Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương MTQG giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh; Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi; Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc Võ Văn Bảy; Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Trần Hải Đăng.
Tham dự buổi làm việc còn có Lãnh đạo một số Ban CMNV của NHCSXH, các Sở, ban, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương và chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, trong giai đoạn 2016 - 2018, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước bố trí cho thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là 1.324 tỷ đồng; trong đó, ngân sách dành cho Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới là trên 287 tỷ đồng, dành cho giảm nghèo bền vững trên 697 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và của các doanh nghiệp cũng như huy động từ cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Kon Tum đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã trên toàn tỉnh với tổng các nguồn vốn của các chương trình tín dụng đến nay đạt 2.277 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 2.2 tỷ đồng với 64.111 hộ còn dư nợ.
Với sự triển khai kịp thời và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả khả quan như: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 23,03% (năm 2016) xuống còn 20,3% (cuối năm 2017), ước thực hiện năm 2018 là 17,45%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra; Tổng số hộ nghèo DTTS đến cuối năm 2017 là 24.236 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 36,21% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5,1%/năm (từ 46,57% vào đầu năm 2016 xuống còn 36,21% vào cuối năm 2017); Tổng số xã được công nhận chuẩn nông thôn mới đạt 13/86 xã;...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương MTQG giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa báo cáo với Đoàn công tác TW về kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG thời gian tới, cụ thể phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3% - 4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 6% - 8%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Để thực hiện thành các chương trình trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục bố trí nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2018 - 2020 cho một số công trình tại các xã, thôn là đối tượng thụ hưởng theo quy định; Tăng mức vay vốn ưu đãi hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo; Xem xét, điều chỉnh quy định thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực...
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Kon Tum trong 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội và sự quan tâm của tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của NHCSXH.
Tổng Giám đốc đề nghị, trong thời gian tới tỉnh Kon Tum tăng cường huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, đẩy mạnh hơn nữa huy động nội lực nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo... Tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã nghèo, xã xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội tại các huyện, thành phố, các xã, thị trấn; đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, như: Chính sách vay vốn tín dụng, giáo dục, y tế, khuyến nông, khuyến lâm... làm tốt công tác sơ kết, tổng kết định kỳ, công tác khen thưởng cho cá nhân và tổ chức thực hiện có hiệu quả giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Về các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đồng chí ghi nhận và sẽ báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo TW để tổng hợp trả lời địa phương.
* Trước đó, nhân dịp sắp kết thúc năm 2018, bước sang năm 2019 và đón Tết Kỷ Hợi, Đoàn công tác TW đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Y Nía 110 tuổi ở thôn 6, xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà có 4 con là Liệt sĩ và tặng quà cho 30 gia đình chính sách, người có công với Cách mạng trên địa bàn xã Đắk Ui.
Tại xã Đắk Ui, Đoàn công tác cũng đã đến thăm một số hộ gia đình trước đây là hộ nghèo nay đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nguồn vay vốn chính sách, kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các Chương trình MTQG về giảm nghèo tại xã Đắk Ui, tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đắk Mar và làm việc với Huyện ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của huyện Đắk Hà về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian qua.
Đắk Ui là xã đặc biệt khó khăn, người DTTS chiếm trên 90%, toàn xã có 291 hộ nghèo với 1363 nhân khẩu tỷ lệ 2,43% so với tổng số hộ toàn xã là 1.317 hộ. Hiện toàn xã có 1.076 hộ đang vay vốn ưu đãi tại NHCSXH với tổng số tiền trên 35 tỷ đồng, đặc biệt xã không có nợ quá hạn phát sinh.
Với sự triển khai kịp thời và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn xã Đắk Mar cũng đã đạt được những kết quả khả quan như: Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,62%; Tỷ lệ lao động trên địa bàn có việc làm thường xuyên đạt 98,1%...
Tại buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Đắk Ui, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của bà con trong xã Đắk Ui trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn và có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao. Nguồn vốn ưu đãi đã làm thay đổi hẳn nhận thức cho bà con đồng bào DTTS. Trước đề nghị của xã Đắk Ui, ngay tại buổi làm việc Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đồng ý bổ sung 3 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, đề nghị xã Đắk Ui tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu của người dân đề nghị NHCSXH trong thời gian tới bố trí nguồn vốn kịp thời để giúp bà con phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian qua, huyện Đắk Hà đã tích cực triển khai, thực hiện tốt các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của địa phương về các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Với sự triển khai kịp thời và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan như: 03/10 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới (cuối năm 2018 thêm 1 xã đạt chuẩn NTM); tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,43% so với cuối năm 2015; 100% người nghèo trên địa bàn huyện đã được cấp thẻ BHYT, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ vay vốn để phát triển SXKD; an sinh xã hội được chú trọng, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được đảm bảo.
Tại huyện Đắk Hà, NHCSXH đã ưu tiên tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách, đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng tại địa phương. Tổng dư nợ toàn huyện đến 30/11/2018 đạt 322.473 triệu đồng, tăng 43,83% so với đầu năm 2016. Trong giai đoạn này, toàn huyện đã có gần 10.891 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi; góp phần thu hút, tạo việc làm tại chỗ và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho hơn 519 lao động (riêng các xã nông thôn mới là trên 154 lao động); xây dựng gần 7.378 nghìn công trình cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh (riêng các xã nông thôn mới là hơn 1.720 công trình); hơn 88 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn huyện (riêng các xã nông thôn mới là hơn 12 căn nhà)…
Tại buổi làm việc, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã Đắk Ui, xã Đắk Mar và huyện Đắk Hà đánh giá cao sự tiếp sức nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đối với việc phát triển SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn trong thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2018. Thời gian tới, các tổ chức hội, đoàn thể sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh, huyện triển khai tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đề nghị NHCSXH phân bổ nguồn vốn vay nhiều hơn nữa để bà con có thêm vốn SXKD, đồng thời điều chỉnh kịp thời mức cho vay một số chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vay của bà con giải quyết việc làm, xây dựng mới, sửa chữa các công trình cung cấp NS&VSMTNT,...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 yêu cầu huyện Đắk Hà cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo và xây nông thôn mới. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các các chương trình, dự án để nhân dân được tiếp cận với các chính sách như vay vốn ưu đãi của NHCSXH, xuất khẩu lao động và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động, y tế, giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đạt hiệu quả.
Về nguồn vốn ưu đãi cho vay trên địa bàn thời gian tới, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đồng ý bổ sung 20 tỷ đồng cho huyện Đắk Hà để NHCSXH tỉnh, huyện triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.