền lợi của các công ty, nhà sản xuất âm nhạc tư nhân - đã gửi một đề xuất mang tính bước ngoặt tới Chính phủ. Theo đó, nếu Chính phủ Anh có một chiến lược phát triển ngành lễ hội giải trí như một sản phẩm du lịch, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi.
Chính phủ Anh đã lắng nghe những đề đạt đó và sau 6 năm, UK Music cùng ngành lễ hội âm nhạc không làm họ thất vọng. Báo cáo Wish you were here 2017 của UK Music cho thấy, trong 6 năm (2011-2016) tổng lượng chi tiêu trực tiếp và gián tiếp từ du khách tới các lễ hội âm nhạc của Anh tăng gần gấp đôi, từ 2,5 tỷ bảng lên 4 tỷ bảng. Đáng chú ý hơn cả, các Festival âm nhạc được đầu tư bài bản của Anh đã tạo ra việc làm ổn định và đáng kể cho nền kinh tế, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Đến nay, cùng với Mỹ, Anh là một trong những thị trường phát triển ngành công nghiệp lễ hội âm nhạc hàng đầu thế giới khi nó đóng góp tới 4,5 tỷ bảng Anh cho GDP của Xứ sở sương mù, theo báo cáo Measuring Music 2018 của UK Music.
"Bao giờ Công ty Festival Huế ra đời?"
Cũng gần chục năm trước, tại Huế, ý tưởng về một Công ty Festival Huế có thể thực sự điều hành và khai thác lễ hội, vốn đã được tổ chức lần đầu từ năm 2000, được nêu ra. Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi bao giờ công ty ấy ra đời vẫn chưa có lời giải đáp.
Sau 10 mùa, khi đánh giá lại công tác tổ chức năm ngoái, các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đều thừa nhận với báo chí rằng Festival Huế vẫn "chưa chuyên nghiệp".
Và "cứ đến hẹn lại lên", BTC năm nào cũng canh cánh nỗi lo: Tiền đâu để làm. Thậm chí, năm 2018, tỉnh phải đề xuất "xã hội hoá" với các chương trình trong khuôn khổ lễ hội, chẳng hạn như đêm nhạc Trịnh. Và sau gần hai thập kỷ, Festival Huế dù thành công khi trở thành một điểm đến của du khách khi tới Huế nhưng lại không phải thương hiệu đầu tiên họ nghĩ khi nhắc tới Việt Nam.
Sau Huế, rất nhiều festival khác cũng được tổ chức ở các địa phương như Festival Du lịch Hạ Long, Festival Cà phê Buôn Mê Thuột, Festival Thuyền Buồm Mũi Né Bình Thuận, Festival Diều quốc tế Vũng Tàu, Festival Biển Nha Trang, Festival Trà quốc tế Thái Nguyên, Festival Lúa gạo Nam Bộ, Festival Hoa Đà Lạt… nhưng khả năng duy trì thường xuyên cũng như dấu ấn, hiệu quả để lại vẫn là điều cần suy nghĩ.
Thực tế, khá nhiều Festival của Việt Nam đã có dáng dấp của các “công ty tổ chức sự kiện” nhưng chủ yếu trong vai trò “phối hợp thực hiện”, tức là phụ trách một vài khâu triển khai thay vì tham gia vào những công đoạn chủ chốt. Do đó, hiệu quả lại chưa như kỳ vọng.
Câu trả lời của Đà Nẵng
Cùng với Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), trước là Cuộc thi trình diễn Pháo hoa Quốc tế (DIFC) được đánh giá là một trong những lễ hội đương đại để lại dấu ấn. Chính quyền Đà Nẵng cũng rất kỳ vọng nó trở thành một "thương hiệu" cho du lịch địa phương. Những năm đầu tổ chức, Đà Nẵng cũng phải đối mặt với bài toán về kinh phí vì đây thực sự là cuộc chơi đắt đỏ. Nguồn thu từ bán vé trong 2 ngày lễ hội thường kém xa chi phí mà địa phương bỏ ra.
Năm 2014, lần đầu sau 6 năm liên tiếp, DIFF không được tổ chức. Lý do chưa từng được chính thức công bố nhưng câu chuyện "tiền đâu" lại là điều được nghĩ đến đầu tiên. Nhưng may mắn hơn Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng sớm có lời giải cho câu hỏi "Bao giờ một công ty Festival ra đời". Năm 2017, Đà Nẵng đã mạnh dạn giao việc tổ chức toàn bộ DIFF cho Sun Group, đơn vị vốn đã đồng hành trong suốt một thập kỷ và có đóng góp với du lịch địa phương, tiếp quản.
Với sự tham gia của Sun Group, một doanh nghiệp có hệ thống quản trị và tiềm lực tài chính, DIFF hoàn toàn lột xác. Đầu tiên, DIFF được mở rộng quy mô, từ vỏn vẹn 2 ngày lên tới cả tháng với nhiều đêm diễn công phu, hoành tráng, nhiều sự kiện đồng hành. Năm 2008, khi cuộc thi trình diễn pháo hoa đầu tiên được tổ chức, số lượt khách tham dự được thống kê là 30.000 người. Năm 2018, số vé bán ra đã lên tới 82.000. Và năm 2019, tổng số khách lưu trú trong lễ hội pháo hoa là 110.000 người, gấp rưỡi trung bình các tháng khác trong năm.
'Cái gì tư nhân mạnh thì để họ làm'
Nhìn từ thành công của một số lễ hội đương đại gần đây, trong đó có DIFF, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Tổng thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho rằng: "Đã đến lúc cần thay đổi tư duy làm lễ hội". "Bây giờ, một lễ hội về hoa đâu chỉ bày hoa mà cần những hoạt động khác để du khách tham gia. Nên tiếp thu kinh nghiệm thế giới để làm cho chuyên nghiệp. Cái gì tư nhân mạnh, làm được và có khả năng thì nên để họ làm. Còn Nhà nước có thể nêu định hướng, hướng dẫn để lễ hội được tổ chức mà vẫn đảm bảo các giá trị về văn hoá thay vì thương mại quá", ông Trụ đề xuất.
Tuy nhiên, nếu như Lễ hội âm nhạc Coachella (Mỹ), tính trung bình trong 6 ngày diễn ra, mỗi ngày đón 126.000 du khách, giúp ban tổ chức thu về 114,6 triệu USD, trong năm 2017 thì tiền bán vé DIFF của Đà Nẵng vẫn còn rất xa thành tích doanh thu này. Ba năm qua, theo ước tính, mỗi năm lễ hội pháo hoá này tiêu tốn của Sun Group khoảng hơn 100 tỷ đồng, nhưng doanh thu từ bán vé và các khoản tài trợ chưa bao giờ đạt một nửa số chi. Số liệu doanh thu/chi phí từ 2017 đến 2019 lần lượt là 53,7 tỷ/ 130 tỷ đồng; 58,75 tỷ/ 139,55 tỉ đồng; 45 tỷ/ 150 tỷ đồng.
Trong trường hợp này, "lợi nhuận" của Sun Group với DIFF không phải là doanh thu bán vé mà là việc DIFF đã thành "đặc sản" của du lịch của Đà Nẵng, và thành phố đang tiến gần hơn tới thương hiệu “thành phố pháo hoa” mang tầm quốc tế.
Cũng khó biết khi nào Sun Group tới điểm hoà vốn với “trò chơi” pháo hoa này nhưng chắc chắn rằng, cũng như UK Music, họ đã không làm chính quyền Đà Nẵng thất vọng.