Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bài 1: Đầu tư, ươm mầm cho thế hệ trẻ

Đờn ca tài tử Nam Bộ có lịch sử hơn 100 năm và từ năm 2013, được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại TP Hồ Chí Minh, bộ môn nghệ thuật này đang được bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Chú thích ảnh
Nhóm Cội Xưa giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến với các học sinh tại TP Thủ Đức. 

Bài 1: Đầu tư và ươm mầm cho thế hệ trẻ

Để phục hồi và bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại TP Hồ Chí Minh, không thể bỏ qua yếu tố ươm mầm cho thế hệ trẻ, kế thừa. Bởi có kế thừa, tiếp nối thì bộ môn nghệ thuật này mới có thể tiếp tục phát triển rộng rãi trong đời sống nhân dân. 

Mới chỉ khởi đầu

Theo các chuyên gia nghệ thuật, đặc điểm dễ nhận thấy ở nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là tính phóng khoáng, cởi mở. Do đó, dù ở không gian nào, trang phục nào cũng có thể chơi được Đờn ca tài tử. Mỗi không gian, mỗi trang phục có những cách chơi khác nhau, không đòi hỏi sự cầu kỳ; trang phục của nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng rất phong phú và đa dạng để phù hợp với những lối chơi tâm giao, lối chơi trên sông, lối chơi trong lễ hội, lối chơi trong các gia đình tri thức…

Tuy nhiên, để phát triển, bảo tồn bộ môn này không phải chuyện đơn giản. Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức được các câu lạc bộ nghệ thuật Đờn ca tài tử để duy trì và bảo tồn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, bởi chất lượng nghệ thuật, bài bản còn nghèo nàn, các thế hệ trẻ tuổi chưa nắm bắt và cũng chưa mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 292 câu lạc bộ, đội nhóm Đờn ca tài tử với 3.017 thành viên, trong đó có 4 nghệ nhân ưu tú, 2 nghệ nhân nhân dân.

Chú thích ảnh
Các câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ phát triển khá mạnh tại huyện Củ Chi. 

Ghi nhận tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, các câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ hoạt động khá vất vả. Cụ thể như câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam bộ tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, dù được thành lập khá sớm từ năm 2013 những đến nay, câu lạc bộ rất khó khăn trong duy trì hoạt động và tuyển thêm các bạn trẻ tham gia câu lạc bộ. 

Ông Trần Thanh Sang, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Tân An Hội, huyện Củ Chi cho biết, khi mới thành lập, câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì các thành viên tham gia hoạt động, đặc biệt là việc duy trì thế hệ trẻ kế thừa tham gia câu lạc bộ khá khó khăn khi các bạn trẻ không phải ai cũng yêu thích và đam mê bộ môn nghệ thuật này. Mặc dù khó khăn về nhân lực khi hoạt động duy trì câu lạc bộ nhưng dưới sự hỗ trợ của xã, niềm yêu thích của các thành viên nên đến nay, câu lạc bộ cũng đã phát triển và ổn định hơn. Các thành viên ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ với nhau, câu lạc bộ còn phục vụ các chương trình văn nghệ, văn hóa vào dịp lễ, Tết, ngày hội lớn và các điểm du lịch của xã...

"Thành viên của nhóm ca của ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội gồm 11 nghệ sĩ không chuyên, ban ngày bận rộn mưu sinh hàng ngày, buổi tối gặp mặt định kỳ để chia sẻ đam mê. Vào tối thứ sáu hằng tuần, các thành viên lại tập trung để hát cho nhau nghe, trò chuyện trao đổi về kỹ thuật đờn, ca và khi biểu diễn, câu lạc bộ cũng được công chúng ủng hộ, quan tâm nhiều hơn trước kia", ông Trần Thanh Sang cho biết thêm.

Trong khi đó, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện nay số người tham gia các câu lạc bộ nhiều nhưng số nghệ nhân am hiểu về bài bản tài tử không nhiều, đa phần chỉ biết ca vọng cổ và trích đoạn cải lương, nội dung sinh hoạt một số câu lạc bộ đơn điệu nên dễ gây nhàm chán cho người tham gia. Ngoài ra, còn do hạn chế về kinh phí nên công tác quảng bá và tổ chức các hoạt động còn hạn chế, thù lao tác giả chưa phù hợp... 

Thạc sĩ Phạm Thái Bình, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, TP Hồ Chí Minh cần tổ chức tập huấn để cán bộ làm công tác văn hóa và những người quan tâm hiểu về mối tương quan giữa Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương. Thực tế, hiện nay nhiều người còn nhập nhằng giữa hai loại hình này. TP Hồ Chí Minh cần triển khai điều tra cụ thể số lượng và chất lượng các câu lạc bộ cũng như nghệ nhân Đờn ca tài tử trên địa bàn, từ đó có cái nhìn toàn diện, tổng quát hơn trong thực hiện các chính sách đầu tư. Mặt khác, thành phố cũng cần quan tâm và tổ chức liên hoan về đờn, liên hoan cho các thầy đờn; tổ chức đưa âm nhạc dân tộc vào sân khấu học đường cần bài bản, thống nhất, phù hợp cho từng lứa tuổi, cấp học…

Hình thành thế hệ khán giả biết thưởng thức

Thạc sĩ Phạm Thái Bình, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, để bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử, việc đầu tiên cần làm là phát hiện và đào tạo đội ngũ trẻ kế thừa. Vì vậy, từ 10 năm trước anh Phạm Thái Bình đã thành lập nhóm Đờn ca tài tử Nam bộ có tên 'Cội Xưa".

“Trong nhóm "Cội Xưa", chúng tôi có nhiều thầy cô, nghệ nhân giỏi, nhà nghiên cứu... có thể đào tạo và giúp cho các em học Đờn ca tài tử. Mỗi năm, tôi đều mở các lớp Đờn ca tài tử với các độ tuổi khác nhau, trong đó có cả các em thiếu nhi", Thạc sĩ Phạm Thái Bình cho hay.

Chú thích ảnh
Các đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã đem nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với khán giả. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia nghệ thuật, để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử còn cần đào tạo thế hệ khán giả hiểu biết và có thể thưởng thức loại hình này. Để làm điều này, thành phố có thể đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, trong đó có đờn ca tài tử vào giới thiệu, giảng dạy trong các trường học trên địa bàn. 

Thạc sĩ Phạm Thái Bình đánh giá, TP Hồ Chí Minh là vùng đất hội tụ nhiều người trẻ từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ về học tập và sinh sống, trong đó có nhiều người xuất thân từ các gia đình có truyền thống Đờn ca tài tử. Không chỉ thế, TP Hồ Chí Minh còn có các trường đào tạo nhạc  dân tộc, cụ thể Đại học Sân khấu điện ảnh với khoa Kịch hát – Nhạc dân tộc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh với khoa Âm nhạc dân tộc. Theo đó, không khó để có nguồn lực lượng trẻ đầy tiềm năng kế thừa đờn ca tài tử. Tuy nhiên, vấn đề là phải phát hiện, tìm kiếm những em có năng khiếu, có đam mê, sau đó bồi dưỡng và đào tạo thêm để tạo thành những đội hình biểu diễn chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng đương đại.

Trong khi đó, NSƯT - Thạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên Trưởng Khoa Nhạc dân tộc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cho biết, khi có người hát, người biểu diễn thì phải có người nghe. Nghĩa là muốn bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng một thế hệ trẻ biết thưởng thức bộ môn nghệ thuật này. Muốn có thế hệ trẻ biết thưởng thức, TP Hồ Chí Minh cần tổ chức nhiều chương trình biểu diễn đờn ca tài tử hơn, nhất là lồng ghép trong các sự kiện văn hóa, lễ hội. Khi tổ chức, cần phải có tư duy làm mới, sao cho gần gũi, dễ tiếp nhận hơn với công chúng.

Chú thích ảnh
Một số em học sinh TP Hồ Chí Minh có năng khiếu với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhưng cần được đầu tư, đào tạo để các em có thể phát triển toàn diện hơn. 

“Để có thể phát triển đờn ca tài tử trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận đờn ca tài tử là một thực thể sống, tức ở nó có sự vận động phát triển để thích ứng với xã hội đương đại. Phát triển là không ngừng tạo ra cái mới, vì vậy chúng ta không nên gò ép đờn ca tài tử trong những khuôn mẫu lỗi thời mà nên khoác lên nó lớp áo trẻ trung, hiện đại hơn để nó không xa rời với thực tế phát triển của xã hội. Cần có những sân chơi đờn ca tài tử trên sóng truyền hình, những ứng dụng thông minh về đờn ca tài tử trên smartphone, các diễn đàn trao đổi giữa những con người làm văn hóa, nghệ thuật để đờn ca tài tử gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ”, NSƯT - Thạc sĩ Huỳnh Khải phân tích.

Bài cuối: Phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bài cuối: Phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng
Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bài cuối: Phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng

TP Hồ Chí Minh là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa đặc trưng phương Nam, đây cũng là địa phương thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Vì vậy, để bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nhiều giải pháp phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN