Chuông reo bên thềm nhà Hemingway

Hai lần thăm La Havana, tôi đều đến quán bar nhỏ có tên La Terraza ở khu ngoại ô Cojimar. Bên cửa sổ nhìn ra vịnh, biển mang một sắc xanh riêng và rất gợi cảm của vùng Caribe. Ngay bên cửa là một cầu tàu nhỏ. Hai hàng cột gỗ mặn mòi qua bao năm tháng. Những con hải âu nhỏ bé bình yên đậu trên những cây cột đó. Chúng chọn đây là nơi dừng chân sau những chuyến bay nhiều sóng gió.


 


 

La Terreza - nơi Hemingway viết “Ông già và biển cả”.

Nhà văn Hemingway trong gần 30 năm sống ở Cuba thường lui tới nơi đây. Chiếc thuyền Pilar nhỏ bé thân thiết của ông vẫn neo đậu ở cảng cá này. Những cuộc trò chuyện với ngư dân ở đây mà ông coi như những người bạn thân thiết đã tạo cảm hứng và cung cấp những chất liệu sống để Hemingway viết “Ông già và biển cả”, tác phẩm nổi tiếng nhất của đời mình. Những con chim đậu trước mặt tôi hẳn là hậu duệ của những đàn chim bạn bè với nhà văn giữa thế kỷ trước. Như hiện lên trước mắt tôi hình ảnh Hemingway râu tóc trắng như cước, gương mặt hằn dấu vết thời gian, trên tay cầm ly Daiquiry thơm mùi bạc hà quen thuộc, trầm ngâm ngắm đàn chim nhỏ trong chiều bình yên; một điểm dừng tĩnh lặng sau những biến cố lay động thời đại mà ông đã trải qua.

Chiếc bàn góc trong cùng, phía trái, nơi ông vẫn ngồi, giờ đặt một tượng bán thân nhà văn, được lưu giữ thành một không gian riêng để tưởng nhớ ông. Đấy cũng là bàn ăn dành cho những vị khách quý vì từ lâu, La Terraza đã là một địa chỉ quen thuộc đối với mọi du khách. Những bức ảnh trên tường cho thấy những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về Hemingway. Ông đi săn, đi câu, gặp gỡ bè bạn… Trong số đó có bức ảnh Hemingway trò chuyện cùng ông lão Hernando, nguyên mẫu của nhân vật Santiago trong “Ông già và biển cả”. Bức ảnh Hemingway và nhà lãnh đạo Phidel Castro những năm đầu cách mạng Cuba thành công cũng có một sức hút đặc biệt. Hai con người làm nên lịch sử của thời đại mình bên nhau rất giản dị, thân thiết và trẻ trung. Đất nước và con người Cuba đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với Hemingway.

 


 

Bảo tàng Hemingway.

Ở bên ngoài quán La Terraza, ngược lên phía trên một chút, dọc theo mép nước người ta sẽ đến nơi trước kia chiếc Pilar hay được neo đậu. Bây giờ, qua sóng gió thời gian, điểm đỗ ấy chỉ còn lại một số phiến đá được lưu giữ lại. Phía đối diện, trong một khu nhà mang tên nhà văn có một bức tượng bán thân của Hemingway. Nghe nói rằng, khi Hemingway qua đời, những người đánh cá nghèo ở Cojimar muốn dựng một bức tượng đồng để tưởng nhớ nhà văn nhưng không đủ tiền. Họ gom những mỏ neo cũ, sào chống và các dụng cụ đi biển không sử dụng nữa làm chất liệu dựng nên bức tượng này!

Có lẽ đối với những người đánh cá Cojimar, Hemingway trước hết không phải là một nhà văn nổi tiếng. Ông là bạn bè với họ trong những chuyến đi biển nhiều sóng gió, là người chia sẻ, cảm thông với họ bao vui buồn hiểm nguy, cả khi trong sự tận cùng của tuyệt vọng… Họ hóa thân vào tác phẩm của ông một cách tự nhiên như cuộc sống vốn là như thế và không thể khác. Không biết họ, trong đó có cả nguyên mẫu Hernando với câu chuyện khó quên về cuộc chiến với con cá kiếm khổng lồ trên Đại Tây Dương, có biết đến lời đánh giá trang trọng của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel về văn học cho Hemingway vào năm 1954 với sự khẳng định: “Ông già và biển cả” ngợi ca một cách tuyệt vời tinh thần tranh đấu của con người và chứng minh rằng, con người sinh ra không phải là để thất bại và không thể bị đánh bại!

Không chỉ ở Cojimar, nhiều nơi khác ở La Havana in đậm dấu ấn của Hemingway. Quán bar Bodeguitar trên đường Empedrado nằm trong một phố nhỏ. Ở đây người ta trưng bày nhiều hình ảnh và bút tích của Hemingway. Khách sạn Mundos là nơi mà Hemingway từng ở. Phòng 511, nơi nhà văn đã ở, giờ trở thành phòng trưng bày về ông. Một điều khá lý thú là khách sạn Mundos không tiện nghi và hiện đại bằng một số khách sạn cùng loại nhưng giá cao gấp mấy lần. Lý do đơn giản là Hemingway đã từng ở đây. Không xa khách sạn Mundos là quán bar Flodirita. Khi còn sống, Hemingway hay đến quán bar này uống rượu Daiquiry nổi tiếng của Cuba. Một bức tượng Hemingway bằng đồng kích cỡ to gần bằng người thật được đặt gần lối vào. Khách du lịch thường chụp hình chung với bức tượng này. Tương tự như giá phòng ở Mundos, đồ ăn ở Flodirita đắt hơn hẳn các quán khác ở La Havana!

Chúng tôi đến thăm Finca Vigia, nhà của Hemingway vào một buổi sáng. Ngôi nhà giờ đây là bảo tàng về nhà văn nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô La Havana. Hemingway mua ngôi nhà này vào năm 1940 với giá 12.500 USD và đã ở đó trong khoảng 20 năm. “Chuông nguyện hồn ai”, một tác phẩm nổi tiếng được Hemingway viết tại đây. Qua bối cảnh cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, nhà văn xây dựng nên hình tượng bất hủ chiến sĩ tình nguyện quốc tế người Mỹ Jordan và mối tình tuyệt đẹp của anh với cô du kích Tây Ban Nha Maria. Qua tác phẩm này, Hemingway sớm đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ chủ nghĩa phát xít, ca ngợi cuộc chiến đấu của nhân loại vì tự do và phẩm giá con người, và là “một cuốn sách mà ở đó những cảm xúc cá nhân của nhà văn được thể hiện sâu sắc hơn bất cứ ở đâu khác”.

Những người phụ trách bảo tàng cho chúng tôi biết, ngôi nhà được giữ gần như nguyên vẹn so với khi Hemingway sống ở đây. Khu đồi rộng trên 36.000 m2 với nhiều cây cối. Từ đây du khách có thể nhìn thấy qua kính viễn vọng trung tâm La Havana với các quảng trường, đường phố và pháo đài cổ trên cửa biển. Đồ đạc trong các gian phòng cho người ta hình dung cuộc sống của nhà văn. Các giá sách với trên 9.000 cuốn, nhiều cuốn còn bút tích của Hemingway đang để trên bàn làm việc của ông. Nhiều loại rượu nổi tiếng trong phòng ăn. Đầu các con thú được treo trên tường cho thấy sở thích săn bắn của nhà văn. Trong phòng tắm còn cả chiếc cân Hemingway vẫn dùng để kiểm tra sức khỏe… Ngoài vườn, chiếc thuyền Pilar thân thiết với Hemingway được đặt trên một giá cao. Ông đã từng dọc ngang vùng Caribe trên chiếc thuyền đó. Một chi tiết làm tôi rất xúc động: Ở một góc vườn, không xa chiếc thuyền, có ngôi mộ hai chú chó nhỏ của nhà văn. Đây là hai người bạn thân thiết với Hemingway lúc sinh thời.

Quầy bán đồ lưu niệm của bảo tàng luôn thu hút du khách. Trong số nhiều kỷ vật và hình ảnh về nhà văn, tôi chọn mua một bức chân dung của Hemingway trên nền một chiếc đĩa bằng gốm, sản phẩm của các nghệ nhân Cuba. Từ trong ảnh, nhà văn vĩ đại đã ra đi hơn nửa thế kỷ vẫn như đang trầm tư với những số phận con người của một thời đại đầy biến động. Bên tai tôi vang lên những lời nói bất hủ của ông về nghề cầm bút: “Đối với nhà văn đích thực, mỗi cuốn sách phải là một khởi đầu mới… Nhà văn phải luôn cố gắng làm một cái gì chưa từng có ai làm, hoặc những người khác đã cố làm nhưng thất bại. Đôi khi, nếu gặp may, anh ta sẽ thành công”.

Ở cửa ra vào của ngôi nhà có treo một chiếc chuông nhỏ. Khi còn sống, khách đến chơi nhà rung chuông để nhà văn biết và ra đón. Bây giờ nhiều du khách vẫn rung chuông khi đến thăm. Trong dòng người khắp bốn phương đến Finca Vigia, tôi cũng cố kéo sợi dây để nghe thấy tiếng chuông reo trong nắng sớm. Có cảm giác rằng nhà văn chỉ vừa đi đâu vắng. Lát nữa, ông sẽ quay về để gặp gỡ mọi người!

Bài: Trần Mai Hưởng - Ảnh: Tiến Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN