Theo ông Nguyễn Minh Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, các hiện vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng gồm 180 hiện vật trang sức được chế tác từ đồng, thủy tinh, nhựa thông, vỏ động vật nhuyễn thể) - chuỗi hạt đeo cổ, đeo tay, nhẫn đeo ngón tay; khuyên tai; vòng tay; kiềng đeo cổ; hạt trang sức, hạt chuỗi, hạt cườm, lục lạc.
Hiện vật bằng gốm gồm 183 hiện vật (bát, chén, hũ, bình, chóe, se dọi chỉ) thuộc thời kỳ nhà Lê (Việt Nam), nhà Minh, nhà Thanh, nhà Hán (Trung Quốc); gốm Sa Huỳnh; gốm nhà Lý; gốm Nhật; gốm Chăm; gốm Khmer; gốm Nam Bộ. Có 37 hiện vật đá thời kỳ đá Đông Sơn; dá Sa Huỳnh...
Các hiện vật, cổ vật nều trên thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, Mạ, văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, văn hóa Nam Bộ, đồng tiền… có niên đại từ trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XX. Những hiện vật, cổ vật trên có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, phản ánh sinh động quá trình lao động, sản xuất, sáng tạo của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, các hiện vật, cổ vật có giá trị về kinh tế, đã được bàn giao cho Bảo tàng Tỉnh Đồng Tháp.
Nhân dịp này ông Nguyễn Minh Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, ôn lại truyền thống của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945). Ông Phước cho biết, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay nước ta đã có 8 Di sản Văn hóa thế giới, 112 Di tích Quốc gia đặc biệt, 3.500 Di tích Quốc gia và hơn 10.009 di tích cấp tỉnh được xếp hạng; 191 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; 10 Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hơn 200 Di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó là gần 100.000 cổ vật, hiện vật đã được sưu tầm, nghiên cứu, lưu trữ tại 154 Bảo tàng trên cả nước…
Qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp có một Di tích Quốc gia đặc biệt; 16 Di tích Quốc gia và 70 di tích cấp tỉnh. Nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ” được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 3 văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm (Nghề dệt chiếu Định An, Định Yên, huyện Lấp Vò; Nghề Đóng xuồng ghe Long Hậu, huyện Lai Vung và Hò Đồng Tháp).
Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng nghiên cứu sưu tầm thêm hiện vật, di vật, cổ vật, tư liệu, hình ảnh độc đáo và quý hiếm về lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp trong cuộc sống, sinh hoạt, cũng như trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang sở hữu hơn 30.000 hiện vật, trong đó có những hiện vật thuộc loại độc bản, quý hiếm, đặc biệt có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nhân dịp này tại Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp khai mạc cuộc trưng bày 535 hiện vật, cổ vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng.