Số tư liệu, hiện vật được hiến tặng lần này đã cơ bản đáp ứng gần đủ tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày của Bảo tàng Hà Nội.
Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Đó là những hiện vật thể hiện tình yêu Hà Nội của các tổ chức, cá nhân cống hiến cho ngành văn hóa Thủ đô.
Nhóm hiện vật tiếp nhận được lần này chủ yếu liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp; các hiện vật về làng nghề, phố nghề đặc biệt là những nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội xưa.
Bà Nguyễn Thị Sinh, 75 tuổi, trú tại quận Hà Đông có mặt trong buổi lễ chia sẻ: Bà đang giữ cơi đựng trầu có tuổi đời hàng trăm năm, từ thời các cụ, ông bà, bố mẹ, giờ đến lượt bà lưu giữ. Khi nghe thông tin Bảo tàng Hà Nội vận động, bà đã mang đi hiến tặng.
Theo bà Nguyễn Thị Sinh, thời xưa Hà Nội có nghề truyền thống gò đồng, giờ không còn tồn tại nên bà quyết định tặng những đồ vật quý giá liên quan đến nghề gò đồng để thế hệ sau biết đến. Ngoài ra, bà còn hiến tặng nồi, niêu, xoong, chảo được gò từ những mảnh máy bay.
Riêng làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có tới 5 cá nhân, tổ chức hiến tặng với tổng số 107 tư liệu hiện vật. Gia đình nghệ nhân Lê Văn Thụ hiến tặng 17 hiện vật (bàn xoay, mây tiện, bút vẽ, dao tỉa, bay… dùng sản xuất gốm).
Ban quản lý làng nghề gốm Bát Tràng hiến tặng 63 hiện vật (gạch bát, gạch cột, hòn nống, bửng…); nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Trúc Quỳnh hiến tặng 20 ảnh tư liệu; bà Phùng Thị Thịnh (vợ của cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng) hiến tặng 3 hiện vật; gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh hiến tặng 3 viên gạch cổ Bát Tràng.
Đáng lưu ý, ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban quản lý làng nghề gốm Bát Tràng là người tích cực vận động người dân làng Bát Tràng cùng chung tay góp sức, hiến tặng hiện vật, tư liệu về Bát Tràng cho Bảo tàng Hà Nội. Ông quan niệm, việc giúp đỡ Bảo tàng Hà Nội hoàn thiện phần trưng bày về làng gốm Bát Tràng chính là công việc chung của người dân làng Bát Tràng.
Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) có 3 cá nhân cùng hiến tặng nhiều hiện vật quý là sản phẩm truyền thống cho Bảo tàng Hà Nội. Đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông (đại diện là bà Triệu Thị Thực - vợ của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh) hiến tặng 3 hiện vật áo sơ mi nữ may bằng lụa Long Vân. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc hiến tặng 1 hiện vật, ông Nguyễn Xuân Đễ hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội 3 hiện vật gồm áo sơ mi nam, tấm vải đuôi công, áo vải tuýt-xo được dệt bằng khung dệt tay.
Bên cạnh đó, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, phường Định Công, Hoàng Mai, đã hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội bộ bàn chế tác; bộ đồ nghề đậu bạc mà cha ông là nghệ nhân Quách Văn Trường và ông nội là cụ Quách Văn Hội đã từng sử dụng. Ông Sái Minh Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội, là một doanh nhân đam mê sưu tầm cổ vật và đồ dân tộc học, trong quá trình đi tìm cây thuốc đã sưu tầm được bộ đồ thờ của người Dao và tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội.
Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội 2 viên gạch đá ong. Nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật sử dụng trong giai đoạn bao cấp như: Bộ đồ sửa xe đạp, bộ đồ làm nghề gò hàn và một số vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày…
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội đã gửi lời cảm ơn tới các tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hiện vật, đồng thời khẳng định các tài liệu, hiện vật mà cá nhân, tổ chức hiến tặng lần này phù hợp với kịch bản trưng bày năm 2019 của Bảo tàng...
Tại lễ tiếp nhận hiện vật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã vinh danh, tặng giấy khen cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp trong việc gìn giữ di sản và công tác trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, đồng thời phát động các tổ chức, cá nhân tiếp tục hiến tặng hiện vật cho Hà Nội.