Măng Đen – xứ sở huyền thoại chốn rừng thiêng
Là một thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, Măng Đen được tự nhiên ưu ái khi mang trong mình đến tận bảy hồ, ba thác với dòng nước xanh trong quanh năm. Bên cạnh đó là những câu chuyện huyền thoại về 1 Măng Đen hùng vĩ.
Truyền thuyết của người Mơ Nâm kể rằng từ xa xưa lắm, ở đây phong cảnh đẹp như T Măng Deeng Yeeng (có nghĩa là bãi bằng của các thần linh, đẹp như một vùng phong cảnh rộng lớn ở trên trời - tiếng Mơ Nâm Yeeng có nghĩa là trời trên khoảng đất rất rộng, cỏ hoa chen nhau đua nở, từng đàn ong bướm dập dìu bay lượn, cạnh đó là một con sông lớn, nước trong vắt uốn lượn theo những cánh rừng già, qua những đoạn dốc ghềnh, thác nước đổ xuống va vào vách đá, tạo nên những âm thanh trầm hùng, thú ở trong rừng nhiều vô kể.
Ban đầu, Măng Đen đẹp đến thế nhưng không có người sinh sống, thấy vậy thần Yang Plinh đã gọi 7 người con trai xuống nơi đây lập làng, nhưng những người vợ của họ phải hóa thân thành các loài vật, để căn dặn loài người không nên ăn thịt thú rừng. Một thời gian dài, cuộc sống ở Măng Đen vô cùng ấm no, trù phú. Nhưng trong một lần vui chơi, một người con của thần Yang Plinh đã quên mất mà ăn thịt động vật. Thần nổi giận, trừng trị các người con, 7 cột lửa sừng sững như thiêu đốt sự giận dữ của thần, từ đó 7 cột lửa trở thành 7 hồ lớn ngày nay mang tên 7 người con trai là: Toong Đam, Toong RPong, Toong ZơRi, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Li Lung, và Toong Pô, và 3 thác ở Măng Đen là Pa Sỹ; Đăk Ke; P ne, tương truyền do có 3 cột lửa khác bắn lên trời tạo thành.
Măng Đen, ngoài xứ sở ngập tràn huyền thoại và âm thanh cồng chiêng, nơi đây còn có cảnh quan thơ mộng, khí hậu ôn hòa và điều kiện thiên nhiên thuận lợi đan xen vào nhau trong tiếng gió rừng Tây Nguyên như một bài ca của đại ngàn hùng vĩ - đang cất tiếng vẫy gọi, níu kéo bao bước chân tìm đến
Măng Đen có gì?
Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, ở nơi lưng chừng trời này, không khí ướp hơi sương mát lạnh, sắc thông xanh hơn và lòng người mặc nhiên trở thành một bản tình ca của thiên nhiên. Măng Đen được bao phủ bởi bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh nên nhiệt độ mát mẻ quanh năm, cao nhất cũng chỉ ở 22 độ C.
Không quá phát triển về du lịch, nơi đây vốn là một thị trấn nhỏ và giản dị. Tuy nhiên, Măng Đen dễ dàng làm cho những lữ khách say lòng bởi những rừng thông bát ngát, bởi không khí mát dịu như 1 vùng ngoại ô của thành phố ngàn hoa.
Bình yên thực sự!
Chỉ cần đến đây, để thấy tâm hồn mình dịu dàng trở lại sau những ngày phải cứng cỏi gồng mình, chống lại những ồn ào phố thị hay những áp lực của cuộc sống.
Đến Măng Đen, nhất định phải tham quan “7 hồ 3 thác” và những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ
Với độ che phủ của rừng vẫn còn giữ được tới 85% diện tích đất đai, cùng với sông, hồ, suối, thác... đã tạo cho Măng Đen thành nơi du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng lý tưởng.
Lần từng bước chân giữa đại ngàn hoang sơ, đang thả nguyện trong tiếng rì rào của rừng lá, bất ngờ khi bắt gặp hồ nước phẳng lặng in bóng mây trời như Đắk Ke, Toong Đam, Toong Ly Lung…và tai như bừng thức với âm thanh ồn ào sôi động của dòng thác Pa Sỹ đang tung bọt trắng xóa. Lẫn trong cảnh sắc tự nhiên ấy là rừng thông được trồng cách đây hàng chục năm, bạt ngàn xanh, bạt ngàn vi vu trên bao nẻo dốc cao thấp.
Một buổi sớm mai, ngồi bên con thác lắng nghe bản ca oai hùng đang rì rào bên tai, ngửi được mùi cỏ cây, hơi nước xộc thẳng vào cánh mũi, chạm vào làn nước tinh khiết từ trời cao, rồi ai trong chúng ta cũng sẽ thấy khoan khoái biết nhường nào. Dường như tâm hồn cũng được làn nước ấy gột rửa, những bộn bề, mệt mỏi vừa lắng xuống đã kịp lấp đầy những an yên, thanh tịnh.
Hành hương tại tượng Đức Mẹ Măng Đen
Tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được gọi là Tượng Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ cụt tay), tọa lạc ở thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cạnh Quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum 53 km về phía Đông Bắc.
Tượng Mẹ được dựng từ năm 1971, nhưng sau đó do chiến tranh, bức tượng cũng bị hư hỏng ít nhiều và bị bỏ sâu trong rừng rậm. Mãi tới ngày 28.12.2006, một phái đoàn Tòa Giám mục do Giám mục giáo phận Kontum Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu đã lên viếng bức tượng, sau khi được một số giáo dân thông báo sự hiện hữu. Một năm sau, ngày 9.12.2007, Đức cha cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 giáo dân đã tổ chức dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Từ đó, nơi đây trở thành điểm hành hương của giáo dân vùng Tây Nguyên và ngày 9.12 hàng năm trở thành Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kontum.
Điều làm nên sự đặc biệt của tượng Đức Mẹ Măng Đen đó chính là phần thân tượng mang điểm hình dáng dấp của tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng phần đầu được phục chế lại mang khá nhiều hình dáng phụ nữ vùng Tây Nguyên Việt Nam. Phần tay tuy được phục chế nhiều lần, nhưng về sau vẫn giữ nguyên hình dáng tay cụt. Nhiều giáo dân cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ phù hộ cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS...hay nói cách khác là những người con ở đây, chính là cánh tay của Mẹ. Giữa khung cảnh rừng núi mênh mông, sâu thẳm, bức tượng Đức Mẹ hiện lên với đầy vẻ linh thiêng và huyền bí...
Trải nghiệm săn mây và ngắm sao đêm tại Măng Đen
Vào sáng sớm khi bình minh vẫn còn chưa thức giấc, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng tại Măng Đen. Những luồng sáng mờ ảo xuyên qua từng tán lá cây rừng, những vạt nắng đầu tiên cùng mây trôi bồng bềnh trong không khí làm say mê lòng người đến kỳ lạ. Tiếng thì thầm xào xạc của rừng thông, mây giăng khắp lối, những tia nắng mới đầu tiên của một ngày le lói, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng, vô cùng sống động mà đầy mơ hồ.
Với địa hình đặc thù, hành trình săn mây ở Măng Đen có lẽ không quá vất vả. Chúng ta có thể dành thời gian để trekking núi Ngọc Lễ để săn mây. Hoặc cũng có thể dậy sớm để chạy xe trên đèo, ngắm nhìn những làn mây trắng bay bồng bềnh bên những dãy núi. Càm giác như được chạm tay tới những áng mây, viên mãn vô cùng.
Không những được ngắm bình minh và 1 lần chạm tay tới những đám mây bồng bềnh ngay trước mắt, Măng Đen còn được mệnh danh là một trong những địa điểm đẹp nhất để ngắm sao ở Việt Nam.
Bầu trời đen hơn, ánh sao sáng hơn và là nơi tuyệt vời để ai trong chúng ta cùng đặt lưng xuống và 1 lần mơ mộng. Chí ít, chúng ta có thể ngắm dải ngân hà rõ rệt như chạm tay vào trên nền trời Măng Đen; lang thang trên những con đường ngoằn nghèo chỉ có bên trên với bầu trời chi chít những ngôi sao và bên dưới thung lũng mênh mông đong đầy ánh trăng trong trẻo; hay táo bạo hơn là nằm trong túi ngủ, ngả lưng ngắm những vì tinh tú trên đèo Măng Đen,…
Măng Đen cũng giống như cô gái ở độ tuổi xuân thì, vào dịp cuối xuân, nơi đây ngập tràn sắc màu tươi mới của nhiều loài hoa cùng nhau nở rộ. Nhánh lan rừng kiêu kỳ trên cây già cổ thụ, ngẩn ngơ đón ánh mặt trời xuyên qua đám lá cây, thủ thỉ tâm tình cùng vô số loài hoa dại, để chùm sim tím dỗi hờn trong khóe mắt.
Thế rồi bẵng đi một thời gian, Măng Đen lại khoác lên mình tấm áo vàng ươm khi đông chợt đến. Tất cả đều vẽ lên một bức tranh rất đậm đà Măng Đen.
Có một Măng Đen thật trữ tình mơ mộng, có một Măng Đen huyền bí xa xôi, nhưng cũng có một Măng Đen thật gần với người lữ khách, chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm tới ngay. Nào, thu đến rồi kìa, về Măng Đen ngay thôi!