Bình thường, chương trình sẽ diễn ra chậm hơn khoảng 15 cho tới 30 phút theo lịch ghi trên vé, để chờ thời gian khán giả tới đông đủ, vậy nhưng ngay từ 19 giờ khi ban tổ chức vẫn còn chuẩn bị những khâu cuối trước giờ đón khách thì đã nhiều khán giả lớn tuổi đến và ngồi sẵn ở ghế đợi cho tới khi chương trình diễn ra. Chính vì vậy, đúng 20 giờ chương trình được bắt đầu.
Các nghệ sĩ trong đêm diễn. |
Trong lần đầu tiên, "Ngãi mẹ sinh thành" được tổ chức tại không gian quán cafe ca nhạc với sức chứa hơn 200 chỗ ngồi và nhận được sự ủng hộ từ khán giả. Cho nên lần này, nhóm Xẩm Hà Thành tổ chức quy mô hơn với không gian của Rạp Hồng Hà với sức chứa khoảng hơn 400 chỗ ngồi. Tổ chức trong không gian của một nhà hát nên toàn bộ phần sân khấu cũng như âm nhạc được thực hiện một cách cẩn thận hơn sao cho khán giả tới với chương trình sẽ được thưởng thức một đêm nghệ thuật đạt hiệu quả cả phần nghe và nhìn. Toàn bộ không gian là cảnh của làng quê Việt Nam, với mái nhà tranh, với những cái chõng mây, với cây cau, vại nước... một không gian thuần Việt.
Tiết mục của NSND Thanh Hoài. |
"Ngãi mẹ sinh thành" là tri ân đấng sinh thành cho nên, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long muốn chọn một không gian âm nhạc đậm chất trữ tình, man mát buồn, nhưng đó là cái buồn của sự ấm áp tình yêu thương dành cho đấng sinh thành. Mở đầu là tiếng đàn bầu da diết mà êm ái vang lên, rồi tiếng ru của ngọt ngào của NSND Thanh Hoài vút lên bên chiếc nôi đung đưa...
Đã lâu, trong bộn bề của công việc như cuốn trôi chúng ta theo cuộc sống thường nhật, có thể một lúc nào đó đã khiến ta tạm quên đi những câu hát ấy, nhưng từ trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người, đó chính là những hình ảnh về mẹ cha, về mảnh đất nơi mà mỗi người đã sinh ra, lớn lên luôn hằn sâu trong trái tim không bao giờ phai.
NSƯT Thanh Ngoan trở lại với khán giả bằng câu xẩm "Thập ân". |
NSƯT Thanh Ngoan trở lại với khán giả bằng câu xẩm "Thập ân" có nội dung là 10 điều ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha càng khiến không gian của đêm xẩm ngập tràn trong ký ức của sự yêu thương.
NSND Xuân Hoạch với "Xẩm tàu điện Hà Nội". |
Với những câu xẩm dí dỏm của "Xẩm tàu điện Hà Nội", NSND Xuân Hoạch đã mang lại một không gian của phố phường Hà Nội một thời, đây như một tấm vé trở về tuổi thơ mà nhóm Xẩm Hà Thành dành tặng cho những khán giả lớn tuổi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội với vùng ký ức gắn liền với 36 phố phường.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với "Ngãi mẹ sinh thành"
|
Bài xẩm chủ đề của chương trình “Ngãi mẹ sinh thành” được nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa thể hiện trong dạt dào cảm xúc, bởi đây không chỉ là bài xẩm nói về công ơn đối với mẹ cha những người con phải ghi nhớ mà còn là sự trao truyền của người thầy lớn của nhóm, nghệ nhân Hà Thị Cầu cho Mai Tuyết Hoa và các thành viên của nhóm.
Cũng trong đêm nhạc, tác phẩm nổi tiếng là sáng tác của nghệ nhân Hà Thị Cầu mang tên "Theo Đảng trọn đời" được nghệ sĩ Văn Hải thể hiện.
Danh hài của Nhà hát Chèo Việt Nam, Văn Phương, xuất hiện trữ tình trong bài hát văn “Nhớ mẹ ta xưa”, dựa trên lời thơ của thi sĩ Nguyễn Duy.
Các nghệ sĩ trong phần ca nhạc mới với chùm những bài hát về mẹ và quê hương. |
Phần ca nhạc mới với chùm những bài hát về mẹ và quê hương: “Bông hồng cài áo”, “Mẹ”, Mẹ yêu con”, “Người mẹ của tôi”, “Lời ru”... do các nghệ sĩ khách mời NSƯT Diệu Hương, Quỳnh Hoa, Trần Hữu Tuấn, Thanh Cường, Hiền Anh... đưa người nghe tới một bức tranh âm nhạc khác về mẹ.
Những tiết mục trong chương trình. |
Sau những phút phiêu linh với chùm ca khúc về mẹ trên âm hưởng nhạc mới, chương trình lại trở về với những câu xẩm quen thuộc của Hà Nội với lời ca đậm chất thôn quê “Tương tư”, “Lỡ bước sang ngang” do các nghệ sĩ chính của nhóm Xẩm Hà Thành là Thanh Ngoan, Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa và Phạm Đình Dũng thể hiện. Sự chia ly, day dứt, quyết luyến giữa hai chị em gái khi người chị dứt áo ra đi theo chồng, không đành nỡ để lại nhà mẹ già và người em gái, sự dặn dò người em gái thay chị ở nhà chăm sóc mẹ già... cứ day dứt buồn sẽ khiến cho những khán giả có mặt ở đêm diễn không muốn dứt ra khỏi không gian âm nhạc của đêm nghệ thuật.
Ca sĩ Giáng Son xuất hiện trong chương trình. |
Chương trình được diễn ra đúng mùa lễ Vu Lan báo hiếu, rất nhiều nơi tổ chức các chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ. Vì vậy đây là thời gian bận rộn của các nghệ sĩ theo dòng nghệ thuật dân tộc và ca hát mang âm hưởng dân gian. Nhưng với "Ngãi mẹ sinh thành", các nghệ sĩ đã nhiệt tình tham gia. Thậm chí, NSND Thanh Hoài đang chạy show từ Huế cũng vội đặt vé máy bay để kịp trở về vào trước giờ diễn góp mặt vào đêm diễn. Trần Hữu Tuấn tham gia trình diễn chương trình đại lễ vu lan tại chùa Ba Vàng Quảng Ninh cũng vội trở về kịp tổng duyệt và góp mặt trong đêm diễn. Ca sĩ người mẫu Thanh Cường thậm chí còn không nhận lời những sô diễn khác để tham gia với đêm nhạc.
Tri ân là một hoạt động không thể thiếu trong các đêm nhạc quan trọng của nhóm Xẩm Hà Thành. Trong đêm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, nhóm Xẩm Hà Thành ngày càng được thêm nhiều khán giả yêu mến, điều này là vô cùng hạnh phúc. Nhưng khi nhóm ngày càng vững vàng thì cũng đồng nghĩa nhóm cứ phải dần rời xa những người thầy của mình. Từ nghệ nhân Hà Thị Cầu, đến nhà nghiên cứu âm nhạc GS.TS.NGND Phạm Minh Khang - người đứng đầu công trình phục hồi hát xẩm từ năm 2005. Và năm nay, nhóm lại vừa chia tay nhạc sĩ – NGND Hoàng Kiều.
NSƯT Thanh Ngoan cho biết, ông là một nhạc sĩ bậc thầy của làng chèo, đồng thời là người có nhiều tư vấn, cung cấp tài liệu cho nhóm khi phục hồi nghệ thuật hát xẩm. Khi chương trình được tổ chức cũng là gận kề 49 ngày NGNG Hoàng Kiều chia xa cõi tạm.
Đêm nhạc dành một khoảng thời gian tri ân thầy Hoàng Kiều và dành tặng nghệ sĩ Bích Ngọc phu nhân của ông một bó hoa tươi thắm. Không những thế, nhạc sĩ Giáng Son, con gái của NSND Hoàng Kiều xuất hiện từ đầu chương trình trong vai trò của một nghệ sĩ trong dàn nhạc xẩm, đã dành tặng khán giả một sáng tác mới của chị về tình mẫu tử đã khiến cho đêm nhạc càng thêm nhiều cung bậc cảm xúc.