Chương trình được triển khai theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ với các đối tượng được vay vốn gồm: học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.
Từ mức vay tối đa năm 2007 là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên đã được điều chỉnh lên 1,5 triệu đồng/tháng vào năm 2018 và từ 1/12/2019 tăng thành 2,5 triệu đồng/tháng để phục vụ kịp thời các khoản chi phí đóng góp, sinh hoạt, học tập của đối tượng này.
Năm 2017, con trai chị Nguyễn Thị Phương, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý thi đỗ vào Trường Đại học FPT. Lúc ấy, chị vừa mừng lại vừa lo vì chưa biết nuôi con đi học bằng cách nào bởi cuộc sống của 2 mẹ con chỉ trông vào mấy sào ruộng. Chị khó khăn, vất vả lắm mới nuôi con ăn học hết lớp 12. Giữa lúc băn khoăn, đang tính cho con đi làm công nhân thì con trai chị Phương được vay vốn từ chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên với mức vay 1,5 triệu đồng/tháng. Nguồn vốn vay này với mẹ con chị Phương thực sự rất kịp thời, nếu không, chắc chắn con chị đã phải nghỉ học.
Chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ, trước đây được vay 1,5 triệu/tháng thì chi tiêu cho học tập của con phải tính toán chi ly, việc học thêm ngoại ngữ cũng rất hạn chế. Khi Nhà nước nâng mức cho vay lên 2,5 triệu/tháng thì đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Để hỗ trợ con, chị đã lên Hà Nội ở trọ cùng con và đi làm giúp việc theo giờ để tăng thêm thu nhập. Mong ước của chị Phương là khi con ra trường tìm được một công việc tốt để trả nợ vay ngân hàng và lập thân, lập nghiệp.
Thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Quế, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và lương hưu công nhân của chồng nên việc nuôi 2 con học đại học rất khó khăn. Nhờ có nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, những khó khăn đã được tháo gỡ. Đến nay, con trai lớn của chị đã ra trường, có việc làm ổn định và gom góp trả hết nợ ngân hàng; con thứ hai đang học Đại học Y Thái Bình năm thứ 3.
Theo chị Quế, số vốn vay của chương trình rất ý nghĩa đối với gia đình. Nếu không có sự hỗ trợ này, chắc chắn con chị Quế cũng như nhiều học sinh, sinh viên nghèo khác khó có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ trên giảng đường. Đây cũng chính là niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho các con của những bậc làm cha mẹ.
Từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg có hiệu lực, đến nay, tỉnh Hà Nam đã có hơn 47.000 học sinh, sinh viên được vay vốn. Hiện tổng dư nợ của chương trình trên địa bàn tỉnh là 81,8 tỷ đồng với hơn 3.000 khách hàng. Hầu hết khách hàng vay vốn đều nghiêm túc trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn.
Bà Thân Thị Hương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết, đây là một chương trình tín dụng chính sách mang tính nhân văn sâu sắc. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nam có điều kiện cho con tiếp tục thực hiện ước mơ, nguyện vọng theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách này để các gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn trong việc thực hiện quy trình nghiệp vụ tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ giao dịch lưu động, duy trì lịch giao dịch cố định tại xã, phường, thị trấn; đảm bảo không để các em học sinh, sinh viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học vì lý do không có tiền.