Ngày 26/7/2011, Bộ VH, TT & DL phối hợp với NXB Văn học giới thiệu bộ sách “Từ chiến trường khu 5” của nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm), sinh ngày 20/12/1930, mất ngày 17/4/1995.
Ông là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh giải phóng đất nước. Sự nghiệp cầm bút của ông là một gia tài đồ sộ với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: “Bên kia bên giới”, “Trước giờ nổ súng”, “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và Tôi”, “Người cùng quê”… Với những đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là dòng văn học cách mạng, nhà văn Phan Tứ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Ngoài các tác phẩm nổi tiếng, nhà văn Phan Tứ còn để lại một khối di bút đồ sộ, đó là một bộ nhật ký và ghi chép với hàng chục cuốn sổ tay, dày ngót 7.000 trang, ghi chép đầy đủ, hệ thống từng giai đoạn, sự việc xảy ra ở chiến trường. “Từ chiến trường khu 5” là bộ sách gồm 3 quyển, với hơn 2.500 trang, được chọn lọc và rút ra từ hàng nghìn trang bản thảo ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng gian khổ và nhọc nhằn đó. Sách mở đầu từ lúc Phan Tứ rời Ban Tuyên huấn khu 5 để về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ), và kết thúc lúc ông chấm dứt hành trình hai tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường Hồ Chí Minh tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và về đến Hà Nội.
Bộ sách “Từ chiến trường khu 5” đã thể hiện sức làm việc và nghị lực phi thường của nhà văn Phan Tứ, ông đã phải viết trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn đủ thứ, viết dưới làn mưa bom bão đạn... để ghi chép tỉ mỉ, chân thực và sinh động về cuộc sống, chiến đấu, những diễn biến sự việc, con người, cảnh vật cũng như những suy nghĩ cảm xúc suy nghĩ của nhà văn. Đặc biệt, trong số di bút của mình, để đảm bảo bí mật, nhiều trang nhật ký ông còn viết cả 3 thứ tiếng Pháp, Lào, Nga.
Năm 2011, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kỷ niệm 40 năm thành lập, nhà văn Phan Tứ cũng là một nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường khu 5. Bởi vậy, bộ sách này sẽ góp thêm tiếng nói đanh thép, tố cáo chiến tranh, lên án tội ác chiến tranh và kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng về những nạn nhân chiến tranh.
Phương Lan