Tâm sự đầu xuân, nghệ nhân Huỳnh Văn Răng, trưởng đoàn (gánh) Hát bội Đồng Thinh (thường gọi là Bầu Răng) cho biết: Ông đang tích cực chuẩn bị lựa chọn, tập dượt các vở, các lớp hát bội để phục vụ cho mùa lễ hội ở Vĩnh Long, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ.
Ông Bầu Răng và vợ, bà Nguyễn Thị My. |
Ở tuổi gần 80, nghệ nhân Huỳnh Văn Răng, trưởng đoàn Hát bội Đồng Thinh (ấp An Hương 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông là thế hệ thứ ba trong gia đình rất tâm huyết với việc tổ chức các hoạt động để gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình Hát bội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - một loại hình văn nghệ truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Tâm sự với chúng tôi, Bầu Răng bộc bạch: “Gánh hát bội Đồng Thinh là gánh hát truyền thống của dòng tộc gia đình tôi, đã tồn tại hàng trăm năm nay với 5 đời trong nghề hát bội: Ông nội, cha, tôi, các con trai, con gái, con dâu, con rể, các cháu nội, ngoại. Trong đó, có 3 đời làm bầu gánh là ông nội tôi, cha tôi - ông bầu Sâm và tôi. Hiện nay, đoàn hát đang tích cực chuẩn bị để vào mùa phục vụ lễ hội từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, nhưng cao điểm nhất là trong các tháng 2 và tháng 3”.
Trong số gần 30 diễn viên, nhạc công của gánh hát, có 17 người là con cháu trong gia đình. Diễn viên diễn được những vai chính lên đến 7, 8 người. Các diễn viên hàng ngày làm các nghề khác nhau, sống rải rác trong và ngoài tỉnh; khi tập dượt hoặc biểu diễn thì mới tập trung lại. Đoàn có thể diễn gần 20 tuồng tích cổ như San Hậu thành, Thần nữ dâng Ngũ Linh kỳ, Tiết Đinh San chinh Tây… Bản thân Bầu Răng tuy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn thuộc rất nhiều tuồng tích, các vai diễn và có thể lên sân khấu diễn thay cho bất cứ vai nào trong các vở diễn khi cần. Vợ ông, bà Nguyễn Thị My, 62 tuổi, vừa trực tiếp diễn các vai chính, vừa lo phần mua sắm các trang phục cho các vai diễn, vừa lo tranh thủ huấn luyện cho các “đào”, “kép” nhỏ, là con cháu trong gia đình, để mai sau nối nghiệp ông, cha. Ông Bầu Răng tâm sự: “Tôi theo nghề hát của gia đình từ nhỏ, sau đó làm bầu gánh. Làm bầu từ năm nào thì cũng không nhớ rõ vì việc này đến rất tự nhiên như hơi thở hàng ngày”.
Đoàn hát của ông có tới 5 bộ phông-màn trang trí sân khấu và nhiều loại nhạc cụ, đạo cụ, phục trang khác nhau. Trong đó, phục trang luôn được ông đầu tư nhiều đợt trong năm, ít cũng vài ba chục triệu/đợt để liên tục có phục trang mới, phù hợp cho từng nhân vật trong vở diễn khi đoàn đến phục vụ ở các địa danh khác nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đoàn hát bội của ông đã lưu diễn phục vụ hơn 70 suất ở các lễ hội, các dịp cúng đình, miếu thờ… ở các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… thu hút gần 50.000 lượt người đến xem. Đoàn thường biểu diễn các vở diễn, các tuồng tích có nội dung giáo dục tốt, kết thúc có hậu như “Lưu Kim Đính giải giáp Thọ Châu”, “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”, “Mộc Quế Anh dâng cây”, “San Hậu Thành”...
Năm 2007, gánh hát bội Đồng Thinh đã vinh dự được mời biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian thế giới tại Hoa Kỳ (Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại Oasinhtơn). Đây là dịp để gánh hát bội Đồng Thinh biểu diễn giới thiệu với bạn bè năm châu loại hình sân khấu cổ điển của dân tộc. Gánh hát bội tham gia lễ hội tại Mỹ có tác động tích cực tới việc bảo tồn, phát triển loại hình hát bội - một loại hình văn nghệ truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Sau đó, đoàn hát bội Đồng Thinh đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 với 4 trích đoạn tiêu biểu trong các vở: “Đường về San Hậu”, “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”, “Võ Tam Tư chém cáo” và “Trảm Trịnh Ân”.
Là người có tâm huyết với nghề hát Bội, ông Bầu Răng luôn trăn trở tìm cách để duy trì, mở mang đất diễn và giữ gìn lối hát truyền thống. Ông mong muốn có thêm nhiều tuồng tích về dấu ấn lịch sử của dân tộc Việt Nam để tiếp tục ca diễn phục vụ công chúng, góp phần gìn giữ loại hình văn nghệ dân gian độc đáo này. Đồng thời qua đó góp phần giáo dục về truyền thống, về lịch sử, về cội nguồn dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: Phạm Thị Bình