Dự án bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường nằm trên địa bàn xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), là một trong những làng cổ xưa nhất của tỉnh Hòa Bình. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư và đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến là 23 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn tất vào năm 2010, nhưng đến nay, công trình này vẫn còn dở dang. Theo phản ánh của người dân, bản thiết kế chi tiết cũng như bản quy hoạch đều sai căn bản về kiến trúc, một bản sắc truyền thống được lưu truyền của người Mường xưa nay đã bị phá vỡ.
Chuồng trâu, bò xây theo kiểu mới, nhưng bê, nghé con vẫn chui ra được. Ảnh: Quốc Trị |
Bà Bùi Thị Năn, một trong 37 hộ được dự án đầu tư, cho biết: “Chúng tôi cảm ơn chương trình đã quan tâm đầu tư xây dựng chuồng trâu, bò và nhà vệ sinh tự hoại. Nhưng khi đưa vào sử dụng đã nảy sinh nhiều bất cập, nhà vệ sinh tự hoại được xây mới nhưng mái ranh thì lại quá thưa khiến người sử dụng bất tiện, trời nắng cũng như trời mưa chúng tôi phải đội nón, mặc áo mưa hoặc dùng ô để che khi sử dụng. Ngoài ra, chuồng trâu, bò của gia đình trước kia rất chắc chắn, nhưng khi dự án vào, chuồng trâu cũng được xây mới, đưa vào sử dụng thì nghé và bê con lại chui ra được, gia đình tôi lại phải gia cố thêm hàng rào. Nếu để chuồng trâu, bò như thiết kế cũ của gia đình thì đỡ chi phí đầu tư của Nhà nước, lại hiệu quả hơn”.
Qua tìm hiểu thực tế, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, còn lại một số “hợp phần” khác vẫn chưa triển khai, mặc dù kế hoạch đề ra hết năm 2010. Trong đó, khâu hỗ trợ 10 hộ dân cải tạo nhà ở và tôn tạo cảnh quan trong, ngoài làng đặc biệt quan trọng lại chưa thấy chủ đầu tư nhắc đến. Theo ý kiến của lãnh đạo xã và ban quản lý xóm nơi đây thì khâu tôn tạo cảnh quan trong và ngoài làng góp phần lớn vào giá trị bảo tồn và phát huy bản sắc của một ngôi làng cổ nơi đây. Khách du lịch đến đây, ấn tượng đầu tiên “đập” vào mắt họ là con đường làng quanh co, những ngôi nhà sàn cổ lắp ghép bằng gỗ, lợp mái tranh. Vậy mà chủ đầu tư lại triển khai trước những khâu phụ của dự án như cải tạo nhà vệ sinh, xây mới chuồng trâu, chuồng bò… trong khi dự án đang cần thời gian gấp rút hoàn tất. Theo mong muốn của chính quyền sở tại cũng như người dân, phía chủ đầu tư và đơn vị thi công khi triển khai các hợp phần cải tạo nhà ở phải có sự tham gia giám sát của bà con. Chỉ có người bản địa mới hiểu rõ kiến trúc, hoa văn họa tiết, vị trí sử dụng của từng không gian trong ngôi nhà.
Ông Bùi Văn Hiên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), cho biết: “Quá trình triển khai dự án, sự tham gia của người dân và chính quyền nơi đây rất mờ nhạt, chủ đầu tư chỉ đưa ra quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường tại xóm Ải, nhưng không cho chúng tôi biết bản thiết kế cũng như bản quy hoạch cụ thể để chúng tôi góp ý, bổ sung những thiếu sót. Chính những người dân nơi đây mới đích thực biết rõ nguyên bản gốc cũng như kiến trúc của một làng Mường cổ”.
Dự án phục dựng làng Mường cổ xóm Ải là một dự án lớn mang tầm quốc gia, nhằm mục đích gìn giữ và bảo tồn nguyên bản những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Mường trên đất Hòa Bình. Nhưng việc triển khai một cách vội vã, đã không phát huy giá trị khôi phục vốn cổ mà còn phá vỡ bức tranh tổng thể của một làng Mường truyền thống lâu đời. Vấn đề này rất cần bộ chủ quản, chủ đầu tư dự án nghiêm túc xem xét, cân nhắc lại, tránh tình trạng “lợi bất cập hại”.
Nguyễn Quốc Trị