Bài chòi dân gian xứng tầm di sản

Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung xứng đáng được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trên thế giới và cần được bảo tồn, phát huy.

Sự hình thành và phát triển

Tiến sĩ Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam khẳng định: Nghệ thuật Bài chòi dân gian là một trong những sáng tạo đặc sắc về văn hóa phi vật thể của người Việt - tộc Kinh ở Trung Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Bài chòi được bắt nguồn từ hội chơi Bài chòi, một hình thức văn hóa giải trí thường được tổ chức vào những ngày đầu năm mới tại các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa).

Đông đảo người dân và du khách thưởng thức nghệ thuật trình diễn Bài chòi.



Nguồn gốc, lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật này đã có một số tài liệu của người Việt Nam và nước ngoài đề cập ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX. Cụ thể như trong cuốn Larousse musicale xuất bản tại Pari - Pháp năm 1928 của tác giả G.L Bouvier, nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học người Pháp gốc Ba Lan đã dành riêng một chương có tiêu đề: “Những bài hát phổ thông của người An Nam” để nói về Bài chòi. Trong đó ông cho rằng Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là năm 1470, nhưng ông không đưa ra những dẫn chứng nào để chứng minh. Sau này, có một số nhà nghiên cứu của Quảng Bình và Bình Định đã dựa vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian đã đưa ra giả thuyết rằng, ông Đào Duy Từ (1571 - 1643), một nhà nho sống ở giai đoạn cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn là người đã sáng tạo và truyền dạy lối chơi Bài chòi ở vùng đất này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đủ chứng cứ để chứng minh giả thuyết đó là đúng.

Còn theo GS.TS Trần Quang Hải (Pháp) cho rằng: Đến nay chưa có ai xác định Bài chòi có nguồn gốc từ lúc nào. Nhưng ông cũng nêu ra những giả thuyết là theo lời kể của ông Phan Bình Lang, sinh năm 1910, Bài chòi là do ông Đào Duy Từ (1571-1634) ở ngoài Bắc vô Bình Định khai khẩn đất hoang sau khi vùng đất Vijaya của xứ Chiêm trở thành lãnh thổ của Việt Nam từ năm 1471. Vào thời điểm đó dân còn ít, việc trồng trọt thường bị thú rừng phá hoại. Cho nên người dân phải dựng những chòi cao hơn 2 m, vững chắc, bố trí theo hình vuông, hình chữ nhật. Trên mỗi chòi đều có trống, phèng la, mõ. Mỗi khi có thú rừng thì họ khua trống, mõ vang ầm lên làm cho thú rừng hoảng chạy. Khi nhàn rỗi, để khuây khỏa, người dân mới chế ra 2 ống tre căng dây và bịt một đầu bằng da ếch để làm ống loa nói chuyện với nhau từ chòi này sang chòi khác. Từ đó mới nghĩ tới hát đối đáp qua những câu ca dao và tạo thành loại hình “hát ống” từ đó. Và ông Đào Duy Từ đã phát triển từ “Hát ống” tới thành một trò chơi “Đánh bài chòi” với những lá bài và lập thành hệ thống có qui củ để giải trí. Kế tiếp vào những năm 1970 - 1990 đã xuất hiện các bài viết của một số nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu thi ca, văn học Việt Nam như: Quách Tấn, Vũ Ngọc Phan, Đặng Văn Lung, Tạ Chí Đại Trường, Diệp Đình Hoa… Tuy nhiên hầu hết họ cũng nêu ra những suy luận mà thôi.

Cũng từ đó, đến trước năm 1945, hội chơi Bài chòi đã từng phát triển, nhất là vùng Nam Trung Bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và kháng chiến chống Mỹ (1964 - 1975), nghệ thuật Bài chòi đã được sử dụng khá nhiều và tham gia tích cực vào việc động viên đồng bào, chiến sĩ, ca ngợi những tấm gương đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc và trong thời gian này còn gọi là Bài chòi kháng chiến. Trong giai đoạn từ sau 1975 đến 1990 có những quan điểm cho rằng nghệ thuật Bài chòi là một dạng như đánh bạc, vì vậy nó bị trầm lặng, mai một và đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Nhưng may thay vào cuối năm 1990, nghệ thuật Bài chòi lại được dần dần phục hồi và đặc biệt kể từ khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có chủ trương phục hồi Bài chòi, thì loại hình nghệ thuật này đã nhanh chóng sống dậy và được đông đảo các tầng lớp nhân dân chín tỉnh và thành phố ở Trung Bộ: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa tổ chức hội chơi Bài chòi vào các dịp lễ, Tết, đầu năm mới.

Nét đặc trưng độc đáo và đặc sắc

Tiến sĩ Nguyễn Bình Định cho biết, xét về giá trị nghệ thuật của một di sản văn hóa phi vật thể, Bài chòi là loại hình vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội. Tổng hợp và mang đến cho công chúng cùng một lúc được thưởng ngoạn nhiều thể loại, nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau như: Dân ca, thơ, trò diễn, trích đoạn sân khấu, chuyện kể và diễn tấu nhạc cụ truyền thống…

Cái hay riêng của nó là ở chỗ kể chuyện nhưng không giống như lối kể chuyện thông thường mà có động tác phụ họa, có nhạc cụ phụ họa; diễn trích đoạn sân khấu nhưng không giống như tuồng và hát bội, vì không có sân khấu, không có phông cảnh, không dùng y phục biểu diễn chuyên nghiệp mà chỉ với một bộ quần, áo thông thường. Đặc biệt chỉ có một người mà đóng được nhiều vai khác nhau, nhưng lại đạt được hiệu quả thể hiện tự nhiên, gần gũi, dễ hiểu mà sâu sắc và cái đó người ta gọi là nghệ thuật độc diễn trong Bài chòi. Cùng với tài tức hứng lời thơ tại chỗ, lối độc diễn rất tự tin và hồn nhiên chính là nét đặc trưng độc đáo và đặc sắc, then chốt của nghệ thuật Bài chòi dân gian, nó phản ánh tài nghệ của anh Hiệu, chị Hiệu và đó là điểm hoàn toàn khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác.

Các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào của Bài chòi đã đi vào lòng người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Thụy Loan cho biết, về nét độc đáo đặc sắc bởi sắc thái tuồng và sự thẩm thấu những yếu tố tuồng trong nghệ thuật Bài chòi hoàn toàn khác với sắc thái tuồng và sự thâm nhập của yếu tố tuồng trong “cải lương tuồng tầu”. Nó cũng không giống sự thâm nhập của yếu tố tuồng trong “chèo văn minh” trước đó hoặc trong các loại hình nghệ thuật khác ở thời đại hiện nay. Nếu ở các thể loại khác yếu tố tuồng được “gá ghép” vào một chỉnh thể đã định hình từ trước, thì nghệ thuật Bài chòi, yếu tố tuồng lại là một trong những tế bào chính yếu cấu thành, thậm chí là tố chất nằm ngay trong lòng tế bào của nghệ thuật Bài chòi từ buổi ban sơ của nó - đặc biệt là nghệ thuật Bài chòi Bình Định.

Còn nghệ nhân - nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiềm, 80 tuổi (nguyên là Phó trưởng đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định) cho biết: Từ lúc 6 tuổi ông đã được bà, cha, mẹ dạy cho học nghệ thuật Bài chòi và qua quá trình học hỏi, biểu diễn. Ông cho rằng, nghệ thuật Bài chòi, Bài chòi chiếu đã phát huy hiệu quả xuất phát từ “cung cầu” đã kích thích “Hiệu” Bài chòi thành nghệ nhân đầy sáng tạo và đánh dấu bước phát triển phong phú rực rỡ mang đặc trưng nghệ thuật Bài chòi dân gian đúng nghĩa.


Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Bài chòi - một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa của người Việt vào định cư, khai phá vùng đất Đàng từ cách đây nhiều thế kỷ và đã ăn sâu, bám rễ vào tâm hồn và không gian sống của người dân các tỉnh Trung Bộ. Các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào của Bài chòi đã đi vào lòng người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng.

Vinh danh di sản văn hóa thế giới

Qua các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước đều cho rằng, đến nay một số nơi trên thế giới cũng có những dạng độc diễn tương đồng như nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam. Chẳng hạn như Pansori ở Hàn Quốc, Cổ từ ở Trung Quốc, Hát nói ở Angieri và hát nói ở Ấn Độ…

GS.TS người Pháp Yves Defrance phân tích về sự độc đáo của nghệ thuật Bài chòi như sau: “Thật thích thú khi chúng tôi đã tìm thấy ở Bài chòi cũng có những điểm chung với nghệ thuật truyền thống Âsiklik của những người hát thơ cổ của Thổ Nhĩ Kỳ, những người di cư từ cộng đồng này đến cộng đồng khác. Họ sử dụng những đoạn thơ kể mà ở đó họ đưa những phần ngẫu hứng dựa trên những câu chuyện truyền thống và hài hước. Và sự thực tính độc diễn trong Bài chòi có điểm chung với loại hình truyền thống ở châu Á như: Pansori của Hàn Quốc… Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần mang đến tất cả suy nghĩ về Bài chòi, nó xứng đáng để tất cả chúng ta ủng hộ để Bài chòi được ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể của nhân loại UNESCO”.


Bài và ảnh: Viết Ý

Bài chòi - di sản văn hóa đặc sắc
Bài chòi - di sản văn hóa đặc sắc

Mới đây, Bộ VH,TT&DL đã giao Viện Âm nhạc chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành có di sản Bài chòi xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” đệ trình UNESCO, đề nghị tổ chức này ghi danh Bài chòi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN