Hai triển lãm đưa người xem vào nỗi hoài niệm về thời gian, tâm trạng của con người trước thiên nhiên, những ẩn dụ về định mệnh và bản sắc trong biến cố lịch sử. Những thông điệp về giá trị của thời gian ấy trước tiên gây ấn tượng với mắt nhìn bằng những tác phẩm đẹp và mơ mộng như thơ ca. Nghệ sĩ Trần Thu Vân tại lễ khai mạc
Trần Thu Vân là một nghệ sĩ ý niệm người Pháp gốc Việt, sinh sống và làm việc tại Paris. “Xe Đạp Ơi” là triển lãm đầu tiên mà chị thực hiện tại VCCA. Chính không gian này cũng một phần cảm hứng của tác phẩm.
Yếu tố thơ ca với Trần Thu Vân là ca khúc “Xe đạp ơi” (Phương Thảo - Ngọc Lễ) mà chị ghi nhớ từ khi còn nhỏ và những tác phẩm văn học chị đọc - tuy không trực tiếp nhưng tạo ra không khí tác phẩm. Bóng dáng của hoài niệm, những ẩn dụ về sự xóa nhòa của thời gian, nỗi buồn man mác hiện diện trong các tác phẩm.
Một cách rõ rệt, cùng với mối quan tâm về lịch sử, nghệ sĩ Trần Thu Vân tìm kiếm những nguyên liệu có yếu tố thời gian và có tính điển hình.
Tác phẩm “Họa Mi” lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long, một nét đẹp “tiêu biểu” đối với người ngoại quốc khi nói đến Việt Nam, được thực hiện từ cánh buồm đã qua sử dụng khâu lên một tấm vải dù lính Mỹ
Phía sau sau bức màn “buồm - dù” là bức vẽ lớn trên tường với tông màu xám chủ đạo được tạo nên từ việc trét 6 lớp màu, lớp nọ phủ định lớp kia - 6 màu của 6 loại chất diệt cỏ mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (trắng, hồng, xanh lá, xanh lam, tím, và màu Da Cam - màu được biết đến nhiều nhất về đặc tính hủy diệt của nó).
Sự xuất hiện gần như vô hình của lớp nhựa cao su tổng hợp gần như trong veo trên mặt sàn, đối ứng với bức vẽ xám trên tường. Nếu đọc kỹ hơn lời giới thiệu, người xem biết đến sự hiện diện của các đồn điền cao su như một dấu ấn chiếm đóng của Pháp tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho Việt Nam và những cuộc cách mạng sau này.
“Tiểu thuyết vô đề” là tác phẩm sắp đặt làm từ những chiếc lá của cây cao su lấy từ nơi vốn là đồn điền cao su Phú Riềng ở miền Nam - một địa danh lịch sử nơi những cuộc nổi dậy của công nhân chống lại sự hà khắc của chủ Pháp bắt đầu. Từng chiếc lá được quét lên một lớp gốm trộn keo, nung lên, và bị đốt cháy từ bên trong, chỉ còn vỏ gốm trong hình dạng chiếc lá, được bày đẹp đẽ trên một chiếc bục trải rộng.
Còn ở “Vòng Tròn/Thời Gian” của họa sĩ thành danh Hà Mạnh Thắng, 30 tác phẩm tranh được bày xen kẽ với sắp đặt - là các cổ vật anh sưu tầm được. Nguồn gợi hứng lớn với Hà Mạnh Thắng là dấu ấn của thời gian trên những cổ vật, bao trùm lên đó là cảm giác thiên nhiên khoáng đạt và tĩnh lặng thể hiện tâm trạng và con mắt quan sát tinh tế của con người trong thơ ca cổ. Trong tâm thế của nhà thơ, Hà Mạnh Thắng mô tả chủ yếu các khoảnh khắc đang “tàn” của mùa xuân, thu, đông và sự dịch chuyển của bóng đêm trên vật thể qua các nét vẽ như thư pháp và sự chạm khắc vào các lớp màu trên mặt toan, đa số là sắc đen xám, bàng bạc - như tro tàn - trong một ánh sáng trưng bày cũng cố tình để hơi tối, như ánh sáng đang lụi dần.
Một số ảnh và chi tiết tác phẩm trưng bày của Hà Mạnh Thắng.
Ảnh hưởng của thi ca trung đại còn thể hiện qua cách họa sĩ Hà Mạnh Thắng sắp đặt bố cục của mỗi bức tranh. Câu thơ trung đại tuy ngắn, nhưng ý thơ mở ra cả một không gian rộng lớn và bao trùm. “Ta không cần góc quan sát chính hay phụ mà trải ra nhìn bao quát xung quanh. Mắt đọng vào điểm nào, trọng tâm của cảnh nằm vào điểm đó” (Hà Mạnh Thắng). Đối với tranh của Hà Mạnh Thắng, người xem cần có thời gian, khoảng cách và không gian nhất định.
Một số cổ vật được bày bên cạnh tranh, cho thấy những gợi ý về nguồn cảm hứng.
Sau khai mạc, triển lãm “Xe Đạp Ơi” sẽ bao gồm phần trình diễn tương tác mang tên “Chạm - Rung, với âm nhạc của nghệ sĩ trình diễn âm thanh Bùi Linh Hà và giọng đọc của nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Họa My. Màn trình diễn sẽ diễn ra từ 2h30 vào các chiều thứ Bảy.
Hai triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14/12/2018 đến hết ngày 10/2/2019. Trong thời gian này, VCCA cũng sẽ tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kiến thức về nghệ thuật đương đại.