Chia sẻ về mục đích tổ chức sự kiện này, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong việc xây dựng báo cáo tài chính của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có góc nhìn đầy đủ và toàn diện về những tác động của IFRS đối với các tiêu chí báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng như thách thức doanh nghiệp có thể gặp phải khi triển khai IFRS tại Việt Nam.”
Với vai trò định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, đại diện Bộ Tài chính, Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện dịch bộ chuẩn mực một cách chính thống, từ đó sẽ có một bộ hệ thống chuẩn mực dịch nguyên bản theo quốc tế, được công bố áp dụng và đảm bảo tính pháp lý để các doanh nghiệp áp dụng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ICAEW để đào tạo cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nhất là với nhóm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn tự nguyện từ năm 2022. Hiện, Bộ Tài chính đang khảo sát thực trạng tại các doanh nghiệp và xây dựng một quy trình chuyển đổi có tính chất mẫu để đưa ra một khuôn mẫu cho các doanh nghiệp tham khảo.
Hội thảo cung cấp thông tin hữu ích qua ba bài trình bày với các nội dung đang được doanh nghiệp và xã hội quan tâm trong lĩnh vực tài chính, kế toán: Kinh nghiệm áp dụng IFRS từ EastSpring Việt Nam; Những vấn đề cần lưu ý khi chuyển đổi áp dụng từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS từ EY Việt Nam; Ảnh hưởng của việc áp dụng chuẩn mực quốc tế lên các chỉ tiêu báo cáo tài chính từ chuyên gia ICAEW.
Bà Phạm Thị Cẩm Tú, Phó Tổng giám đốc Bộ phận Kiểm toán Khối Doanh nghiệp, công ty EY Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi báo cáo từ hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bởi, áp dụng IFRS tạo ra một ngôn ngữ kế toán chung, hội nhập quốc tế và giảm chi phí chuyển đổi BCTC. Bên cạnh đó, áp dụng IFRS trong lập báo cáo tài chính còn giúp nâng cao chất lượng quản trị và thông tin, giúp hoạt động doanh nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời phản ánh hợp lý hơn giá trị của doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của thị trường vốn, khơi thông dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, khi triển khai IFRS tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Cẩm Tú, các thách thức đối với việc chuyển đổi IFRS là từ vấn đề hoàn thiện khung pháp lý của cơ quan nhà nước, và hệ thống thông tin tài chính, quy trình nội bộ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế IFRS tương đối phức tạp và khó hiểu đồng thời với tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong báo cáo tài chính dẫn đến thách thức đội ngũ kế toán về khả năng đọc hiểu và áp dụng, cũng như yêu cầu hiểu sâu về hoạt động doanh nghiệp, …
Việc triển khai IFRS trên thế giới diễn ra tại các quốc gia có thể khác nhau tùy theo các điều kiện, môi trường pháp lý và quá trình thực hiện không phải quốc gia nào cũng thuận lợi. Ông Mike Turner, Cố vấn cấp cao của ICAEW đã đưa ra các đánh giá cũng như nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Hồng Kông, Jordan, Vương Quốc Anh, một số quốc gia thuộc Châu Mỹ La Tinh và các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu tại buổi hội thảo để làm rõ hơn nhận định này.
Tại hội thảo, Bà Lê Minh Thủy, Trưởng bộ phận Tài chính và Quản trị rủi ro, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (EastSpring Việt Nam) đã có bài chia sẻ kinh nghiệm thực tế và thách thức khi triển khai IFRS tại Việt Nam. Theo bà Thủy, để chuẩn bị áp dụng IFRS, phía doanh nghiệp cần truyền thông nội bộ để ban lãnh đạo và các phòng ban hiểu được lợi ích và hỗ trợ việc áp dụng IFRS; cũng như có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, …
“Trước mắt, phía doanh nghiệp cần liên tục cập nhật sự thay đổi của IFRS và lộ trình áp dụng tại Việt Nam, tham gia các khóa tập huấn của các cơ quan nhà nước (Bộ Tài chính, UBCKNN) và các công ty tư vấn.”, bà Lê Minh Thủy đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp tham dự hội thảo.
Để chuẩn bị áp dụng IFRS thành công về lâu dài, theo bà Thủy, các cơ sở đào tạo và các Hội nghề nghiệp Việt Nam cần cập nhật chương trình giảng dạy để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu mới của thị trường.
Với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức, kỹ năng về IFRS nhằm đáp ứng được lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với ICAEW xây dựng khóa đào tạo về phương pháp giảng dậy chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và bộ tài liệu đào tạo bằng tiếng Việt dựa trên chương trình đào tạo chứng chỉ IFRS toàn cầu của ICAEW tiến tới triển khai các chương trình đào tạo IFRS phù hợp tại Việt Nam nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn áp dụng từ năm 2022. Lộ trình xây dựng tài liệu và đào tạo chia làm 3 giai đoạn với giai đoạn 1 triển khai từ ngày 13/11 đến ngày 15/11 tại Hà Nội.