Bước khởi đầu của giáo dục tài chính cho trẻ tại Việt Nam
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng việc dạy trẻ các kỹ năng quản lý tài chính từ rất sớm. Ở Việt Nam, bài toán có nên cho con cầm tiền và dạy con về tiền như thế nào vẫn còn là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.
Giải đáp trăn trở đó, chương trình Sống Mới phát sóng ngày 03/07 trên VTV1 đã truyền tải những thông điệp “đắt giá” xoay quanh vấn đề giáo dục tài chính cho trẻ với phần chia sẻ hữu ích của PGS.TS. Trần Thành Nam.
Chia sẻ về quan điểm giáo dục tài chính cho trẻ nhỏ, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết: “Được giáo dục tài chính từ sớm sẽ giúp các em nhỏ biết cách thức chi tiêu thông minh, vì giới trẻ bây giờ phải đối diện với nhiều quyết định tài chính phức tạp hơn người lớn thời trước. Chính vì vậy, nội dung này đã nhanh chóng được đưa vào triển khai tại nhiều chương trình phổ thông bắt buộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.”
[NVTM1] Theo đó, tính đến nay đã có hơn 140 trường tiểu học của Việt Nam đưa nội dung giáo dục tài chính vào chương trình học, chủ yếu là các trường tiểu học ở Hà Nội và Hưng Yên. Giáo trình được sử dụng tại các trường tiểu học này là giáo trình Cha-Ching, được Quỹ Prudence Foundation của tập đoàn Prudential châu Á kết hợp với Cartoon Network thiết kế. Chương trình này được triển khai ở Việt Nam qua tổ chức Tuổi trẻ thành đạt (JA Việt Nam). Phóng sự cho thấy các em học sinh đều háo hức, thảo luận sôi nổi mỗi khi đến tiết học về tài chính Cha-Ching.
Cô Dương Thị Thúy Vân, giáo viên trường Tiểu học Ban Mai cho biết: “Tuy chương trình chỉ gồm 6 bài học thôi nhưng cũng đã mang đến cho các con nhiều cảm xúc vui vẻ và hạnh phúc.”
Cụ thể trong mỗi tiết học, giáo viên sẽ áp dụng phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” để giúp trẻ dễ dàng tìm hiểu bản chất của tiền, đồng thời học được cách quản lý chi tiêu, phân bổ nguồn tiền với đa dạng những bài tập thực hành tại lớp.
“Con chưa kiếm được nhiều tiền nên con sẽ sử dụng vào thứ cần thiết nhất, còn những thứ mình thích thì sẽ dành sau để không lãng phí công sức và đồng tiền mình kiếm ra được”, em Phạm Ngọc Hà, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Ban Mai hào hứng chia sẻ bài học mà bản thân đúc kết được sau tiết học Cha-Ching.
Từ lý thuyết áp dụng vào thực tiễn, trẻ được thực hành kỹ năng ngay trong cuộc sống hàng ngày
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, năng lực tài chính cần được hình thành ở các em nhỏ bao gồm khả năng nhận thức, đánh giá, và giao tiếp một cách tự tin về tiền và dịch vụ tài chính. Tuy những khái niệm trên mang tính chất vĩ mô nhưng nếu được truyền tải bằng cách thức gần gũi, điển hình là qua những tập phim hoạt hình vui nhộn kết hợp một số bài thực hành đơn giản trong tiết học Cha-Ching thì hiệu quả giáo dục tài chính được mang lại là rất cao.
Tích cực áp dụng các kiến thức về tài chính đã được học trên lớp, một nhóm các em học sinh tiểu học tại Hà Nội và Hưng Yên đã lên ý tưởng và trực tiếp “điều hành” một dự án kinh doanh tại nhà. Toàn bộ doanh thu có được từ những vật dụng thủ công do chính tay các em làm ra tại công ty “tí hon” này sẽ được dùng vào mục đích thiện nguyện và giúp đỡ bạn học có hoàn cảnh khó khăn.
Là một trong 20 bạn học sinh xuất sắc nhất từng tham dự vòng chung kết cuộc thi “Bé giỏi Tiền hay” được Prudential khởi động từ tháng 3/2022, em Trần Minh Hà cũng đang nỗ lực đồng hành cùng các bạn để dồn hết tâm huyết cho dự án kinh doanh này. Em cho biết, nhiệm vụ bây giờ chính là tiếp tục làm thêm nhiều sản phẩm mới để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Đòi hỏi thực hiện đúng phương pháp khi giáo dục tài chính cho trẻ
Trên thực tế, giáo trình Cha-Ching còn khá mới lạ so với các bậc phụ huynh Việt Nam nên đâu đó vẫn còn tồn tại những trăn trở liệu cha mẹ có nên đưa tiền thật cho con tập quản lý chi tiêu.
Không ngại bày tỏ quan điểm, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết bản thân cũng đã là bố của hai con, anh không khuyến khích bố mẹ sử dụng tiền thật để thưởng cho con nhưng bố mẹ có thể dùng cách thức quy đổi, ví dụ như những đồng xu bằng nhựa. Từ đó, các con vẫn có thể hình thành được thái độ quý trọng sức lao động.
Ngoài ra, theo phóng sự, nội dung giáo dục tài chính cho trẻ cần được lựa chọn phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi khác nhau, cụ thể:
3 tuổi: Dạy con hiểu khái niệm về tiền, cách trao đổi tiền qua trò chơi bán hàng, được trả tiền công lao động qua trò chơi, dạy chơi gửi tiết kiệm với con lợn tiết kiệm.
5 tuổi: Dạy con học nhận dạng các số trên tờ tiền, tiết kiệm điện nước cũng là tiết kiệm tiền.
6-10 tuổi: Dạy con phân biệt cái con muốn và cái con cần, đặt ra mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn.
11-13 tuổi: Dạy con chi tiết hơn về tín dụng, ngân hàng, lãi, đầu tư,...
13-15 tuổi: Dạy con hiểu về nợ tốt, nợ xấu và thuế,...
Giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm để trẻ hình thành tư duy, kỹ năng cần thiết cho sự phát triển toàn diện là một hành trình cần có sự đồng lòng giữa các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn thể các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp. Kiên định với mục tiêu trên, Prudential Việt Nam đã thể hiện cam kết dài hạn thông qua dự án Cha-Ching, nhằm kiến tạo thế hệ trẻ hiểu biết vững vàng về tài chính và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển thịnh vượng.