Loài người, từ trước tới nay vẫn luôn trăn trở với câu hỏi: “Con người sinh ra từ đâu”? Vì khó có câu trả lời cuối cùng, nên mỗi một cá nhân lại quay về một “đấng bề trên” của mình, và mong rằng mình được sinh ra nhờ sự màu nhiệm của vị đứng đầu niềm tin đó.
Nhà văn – nhà báo - thi nhân Nguyễn Mạnh Hà còn đi xa hơn nữa, ngược về “nguồn gốc của nguồn gốc”, trong hành trình mang tên “Sự tích Chúa”. Với thể thơ tự do, không bị trói buộc vào vần và điệu, mỗi bài thơ, câu thơ trong "Sự tích Chúa" được trôi đi trong dòng suy tưởng theo hướng “tìm về” của tác giả.
Dù mang tên “Sự tích Chúa”, nhưng đích đến của sự tìm về ấy không phải là một niềm tin tôn giáo, mà là sự giải mã những cảm xúc cá nhân trước biến động của cuộc sống, là tìm về sự khởi nguồn, sự tồn tại cũng như sự ra đi của số phận loài người. Điều này rất dễ hiểu, bởi “Sự tích Chúa” vốn được nhen nhóm những dòng đầu tiên trong thời gian xã hội gồng mình trước sự hoành hành của dịch COVID-19. Con người tưởng như đã vươn được tới những vì sao, đã làm chủ được vũ trụ, có thể điều khiển những vũ khí tối tân nhất, nhưng rồi lại bị tấn công (và có khi tưởng không đứng vững) được trước con virus nhỏ tới mức như vô hình. Những bài thơ như “Tự sự” (của virus SARS-CoV2), “Cách ly”, “Sự tích nỗi sợ”… mang cảm xúc bồn chồn phấp phỏng đến mức có thể nghe được tiếng "tích tắc" trái tim mình của con người giữa bốn bức tường trong những ngày cả xã hội căng mình chống dịch: "Quá khó để chế ra thứ mình không nhìn thấy/Nhưng nó thấy mình/Không giết được nó/Nhưng nó giết được mình" (Một thuyết âm mưu)...
Giữa ranh giới mong manh của bình yên hôm nay và điều chưa biết tới của ngày mai, những lời tự hỏi, tự đào sâu tâm sự đươc tác giả Nguyễn Mạnh Hà viết ra, đôi lúc như một sự chuẩn bị đón điều không may mắn, đôi lúc lại chứa chan niềm hy vọng. Giải mã bản thân, giải mã nỗi phấp phỏng, giải mã những bí mật thậm chí của cả “ma” và “người” – tác giả đã chạm được tới sợi dây rung động mỏng manh trong mỗi cá nhân, và như đã tiến gần tới đích của nơi con người được sinh ra và tồn tại. “Hãy ngừng khóc thương tôi/Hay khóc thương chính bạn/Chúng ta vẫn đồng hiện/Tại những miền khác nhau/Tôi chỉ đang sinh vào/Lòng một Bà Mẹ khác” (Tái sinh)… “Chết không có nghĩa chối bỏ sống/Đơn thuần là nghệ thuật giã từ/Nên lúc cực chán đời/Là lúc cần sống nhất” (Chết thử)... "Hư không sinh ra tôi/Tôi sinh hư không khác/Gì đựng vũ trụ này/Không phải vũ trụ khác?" (Tôi trong đa vũ trụ)
Dù mang những triết lý sâu sắc, nhưng thấp thoáng trong những bài thơ, câu thơ của “Sự tích Chúa”, vẫn như có một đứa trẻ chơi “ú oà” với một tâm hồn hồn nhiên và cách nhìn cuộc đời trong sáng. Cũng không có gì ngạc nhiên, bởi khi đã trải qua một hành trình hỷ nộ ái ố của những ngày sự sống bị bủa vây và đe doạ, con người sẽ quay về với bản dạng nguyên thuỷ của mình – bản dạng gần với đấng sinh thành nhất: Những đứa trẻ.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà từng được giải thưởng trong cuộc thi Sáng tác văn học Tầm nhìn thế kỷ do báo Tiền Phong tổ chức năm 1999-2001, có nhiều thơ đăng trên các báo Tiền Phong, Tuổi trẻ, Cordit Poetry Review (Australia). Anh đồng thời cũng là ca sĩ, tốt nghiệp khoa Thanh nhạc (Nhạc viện Hà Nội). Một số bài trong tập thơ “Sự tích Chúa” đã được phổ nhạc và chính thi nhân thể hiện tại lễ ra mắt tập thơ tổ chức chiều 6/11 tại Hà Nội đã được công chúng hưởng ứng.