Một "Nhà hát kịch" ngay trong lớp học
Đến nay, hơn 20 vở kịch xây dựng trên những tác phẩm văn học được yêu thích của nước Anh và nước Mỹ được biểu diễn tại nhà hát đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông, nhận được rất nhiều lời khen ngợi của công chúng và giới chuyên môn trong cả hai lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật sân khấu. Nhưng đó là câu chuyện ở một nhà hát chuyên nghiệp với những hệ thống đèn và âm thanh chuyên nghiệp của các sinh viên mới rời trường THPT và đang học theo hệ chính quy văn bằng 1.
Trong hai tối 14 và 18/8, tại một lớp học nhỏ cơ sở 371 Nguyễn Kiệm quận Gò Vấp thu hút rất nhiều "khán giả" đến xem những sinh viên của lớp học văn bằng 2 Khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh trở thành những “diễn viên”. Những "khán giả" đến đây thường là sinh viên của các lớp bạn, giáo viên, bạn bè và người thân trong gia đình. Tất cả những khán giả này đều ngồi bệt trên tấm thảm và những ghế nhựa xem “diễn viên” diễn kịch bằng ngôn ngữ tiếng Anh với thái độ nghiêm túc và dành nhiều tình cảm cho những người thân “bỗng dưng trở thành diễn viên”.
Tuy đây chỉ là một buổi học Văn học Mỹ của sinh viên Khoa Ngoại ngữ văn bằng 2 nhưng lại được giáo viên và sinh viên đầu tư rất công phu từ cách diễn xuất sao cho truyền tải được nhân vật trong tác phẩm đến cách biến một lớp học nhỏ thành một "Nhà hát kịch". Theo đó, một "Nhà hát kịch" tự tạo ngay trong lớp học được các sinh viên thiết kế đầy đủ với âm thanh, ánh sáng, cảnh trí sân khấu, phục trang của các nhân vật... được thể hiện một cách rất sống động và chân thực.
Thạc sĩ Dương Đoàn Hoàng Trúc phụ trách dạy môn Văn học Mỹ cho sinh viên văn bằng 2 cho biết: “Các sinh viên hệ văn bằng 2 là những người trí thức làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có những kiến thức và trải nghiệm sống rất phong phú, khi được tạo điều kiện họ phát huy được những năng lực cá nhân và tập hợp thành sức mạnh sáng tạo tập thể”.
Phương pháp học sinh động, sinh viên thỏa sức sáng tạo
Tiếp nối sự thành công của sinh viên hệ chính quy văn bằng 1 Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, hình thức dạy văn học nước ngoài bằng diễn kịch cũng được các giáo viên Khoa ngoại ngữ của nhà trường thực hiện đối với sinh viên học hệ đào tạo chính quy văn bằng 2.
Theo cô Dương Đoàn Hoàng Trúc, phương pháp dạy Văn học Mỹ bằng hình thức diễn kịch cho đối tượng sinh viên bằng 2 đòi hỏi ở người học tinh thần liên đới trách nhiệm và kỷ luật tập thể rất cao, tinh thần khiêm tốn học hỏi và khả năng làm việc theo nhóm. Cách dạy học này cũng đòi hỏi người giáo viên phải hy sinh thời gian, công sức rất nhiều.
"Các sinh viên văn bằng 2 phải đi làm ban ngày, nên sau những buổi tối học hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần các sinh viên lại tập hợp nhau để trau cuốt kỹ năng nói lời thoại kết hợp với hành động diễn xuất hay chỉnh sửa sân khấu cho hiệu quả cao hơn. Những lúc như thế giáo viên phải có mặt để giúp họ, duy trì và phát huy cảm hứng của họ trong việc học theo phương pháp học ngoại ngữ thú vị nhưng nhiều thách thức này", cô Trúc cho biết.
Trần Nguyễn Minh Nhựt, một sinh viên diễn vai Joe trong vở The Patchwork Quilt của Rachel Field cũng cho hay, đây là một phương pháp học mới nên lúc đầu cả lớp đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được giảng viên hướng dẫn nhiệt tình, tôn trọng và trao cho sự tự do sáng tạo nên các sinh viên đã từng bước vượt qua được những khó khăn và phát huy được năng lực của bản thân mình để hoàn thành việc trình diễn một vở kịch trước khán giả của mình.
"Với phương pháp này, chúng tôi đã thuộc từ vựng một cách tự nhiên, luyện tập ngoại ngữ trong bầu không khí tích cực và sôi động hơn” Minh Nhựt chia sẻ thêm.
Hình thức học Văn học nước ngoài thông qua diễn kịch này không chỉ giúp sinh viên trau dồi được khả năng nói tiếng Anh một cách tự nhiên nhất mà còn giúp các bạn sinh viên yêu mến môi trường học tập và ngôn ngữ mình theo học.
Sinh viên Lê Thị Như Thiện chia sẻ "Động lực đến lớp mỗi tối của tôi là để xem nhóm mình tập dợt, chuẩn bị đến đâu, cần thêm đạo cụ gì để diễn tả tâm trạng cho hiệu quả, rồi cười đùa trêu chọc nhau khi bạn diễn không thuộc hay nói sai lời thoại, phát âm sai những từ khó, hay khi nhìn thấy bạn học của mình biến thành một người khác hẳn trong bộ trang phục lạ kỳ của nhân vật họ sẽ diễn. Chúng tôi làm việc và gắn kết với nhau cùng tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp cho nhau như thời tuổi học trò”.
Đánh giá về hình thức học này, ông Vũ Hữu Đức, Hiệu phó trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cho rằng, hình thức học tiếng Anh qua diễn kịch giúp mang lại sự chủ động và hứng thú cho người học. Trường Đại học Mở khuyến khích mở rộng hình thức học này cho tất cả các sinh viên của trường, kể cả các sinh viên học chương trình lấy bằng đại học thứ hai vào buổi tối. Bên cạnh việc tạo điều kiện của nhà trường, phải kể đến sự cố gắng của các thầy cô trong việc tổ chức các buổi diễn kịch này. Đây là các nỗ lực đáng trân trọng.