Ngày 19/8 cách đây 66 năm về trước, Cách mạng Tháng Tám thành công. Mỗi khi đến ngày này, NSND Trọng Bằng, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam lại rưng rưng nhớ về những ngày tháng lịch sử ấy. Khi đó, mặc dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng ông cũng hăng hái xuống đường hòa vào dòng người tham gia biểu tình...
Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng. |
Là một trong những người viết nhiều ca khúc cách mạng, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước như "Bão nổi lên rồi", "Bài hát bên cầu phao", "Dũng sỹ Núi Thành", "Cả nước hướng về Hà Nội"... hay những bản nhạc cho các bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như “Ngày lễ thánh”, “Cù Chính Lan”…, NSND Trọng Bằng cho biết, sự nghiệp âm nhạc của ông ảnh hưởng rất nhiều từ các ca khúc cách mạng mà ông đã được nghe từ khi còn trên ghế nhà trường, nhất là những ca khúc được hát nhiều trong Cách mạng Tháng Tám. Nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông.
Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu từ khi nào, thưa nhạc sỹ?
Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, là học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng. Thời gian này, tôi đã bắt đầu tiếp xúc với một loạt các ca khúc cách mạng của các nhạc sỹ nổi tiếng như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước... Những giai điệu đẹp đẽ, hùng tráng của các ca khúc cách mạng đã lôi cuốn tôi đến với âm nhạc. Chính vì vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi mới 17-18 tuổi, vẫn còn là học sinh, tôi đã viết một số bài hát như: "Cánh bồ câu trắng", "Đấu tranh vì ngày mai", "Em bé Triều Tiên"…
´Vậy những tác phẩm âm nhạc cách mạng có ảnh hưởng như thế nào đến những sáng tác của nhạc sỹ sau này?
Nhà soạn nhạc lừng danh Bethovel đã từng nói, âm nhạc cách mạng, âm nhạc hay làm cho con người lạc quan, có sức chiến đấu, có nhiệt lửa… Tôi luôn cho rằng, mình may mắn được ra đời và sống đúng vào giai đoạn ấy, được hấp thu những tác phẩm âm nhạc về Cách mạng Tháng Tám rất hay của các nhạc sỹ nổi tiếng như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận… Những giai điệu âm nhạc của Cách mạng tháng Tám, ngọn lửa tháng Tám luôn ở trong tôi, ăn sâu vào trí óc tôi, nên sau này, tiếp nối tinh thần cách mạng ấy, tôi cũng đã viết khá nhiều ca khúc cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ như "Bão nổi lên rồi", "Bài hát bên cầu phao", “Quê hương vang tiếng hát tự hào”, "Dũng sỹ Núi Thành", "Cả nước hướng về Hà Nội"…
´Nhạc sỹ có kỷ niệm nào với những nhạc sỹ cách mạng mà nhạc sỹ đã chịu ảnh hưởng trước đó không?
Sau này, tôi có may mắn được quen biết nhiều nhạc sỹ cách mạng mà trước đó chỉ biết đến qua bài hát như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… và cũng may mắn là những nhạc sỹ này cũng rất quý tôi. Còn nhớ khi tôi sáng tác bài giao hưởng thơ "Người về đem tới ngày vui", lấy từ chủ đề bài hát cùng tên của nhạc sỹ Văn Cao, khi tôi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhạc sỹ Văn Cao đã cùng vợ đến xem. Ông đã tặng tôi hoa và một bao thuốc lá. Nhạc sỹ Văn Cao đã xúc động nói với tôi: "Anh rất cám ơn Bằng, em đã biến bài hát của anh thành một bức tranh hết sức hoành tráng, muôn màu, muôn sắc…". Nhưng tôi nói, tôi phải cám ơn nhạc sỹ, vì âm nhạc của anh đã truyền sức mạnh cho tôi…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài và ảnh: Hoàng Phương (thực hiện)