Giám đốc Hoàng Xuân Trường, dân tộc Thái, sinh ra ở bản làng Sơn La, gắn bó với tín dụng chính sách từ những năm đầu thành lập, cho biết: “Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, nhất là với tinh thần đồng lòng vượt khó của những người làm tín dụng chính sách trên miền biên ải đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức và khơi thông được dòng chảy vốn chính sách, góp công sức đẩy lùi nghèo làn, lạc hậu để cho nông thôn miền núi không ngừng đổi thay, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng no ấm, sản xuất nông nghiệp thêm khởi sắc”.
Thuận Châu là huyện có 567 hộ đồng bào dân tộc La Ha, một trong những dân tộc rất ít người sinh sống tại 3 xã vùng sâu Nong Lay, Chiềng Lay và Liệp Tè. Từ nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH giải ngân đến từng hộ nghèo, cùng chính quyền và các đoàn thể hướng dẫn cách sử dụng vốn vay, nhiều gia đình đã trồng các loại cây rừng, cây ăn quả, làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò, phát triển kinh tế. Điển hình như hộ ông Lò Văn Hặc, ở bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, được vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi, được tham gia lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, nên đã nuôi 10 con bò, 80 con dê; trồng 3 ha cây ăn quả, cho thu hoạch ngót 100 triệu đồng/năm.
Còn ở huyện vùng cao biên giới Sốp Cộp, trong những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chương trình chính sách về giảm nghèo như chương trình 134, 135, chương trình 30a, trong đó đáng kể đến hơn 400 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, bộ mặt nông thôn nơi đây đã thay da đổi thịt. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân xã Dồm Canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây sắn, cây ngô thu nhập thấp sang hơn 1.600 ha dứa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản và nhân rộng đàn trâu bò lên 900 con. Hàng trăm hộ gia đình dân tộc thiểu số đã thoát cảnh nghèo, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi. Điển hình như ông Quàng Văn Trận, ở bản Tốc Lừu, có 3 ha đất chuyển sang trồng dứa quả, lãi hơn 20 triệu đồng/ha.
Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp khẳng định: Nguồn vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện mỗi năm từ 4-5%.
Những kết quả trên khẳng định nỗ lực của NHCSXH Sơn La trong việc tìm kiếm, tập trung huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống của hơn 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Sơn La đã quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, đồng thời cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn vốn cho hộ nghèo vay. Hiện tại nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác 148 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch tăng trưởng, nâng tổng nguồn vốn chính sách đến 30/11/2021 đạt 4.967 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay giữa đại dịch COVID-19 bùng phát, nguồn vốn ưu đãi ở miền núi cao Sơn La vẫn tăng hơn 1.000 tỷ đồng với 122.251 hộ còn dư nợ và có 128/204 xã không để nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Ở 204 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn với 3.877 Tổ tiết kiệm và vay vốn, người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi, không một ai bị bỏ lại phía sau. Nguồn vốn chính sách đã thực sự làm động lực thúc đẩy, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 30,4% năm 2016 xuống còn 18,7% năm 2020 và 2 huyện vùng cao Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.
Không bằng lòng với những kết quả đạt được, các cán bộ tín dụng chính sách xã hội tỉnh Sơn La lại tiếp tục bám làng bám bản, triển khai kế hoạch năm mới 2022 ngay từ sớm để nguồn vốn liên tục đáp ứng nhu cầu phát triển ở vùng cao biên giới.