Tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngày càng tinh vi
Những năm gần đây, tội phạm trong lĩnh vực tài chính diễn ra phức tạp về quy mô lẫn tính chất với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này, cơ quan chức năng đã liệt kê một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo, điển hình như làm giả giấy tờ cá nhân (chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng lái xe…), để thực hiện hợp đồng vay, chiếm đoạt tài sản của các công ty tài chính hoặc chiếm đoạt thẻ tín dụng cùng sim điện thoại của khách hàng để thực hiện các giao dịch gian lận.
Mới đây, Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố 7 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, chuyên làm giả chứng minh nhân dân để lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (FE CREDIT).
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, các đối tượng này làm giả CMND theo thông tin khách hàng, rồi dán ảnh của mình vào, đến các điểm giao dịch của nhà mạng như Viettel, Vinaphone để báo mất sim và đề nghị cấp lại sim số. Sau đó, các đối tượng dùng CMND giả này thực hiện hợp đồng vay tiền với các khoản vay từ 20 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Một chiêu thức mới xuất hiện gần đây là thủ đoạn hack sim điện thoại. Đối tượng giả danh nhân viên tổng đài, dùng lý do ngụy trang (chuyển đổi sim 4G, thông báo nhận quà khuyến mãi…) yêu cầu khách hàng bấm theo cú pháp giả. Sim khách hàng đang sử dụng sẽ bị khóa và số điện thoại của khách hàng chuyển quyền sử dụng sang sim mới của đối tượng. Sau đó, chúng thực hiện chuyển tiền, thanh toán và nhận mã OTP đến số điện thoại này để hoàn tất giao dịch gian lận, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Rơi vào trường hợp này, người dân bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo gây ảnh hưởng đến hạn mức tín nhiệm, các công ty tài chính, ngân hàng bị thất thoát tài sản và ảnh hưởng về uy tín thương hiệu. Rủi ro tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối. Theo báo cáo 8 tháng đầu năm 2020 của Công ty an ninh mạng Viettel, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Ngành tài chính góp sức trong công tác đấu tranh chống tội phạm lừa đảo
Để hạn chế và ngăn chặn tội phạm lừa đảo, trong những năm qua ngành tài chính tiêu dùng đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra nhằm cung cấp nhiều thông tin quan trọng, là cơ sở để xác minh, triệt phá thành công các đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Vừa qua, chuyên viên an ninh của Công ty tài chính Home Credit Việt Nam đã gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Hòa Bình về một nhóm đối tượng làm giả hồ sơ vay và chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng. Theo điều tra ban đầu, các đối tượng này sau khi chiếm đoạt thông tin khách hàng từng giao dịch với công ty Home Credit, đã dùng thủ đoạn làm giả ảnh chứng minh nhân dân theo tên của khách hàng, sau đó gọi điện thiết lập hợp đồng, chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng.
Gần đây nhất, công ty tài chính FE CREDIT cũng đã phối hợp với công an tỉnh Vĩnh Phúc nhằm điều tra, triệt phá thành công đường dây làm giả 100 hồ sơ vay nhằm chiếm đoạt của công ty này hơn 1,9 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, trong giai đoạn 2017-2018, các đối tượng lừa đảo đã cấu kết với chủ các cửa hàng điện thoại trên địa bàn tỉnh nhằm làm giả và ký khống các hồ sơ vay trả góp sản phẩm điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền giải ngân từ FE CREDIT.
Vụ việc trên được phát hiện vào cuối năm 2019. Trong quá trình rà soát định kỳ toàn bộ dữ liệu khoản vay hiện hữu, FE CREDIT đã phát hiện có 100 hồ sơ tín dụng có dấu hiệu giả mạo. Công ty này đã nhanh chóng tố cáo về hành vi của nhóm đối tượng đến cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Trong suốt quá trình điều tra vụ án, công ty đã chủ động, phối hợp tích cực cùng cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc, để cung cấp các tài liệu, chứng cứ quan trọng để triệt phá đường dây lừa đảo này.
Chia sẻ về trách nhiệm trong công tác phòng chống gian lận, đại diện FE CREDIT khẳng định công ty cương quyết đấu tranh, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào. Khi phát hiện vụ việc, lập tức chuyển cho cơ quan điều tra xử lý nghiêm khắc đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Từ nhận định của các chuyên gia, để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính, các công ty tài chính cần giải quyết được 3 vấn đề chính liên quan đến con người, chính sách và công nghệ. Theo đó, các công ty tài chính cần xây dựng và tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật thông tin. Đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên làm công tác đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng các tiêu chuẩn về năng lực và hình thành đội ngũ chuyên gia về an toàn thông tin.
Công ty tài chính cũng cần nâng cấp hệ thống lõi đáp ứng xu thế ngân hàng số với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro, gian lận dựa trên trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và robot tự động để hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, kinh doanh và phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tài chính tiêu dùng cần tăng cường tuyên truyền đối với người dân trong việc nâng cao ý thức và tinh thần cảnh trước các thủ đoạn ngày một tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Đồng thời, cần triển khai các hoat động mang tính giáo dục, nâng cao nhận thức về tài chính tiêu dùng cũng như vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cho người dân.