Không “ồn ào” như khu Đông TP HCM, BĐS khu Nam những năm qua tăng trưởng ổn định. Trong đó, nguồn cung lớn tập trung chủ yếu tại khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh.
Báo cáo mới nhất của Chợ Tốt Nhà chỉ ra, khu vực Phước Kiển, Nhà Bè, TP HCM luôn chiếm trên 85% tổng nguồn cung về căn hộ chung cư tại huyện Nhà Bè. Các dự án chung cư nổi bật tại xã Phước Kiển bao gồm: Saigon South Residence, Sunrise Riverside, The Park Residence, Essensia Nam Sài Gòn (dự án thành phần của KĐT Dragon City), Hưng Phát Silver Star, Hoàng Anh Thanh Bình…
Trong đó, tại tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ - cung đường huyết mạch của khu Nam Sài Gòn hiện diện một số dự án quy mô lớn hàng trăm hecta. Phải kể đến KĐT Dragon City của Công ty Phú Long, quy mô 65 ha và có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD. Hiện dự án căn hộ thành phần là Essensia của khu đô thị này đang chuẩn bị mở bán vào tháng 9/2022 với mức giá dự kiến từ 55 triệu đồng/m2.
Hay, dự án khu đô thị GS Metrocity với quy mô 350 ha sắp khởi công; dự án Celesta Heights, Celesta Rise của Công ty Phú Lộc; dự án của Keppel Land Singapore; Khải Hoàn Group… đang là điểm nhấn của thị trường BĐS Nam TP HCM nói chung và khu vực Nhà Bè nói riêng.
Một số dự án tỷ đô khác tại khu Nam cũng đang “khuấy động” thị trường BĐS khu vực ở giai đoạn này. Chẳng hạn, dự án Horizon của CĐT Phú Mỹ Hưng đang khởi động để giới thiệu ra thị trường khoảng 166 căn, dự kiến mức giá 130-150 triệu đồng/m2.
Một dự án khác là The Grand Sentosa của Novaland đang rục rịch thị trường khu Nam với mức giá dự kiến khoảng 100 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, Nam Long Group đang giới thiệu căn hộ biệt lập ven sông Flora (thuộc KĐT Mizuki Park 26ha, tại Bình Chánh, TP HCM) với mức giá trên dưới 50 triệu đồng/m2. Trước đó, các block căn hộ tại khu đô thị này đã bán hết, cư dân đã vào ở.
Có thể thấy, khu Nam TP HCM là khu vực có mật độ xây dựng thấp, sông nước và mảng xanh nhiều. Vì thế, các dự án BĐS tại khu vực này đa phần quy mô lớn. Sự hiện diện của các khu đô thị hàng trăm hecta tại Nhà Bè, hay Bình Chánh đang tạo nên bức tranh đa sắc màu cho thị trường BĐS nơi đây. Trong đó, ngoài phân khúc căn hộ thì nhà phố, biệt thự hay villa cũng là loại hình BĐS tạo được sự chú ý tại thị trường khu Nam.
Đặc biệt, quanh tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, ngoài việc hiện diện loạt dự án BĐS lớn nhất khu Nam TP HCM thì nơi đây còn đang có kế hoạch mở rộng tuyến đường, khiến hoạt động BĐS trở nên chộn rộn.
Từ nhiều năm trước, con đường bất động sản Nguyễn Hữu Thọ được chia làm 2 thái cực, đoạn đầu từ cầu Kênh Tẻ tới Nguyễn Văn Linh là hàng loạt dự án án lớn của các đại gia BĐS. Còn đoạn Nguyễn Hữu Thọ Nhà Bè khung cảnh đìu hiu hơn. Thế nhưng, những năm gần đây, thị trường bất động sản Nhà Bè lại rục rịch với khá nhiều dự án thuộc các phân khúc khác nhau quy tụ về đây.
Đường Nguyễn Hữu Thọ là tuyến đường huyết mạch của khu Nam TP HCM; là một phần của tuyến đường trục Bắc – Nam có điểm đầu là Quốc lộ 22 (An Sương) đến Hiệp Phước (Nhà Bè), đường Nguyễn Hữu Thọ bắt đầu từ cầu Kênh Tẻ đi qua đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm. Sau đó nối tiếp tới đường Nguyễn Văn Tạo kết nối với khu đô thị – công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc, Long An).
Hiện nay, tuyến đường có 4 làn xe và trong tương lai sẽ mở rộng lên 6 – 8 làn. Theo quy hoạch, dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Tạo còn có tuyến Metro số 4 kết nối trực tiếp từ quận 12 đến chợ Bến thành (quận 1). Nhà ga cuối tuyến Metro số 4 nằm tại khu đô thị cảng Hiệp Phước tạo sự liên thông, kết nối thông suốt giữa khu Nam với trung tâm thành phố.
Đây là cung đường được ví là trục giao thông huyết mạch tại khu vực phía Nam TP HCM. Bởi nắm vị trí đắc địa nên xung quanh con đường này là vô số những dự án BĐS lớn nhỏ.
Tuyến đường này còn nằm kề những trung tâm thương mại lớn như SC Vivocity, Lotte Mart, và các trường đại học lớn như trường quốc tế RMIT, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường Quốc tế Mỹ AIS… Nhờ các dự án hạ tầng đang được triển khai, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) dày đặc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ Nguyễn Văn Linh về cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM) kỳ vọng sẽ được tiếp sức.
Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc - Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu đầu tư hạ tầng giao thông khu Nam thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân ứng với kịch bản phát triển đô thị theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, khu Nam TP HCM đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về hạ tầng. Trong đó, sự phát triển mạnh trong thời gian qua là nhờ sự đầu tư lớn của TP HCM với định hướng phát triển về phía Nam, hướng ra biển.
“Tiềm năng phát triển BĐS của khu Nam vẫn còn rất lớn. Bởi bên cạnh lợi thế về hạ tầng và vị trí đắc địa, khu Nam hiện sở hữu nhiều dự án nhà ở hoàn chỉnh và quỹ đất để phát triển BĐS còn khá lớn. Với những chủ đầu tư thực sự có tiềm lực, cộng thêm “đòn bẩy” về chính sách, nhiều dự án nhà ở quy mô lớn sẽ tiếp tục được khởi động, thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai gần”, ông Châu nhấn mạnh.