Năm 2021, tổng sản lượng Vonfram của MHT tăng kỷ lục 97% so với năm 2020, trong đó 26% sản lượng đến từ việc tái chế phế liệu vonfram và 74% sản lượng từ chế biến các nguồn cung cấp chính bao gồm mỏ Núi Pháo. Doanh thu thuần đạt 13.564 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ Vonfram cao hơn đáng kể do hợp nhất H.C. Starck Tungsten Powders (sau đây gọi tắt là “H.C. Starck”) và giá APT năm 2021 cao hơn (286 USD/mtu) so với cùng kỳ năm ngoái (222 USD/mtu). EBITDA đạt 3.070 tỷ đồng, tăng 114% trong 12 tháng 2021. Số lượng đơn đặt hàng của Masan High-Tech Materials trong năm 2021 đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, đem lại kết quả tích cực cả về sản lượng bán hàng và giá bán.
Phát biểu tại Đại hội, ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, chia sẻ: “Masan High-Tech Materials đã trải qua một năm kinh doanh thành công nhất trong lịch sử, vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng và hệ thống vận tải toàn cầu. Sản lượng Vonfram cũng như tỷ lệ tái chế Vonfram đều đạt kỷ lục, góp phần tạo ra kỷ lục về doanh thu năm 2021”.
Một năm hợp nhất nền tảng kinh doanh của H.C. Starck tại Đức, Canada và Trung Quốc, Masan High-Tech Materials thực hiện chuyển giao thành công chuyên môn kĩ thuật và kinh nghiệm hơn 100 năm của H.C. Starck, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp trên toàn cầu, hướng tới hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô thị trường và danh mục sản phẩm. Nhờ đó, H.C. Starck đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của MHT với EBITDA đạt 746 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam: Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và Công ty TNHH Vonfram Masan đóng góp 2.324 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất. Kết quả này đã chứng minh quyết định mua lại và sáp nhập nền tảng kinh doanh của HCS năm 2020 trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 là đúng đắn, tạo đà vững chắc cho sự tăng trưởng của Công ty trong tương lai.
Các khoản đầu tư Masan High-Tech Materials dành cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển đã đem lại giá trị thực tiễn với sự ra mắt các sản phẩm mới được thiết kế riêng cho phân khúc thị trường xe điện và in 3D. Ngoài những dòng sản phẩm mới, Công ty cũng phát triển thiết bị phân tích mới, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và đã được cấp bằng sáng chế vào cuối năm 2021. Về tái chế, Masan High-Tech Materials đã nộp hồ sơ bổ sung xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ tái chế mới đối với bùn chứa coban và chất đen của pin thải. Công nghệ mới này hứa hẹn có thể tái chế nhiều loại bột dụng cụ cắt cứng khác nhau, đồng thời chất đen của pin thải có tác động ít hơn tới môi trường so với các công nghệ tái chế truyền thống. Giới khoa học nhận thấy công nghệ này có tiềm năng “thay đổi cuộc chơi” về tái chế Đồng, Coban, Niken, Mangan, Liti, ... trên thị trường toàn cầu.
Với cam kết liên tục đầu tư cho công nghệ và đổi mới trong tất cả các chuỗi quy trình, thành quả của Masan High-Tech Materials đạt được không chỉ là vị thế vững chắc trên thị trường vật liệu công nghệ, mà còn là sự công nhận của giới khoa học trong nước và quốc tế:16 bằng sáng chế trong nước, 87 bằng sáng chế quốc tế, 54 bằng sáng chế ứng dụng, 40 dự án nghiên cứu đang được thực hiện và 32 dự án đang trong giai đoạn hình thành.
Ông Danny Le – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan High-Tech Materials chia sẻ về tầm nhìn chiến lược 2022 – 2025: “Không chỉ dừng lại ở sản xuất và cung ứng vật liệu công nghệ cao, Masan High-Tech Materials hướng tới sản xuất chế biến sâu, trở thành một doanh nghiệp hàng tiêu dùng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu. Đây chính là mảnh ghép hoàn thiện hệ sinh thái “Kết nối vạn nhu cầu” của Tập đoàn Masan”.
Năm 2022, Công ty tiếp tục tập trung tái chế nguyên vật liệu thô, thực thi sáng kiến trung hòa cácbon, thúc đẩy lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn. Nhìn vào sự phục hồi của kinh tế thế giới hậu Covid-19, biến động tích cực của thị trường vonfram và nhu cầu chuyển đổi công nghệ ô tô từ xăng sang điện trong thời gian tới, dự kiến giá Vonfram tiếp tục được cải thiện vào năm 2022. Công ty kỳ vọng sẽ đạt doanh thu năm 2022 khoảng 14.500 - 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần trước phân bổ cho cổ đông đạt khoảng 300 tỷ đến 500 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành là 20.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong Quý II/2022. Chính sách đãi ngộ này nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của người lao động cho Công ty. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của Công ty.
Với quan điểm kinh doanh bền vững, vì con người Masan và cộng đồng, Masan High-Tech Materials tiếp tục cam kết “Tăng trưởng bền vững”, nỗ lực để khẳng định vị thế và thương hiệu của mình tại thị trường trong nước và khu vực. Trong tương lai, Masan High-Tech Materials sẽ không chỉ là nhà cung cấp vật liệu công nghệ chiến lược. Công ty sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới nghiên cứu và phát triển các giải pháp vật liệu công nghệ tiên tiến và sử dụng chính vật liệu mình sản xuất để tạo ra các sản phẩm công nghệ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các ngành công nghiệp toàn cầu. “Thay vì chỉ cung cấp vật liệu để sản xuất điện thoại thông minh, ô tô, máy bay, hay tàu ngầm, một ngày nào đó chúng tôi sẽ tạo ra sản phẩm tiêu dùng thực tiễn cho các ngành công nghiệp trọng yếu này”, ông Craig Bradshaw khẳng định.