Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia và là điểm nhấn với bất kỳ ai đã đến Hà Nội. Nét hấp dẫn của không gian đô thị chủ yếu được tạo nên thông qua cảnh quan của các tuyến phố và các hoạt động tại không gian đường phố. Tuy nhiên, trước nhu cầu cuộc sống, không gian và kiến trúc phố cổ Hà Nội đang không ngừng thay đổi. Làm thế nào để bảo tồn các mẫu kiến trúc đặc trưng của Hà Nội là một vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Nếu có dịp “khám phá” các ngõ ngách trong khu phố cổ Hà Nội, điều dễ nhận thấy là người dân đã sửa chữa rất nhiều để tiện lợi hơn với cuộc sống.
Sửa chữa nhà… không phép
Trao đổi với các cư dân tại các ngõ ngách trên phố Hàng Vải, Hàng Gà, Hàng Lược, Lò Sũ… về việc sửa chữa, cải tạo nhà, họ đều cho rằng phải sửa thì mới sạch sẽ như hiện tại, nếu không rất nhếch nhác, bẩn. Đa phần các hộ đều từ chối không nêu danh tính vì khi sửa chữa, cải tạo nhà đều… không phép, vì thủ tục hành chính về xây dựng rất phức tạp.
Xen kẽ giữa nhà cải tạo và nhà cổ khu phố cổ. |
Bác Hùng, phố Hàng Gà, cho biết: “Việc sửa chữa, xây mới là tất yếu, đơn cử như nhà tôi trước chỉ có 2 thế hệ, sống ở căn nhà mặt sàn rộng khoảng 24 m2 và xây hai tầng. Nay con trai tôi lớn, vừa mới đi làm, đương nhiên nhà tôi rất cần xây thêm một tầng nữa để cháu có phòng sinh hoạt riêng. Xin giấy phép xây dựng thì cán bộ phường bảo không được, nên đa phần đều tiến hành cơi nới. Mà đã làm kiểu cơi nới thì nguyên vật liệu phải nhẹ, gọn và tính tiện dụng phải lên hàng đầu. Lúc đó còn làm sao để ý đến mẫu kiến trúc thế nào cho đúng”.
Những hộ dân trên phố Hàng Bồ phản ảnh, nếu không sửa thì các căn nhà đều xuống cấp. Bác Hằng, nhà ở ngõ 79 Hàng Bồ, kể: “Vật liệu làm nhà trước đây phần nhiều là gỗ, nên hiện đã bị mối mọt nhiều. Nếu không sửa sẽ mất an toàn cho chính người ở. Đó là chưa kể vôi vữa, vật liệu xây dựng cũng chỉ có tuổi thọ nhất định nên đến thời điểm nào đó thì cũng bong tróc, ọp ẹp. Chính vì vậy, người dân đều tiến hành sửa chữa. Mỗi nhà một nhu cầu, thẩm mỹ khác nhau, nên sửa chữa cũng không theo mẫu thống nhất nào”.
Tuy nhiên, thay đổi nhận thấy rõ nhất là nhiều tòa nhà cao tầng vượt mức cho phép xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó nhiều nhà xây dựng với mục đích kinh doanh khách sạn, kinh doanh thương mại với những mẫu kiến trúc hiện đại, màu sắc sặc sỡ, đang phá vỡ những kiến trúc không gian của phố cổ Hà Nội.
Theo nhóm nghiên cứu không gian kiến trúc phố cổ của KTS Tạ Quỳnh Hoa: Có thể thấy một thực trạng hiện nay là cảnh quan không gian tuyến phố bị suy giảm nghiêm trọng, không gian công cộng bị chiếm dụng tối đa vào những mục đích kinh doanh, môi trường đô thị bị ô nhiễm do các hoạt động giao thông và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Như vậy, sự xuống cấp của môi trường trong khu phố cổ cùng với sự mai một dần các giá trị văn hóa lịch sử đã đe dọa phá vỡ cấu trúc phát triển bền vững của khu vực và gây ra tình trạng mất cân bằng về kinh tế và xã hội, phá vỡ mối liên hệ chặt chẽ đã từng được tạo nên giữa cư dân khu vực và không gian sống xung quanh họ.
Mong có chính sách hợp lý
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Khu phố cổ Hà Nội gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội nay xuyên suốt 13 thế kỷ vừa qua. Qua quá trình tiến biến của khu phố cổ từ thời kỳ phong kiến, thuộc Pháp, đến sau thời kỳ bao cấp, khu phố cổ có nhiều đổi mới nhưng không thay đổi cấu trúc không gian truyền thống. Đó là nhà ở đa năng, cuộc sống người dân trong một dãy nghề vừa ở vừa kinh doanh gắn với phố nghề”.
Tuy nhiên, với sự thay đổi của nhu cầu cuộc sống hiện đại, kiến trúc không gian khu phố cổ đang có những thay đổi. Thực tế, các khu nhà ống trước kia được chia nhỏ theo từng hộ và các hộ cũng có xu hướng xây dựng khép kín. Chị Hương, sống phố Hàng Gai, kể: “Hiện trên phố này có rất nhiều hộ gia đình sống trong một số nhà. Một số người không thích sống trong không gian hẹp đã chuyển đi nhưng nhiều gia đình vẫn bám trụ lại. Các hộ dân ở lại đều mong muốn bảo tồn phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống người dân. Việc xin phép cho cải tạo phù hợp với điều kiện sống và được tư vấn của cơ quan chuyên môn. Đáp ứng nhu cầu kinh doanh thương mại, nhiều người đã mua gom của từng hộ để xây dựng cửa hàng, khách sạn. Những tòa nhà này hầu hết đều xây theo phong cách kiến trúc mới, phá vỡ cảnh quan khu kiến trúc phố cổ”.
Có một thực tế, nhiều tuyến phố cổ hiện nay không còn gắn với phố nghề như trước mà chuyển thành khu dân cư với hoạt động thương mại và ảnh hưởng đến không gian kiến trúc phố cổ. Chính vì vậy, Hà Nội đang xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Điểm mới của quy chế này là cho phép người dân cải tạo chỉnh trang (trước gọi là khu vực II) có thể nâng tầng với lớp ngoài 4 tầng (16 m), lớp trong 5 tầng (20 m) (trước lớp ngoài là 12 m (3 tầng) và lớp trong 16 m (4 tầng). Với việc mở rộng việc nâng tầng này sẽ tạo điều kiện cho người dân mở rộng không gian sinh hoạt, kinh doanh.
Tại buổi lấy ý kiến các phường về quy chế này, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, “Sửa đổi mới trong Quy chế này phù hợp với cuộc sống người dân và thực tế tại nhiều khu dân cư người dân đã tiến hành cơi nới, sửa chữa. Vấn đề ở đây là việc sửa chữa phù hợp được tuyên truyền để người dân thực hiện theo đúng mẫu với kiến trúc bảo tồn”.
Bài và ảnh: Xuân Minh
Bài 2: Khó nhân rộng mô hình