Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Để bắt kịp xu hướng của thị trường, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã tự nghiên cứu ứng dụng Phần mềm Nhật ký vận hành điện tử dùng để cập nhật, quản lý thông số và nhật ký vận hành của các nhà máy điện thay cho phương pháp ghi thông số và nhật ký vận hành bằng giấy thủ công như trước đây, với mục tiêu số hóa tất cả dữ liệu nhật ký và thông số vận hành của các nhà máy điện; quản lý, tra cứu thông tin vận hành nhà máy điện một các nhanh chóng, chính xác, có khả năng lưu trữ lâu dài, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Với những tiện ích và hiệu quả mà phần mềm đã mang lại, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã vinh dự được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2021” ở hạng mục Sản phẩm, giải pháp công nghệ số tiêu biểu với “Giải pháp phần mềm Nhật ký vận hành điện tử tại các Nhà máy điện”.
Hiện tại phần mềm Nhật ký vận hành điện tử đã được Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) triển khai và đưa vào sử dụng, Công ty cũng đã và đang phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản trị, quản lý điều hành sản xuất điện, đầu tư xây dựng dự án nguồn điện, công tác dịch vụ sửa chữa… để nâng cao hiệu quả và chi phí của Công ty.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công thì Văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo tại BTP.
Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp không phải bất biến mà được bồi đắp dần các giá trị và tư tưởng; quy mô không còn là yếu tố then chốt quyết định sức mạnh cạnh tranh mà chính “văn hóa tốc độ” đang trở thành lợi thế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ và phương thức quản trị bắt đầu từ việc chăm lo cho các nền tảng văn hóa và tinh thần. Việc vận hành phải luôn nhanh chóng, thuận tiện nên mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá Văn hóa doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục, giải quyết công việc. Chính vì vậy, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay thế văn hóa áp đặt, đánh giá hiệu quả công việc một cách khách quan và công bằng hơn nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, giảm bớt các thủ tục, lễ tiết rườm rà khác.
Trong thời gian qua, EVN cũng nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn, lan tỏa truyền thống Văn hóa doanh nghiệp; hoàn thiện, đổi mới hệ thống nội dung tài liệu Văn hóa doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch tổng thể thực thi Văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Tiếp nối truyền thống của ngành điện, BTP cũng đã có những thành công nhất định sau 10 năm thực hiện Văn hóa doanh nghiệp. Để Văn hóa doanh nghiệp làm nên bản sắc riêng của doanh nghiệp, tạo năng lực cạnh tranh và sức mạnh phát triển bền vững trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới, định hướng cho cán bộ công nhân viên những phương pháp, cách làm việc hiệu quả và quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức, tư duy theo lối mòn trong thực tiễn lao động, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và giúp doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp.
Để nâng cao nhận thức, trình độ cho người lao động trong thời gian qua, BTP đã có nhiều phương pháp cụ thể như: những cuộc việc thi về tìm hiểu trên phần mềm hệ thống, áp dụng công nghệ thông tin vào các bài thi an toàn, sát hạch, nâng giữ bậc, tổ chức các chương trình bồi huấn, học tập phù hợp với các vị trí công tác,… qua các hoạt động này đã giúp người lao động từng bước thích ứng với văn hóa công nghệ và cách làm việc mới.
Trong quá trình xây dựng Văn hóa doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số thì vai trò của lãnh đạo và những người đứng đầu là vai trò hết sức quan trọng, phải là những người tiên phong đóng vai trò cốt lõi tạo lực đẩy cho toàn thể người lao động.
Muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải xây dựng được Văn hóa doanh nghiệp phù hợp, bởi vì văn hóa tác động trực tiếp tới yếu tố con người trong doanh nghiệp; tạo nên một môi trường làm việc văn minh, khoa học và chuyên nghiệp; cải thiện năng suất làm việc, tăng hiệu quả công việc đạt được, hoàn thành đúng mục tiêu đã đề ra; phát triển các kỹ năng cho nhân viên và định hướng các hoạt động kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp; xây dựng được đội ngũ nhân viên giàu năng lực, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được những thay đổi trong quá trình làm việc; có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các bộ phận, tránh những sai sót không đáng có.
Tóm lại, để xây dựng Văn hóa doanh nghiệp trở thành nguồn tài sản quý giá cho doanh nghiệp không đơn thuần là liệt kê ra các giá trị mình mong muốn mà đòi hỏi sự nỗ lực, sự đồng lòng cùng phát triển của cả đội ngũ nhân viên tại doanh nghiệp và sự khởi xướng, cổ vũ, động viên của lãnh đạo, và BTP đã, đang và sẽ thực hiện theo xu thế đó./.