Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Phan Văn Hòa, Lạng Sơn là nơi hội tụ, sinh tồn của nhiều dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông... Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm tiêu biểu về địa hình cư trú, đời sống kinh tế, phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo. Cùng với sự giao lưu, tiếp biến, hội nhập văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tất cả đã tạo nên một Lạng Sơn - một Xứ Lạng vừa đa dạng, thống nhất vừa có những nét đặc trưng, bản sắc riêng trong không gian văn hóa vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Đặc trưng, bản sắc văn hóa ấy không chỉ được thể hiện ở các hoạt động, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa, mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Có thể nói, trong văn hóa dân tộc, trang phục là phương tiện mà ở đó bản sắc dân tộc được biểu hiện một cách rõ rệt, thường xuyên và tiêu biểu nhất. Trang phục là sản phẩm chứa đựng những giá trị tổng hợp, là thành tố văn hóa đặc biệt của mỗi một cộng đồng dân tộc; là tri thức dân gian quý báu, phản ánh quá trình sáng tạo, óc thẩm mỹ của một cộng đồng dân tộc được đúc kết và lưu truyền từ đời này sang đời khác để phục vụ cuộc sống hàng ngày bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đồng thời, đây còn là sản phẩm vật chất, tinh thần chứa đựng tinh hoa, hồn cốt văn hóa, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nghệ thuật, được hình thành trên cơ sở kết hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên, bản địa với bàn tay khéo léo của con người với nét độc đáo, thể hiện bản sắc riêng, in đậm dấu ấn truyền thống văn hóa và phong tục của mỗi vùng miền, dân tộc.
Từ xưa đến nay, trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng các dân tộc sử dụng trong lao động, đời sống sinh hoạt và phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong các ngày lễ, ngày tết, các sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, một thực trạng chung hiện nay, do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ. Một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông, đặc biệt là ở lớp trẻ. Đặc biệt hiện nay, các làng nghề dệt thổ cẩm còn rất ít, các nghệ nhân biết dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một; trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, khó phân biệt được trang phục của dân tộc nào…
Trước thực trạng đó, Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” nhằm tập trung nghiên cứu vai trò, vị trí của trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, chỉ ra những nét đặc trưng, tiêu biểu trong trang phục truyền thống của từng dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; những biến đổi, nguyên nhân biến đổi trang phục và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng; tồn tại, hạn chế và những vấn đề nổi cộm, cấp bách trong việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận đóng góp ý kiến nhằm tìm ra những phương hướng, giải pháp, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ tại địa phương ở hiện tại và tương lai.
Để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế-xã hội, theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, trước tiên cần tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy giá trị văn hóa trang phục của các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản để tạo sự đồng thuận về giá trị trang phục.
Cùng với đó, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo đề xuất cần nghiên cứu, rà soát, thống kê trang phục của từng dân tộc, từng địa phương; xác định trang phục nào còn phù hợp, đánh giá hiệu quả và tính bền vững; với điều kiện cụ thể từng địa phương, phù hợp với trang phục của tộc người; có giải pháp đầu tư tương xứng để khôi phục một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, vải chàm và nghiên cứu một cách đồng bộ giá trị văn hóa trang phục để đưa vào hệ thống dữ liệu di sản văn hóa…
Tại Hội thảo đã có gần 30 tham luận của các đại biểu là nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn đóng góp ý kiến tập trung vào hai chủ đề: “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn: Nhận diện - tập quán - giá trị bản sắc” và “Thực trạng, giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.