Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tuy gặp phải dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhưng dòng vốn chính sách vẫn được khơi thông, chảy về tận vùng sâu, vùng xa, đến đúng các đối tượng thụ hưởng gần 76 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó riêng nguồn vốn ngân sách địa phương là 8,8 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 3,9 tỷ đồng, ngân sách huyện 4,9 tỷ đồng).
Nhờ phương thức cấp tín dụng trực tiếp, công khai, công bằng thông qua hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp toàn huyện và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn bản, mà hộ nghèo với gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đã tiếp cận thuận lợi, kịp thời tới nguồn vốn chính sách, chủ động phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.
Nhờ có vốn, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn kết hợp sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Từ đó, xuất hiện những mô hình và những tấm gương nông dân đổi mới tư duy, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng để phát triển những mô hình sản xuất có hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Tiêu biểu có gia đình chị Mai Thị Hường ngụ thôn Hương Liên, xã Đạ Rsal, vốn thuộc diện hộ nghèo đã được vay vốn chính sách từ cuối năm 2015 để khai hoang mở đất trồng cà phê. Sau 5 năm chăm chỉ làm lụng, chị Hường hoàn trả hết số nợ cũ, rồi được Hội phụ nữ xã và NHCSXH huyện giúp đỡ cho vay tiếp 50 triệu đồng cải tạo chăm sóc 2.000 cây cà phê. Vụ cà phê năm ngoái, gia đình chị thu hoạch được 3 tấn hạt cà phê loại 1, bán được giá cao. Tiền bán cà phê, chị trồng thêm 3.000m2 dâu, mua đủ giống kén tốt, mở rộng cơ sở nuôi tằm, dệt lụa. Ước mơ thoát nghèo ngày nào của chị Hường nay thành sự thật. Căn nhà cũ xập xệ cũng được sửa chữa lại khang trang, vững chắc hơn.
Còn gia đình ông Kon Sơ Tuất, ở thôn 4 xã Phi Liêng cũng là hộ nghèo, nhờ đồng vốn chính sách mua 1 cặp bò sinh sản về nuôi. Do chăm sóc, phòng bệnh chu đáo nên đều đặn mỗi năm cặp bò mẹ sinh thêm cặp bê khỏe mạnh. Từ số tiền bán bê, ông Tuấn đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn cà phê, ruộng lúa nước. Đến nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà đã có của ăn của để. Hiện cơ ngơi của ông có 2 ha cà phê đã cho thu hoạch, 2 mẫu lúa nước, ngô lai và đàn bò 5 con, đạt mức thu nhập lên đến 250 triệu đồng/năm.
Kể từ khi được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn chính sách, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Đam Rông đổi thay không ngừng. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện như mô hình trồng rau sạch từ 10 đến 40 ha trong nhà kính ở Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đạ Rsal; mô hình chanh không hạt ở xã Liêng Srônh; mô hình VAC, nuôi bò, heo rừng, hươu sao, cam sành, sầu riêng, bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Đạ Rsal lời 150 triệu đồng/năm; mô hình cà phê, trồng dâu nuôi tằm ở Đạ K’Nàng, Đạ M’Rông, Liêng Srônh; chuối La Ba 100 ha tại Đạ K’ Nàng… Vốn chính sách đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm giảm 3,34%. Đến giữa năm nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,45%. Hầu hết hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đã chuyển biến nhận thức trong sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả, lồng ghép với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Giám đốc NHCSXH Đam Rông, ông Bạch Văn Trường chia sẻ: Từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng giao dịch đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa đảm bảo tiến độ giải ngân nhanh gọn, kịp thời đầy đủ, an toàn. Cùng với đó, NHCSXH Đam Rông đã khẩn trương hỗ trợ khách hàng vay vốn chính sách như tạm dừng thu nợ gốc thu lãi ở những nơi bị khoanh vùng, cách ly cho đến khi giao dịch với ngân hàng trở lại bình thường và cho vay người sử dụng lao động ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Dòng chảy vốn tín dụng chính sách luôn thông suốt trên cao nguyên Đam Rông. Những cán bộ tín dụng chính sách vùng đất này vẫn tiếp tục làm “điểm tựa” trong công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đồng thời còn là động lực góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh để phát triển sản xuaát, dựng xây cuộc sống mới.