Lấy cảm hứng sáng tác từ cuộc đời đầy ý nghĩa của chị, tác giả Don Nguyễn đã viết vở kịch mang tên “Hoa phượng đỏ” với sự hỗ trợ về sản xuất từ cô Amazin Lê Thi - nhà hoạt động vì người có HIV. Tối 4/3 vừa qua, tại nhà hát Rich Mix, vở kịch đã có buổi công diễn ra mắt khán giả thủ đô London (Vương quốc Anh).
Khắc họa một cách chân thực và sinh động cuộc đời đầy sóng gió của chị Phạm Thị Huệ kể từ khi biết mình có virus HIV, vở kịch gửi đi thông điệp về tấm lòng nhân ái, bao dung trong xã hội và cả quyết tâm vượt lên số phận để sống và cống hiến cho cộng đồng. Năm 2002, Phạm Thị Huệ đã công khai việc mình có HIV, và bắt đầu nói đến căn bệnh thế kỷ này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vượt qua những kỳ thị và phân biệt, người phụ nữ đất Cảng kiên trì đến với những người đồng cảnh ngộ để sẻ chia và giúp đỡ, vừa chữa trị vừa phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Một cảnh trong vở kịch "Hoa phượng đỏ". Ảnh: Lê Phương |
Năm 2008, chị Phạm Thị Huệ đã thành lập nhóm “Hoa phượng đỏ” với sự tham gia của nhiều người có HIV ở thành phố Hải Phòng, đoàn kết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau những việc cụ thể, thiết thực nhất như tư vấn sức khỏe, chăm sóc chữa trị... Ngày tiếp ngày, nỗ lực âm thầm và không mệt mỏi của Phạm Thị Huệ cùng các thành viên nhóm Hoa phượng đỏ đã trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin của nhiều người có HIV. Cũng từ đây, nhận thức của xã hội đối với căn bệnh thế kỷ đã được cải thiện đáng kể, và những kỳ thị, phân biệt dần giảm bớt đi.
Câu chuyện về một Phạm Thị Huệ kiên cường và hết lòng vì cộng đồng đã chinh phục trái tim khán giả London. Dù chưa một lần được gặp, nhưng qua vở kịch “Hoa phượng đỏ”, họ đều có chung cảm nhận về ý chí “thép” và tấm lòng “vàng” của người phụ nữ đất Cảng. Đối với họ, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về HIV/AIDS là một thành công rất lớn lao mà Phạm Thị Huệ đã gặt hái được trong suốt mười mấy năm qua. Đối với bà Catherine McDonough - một khán giả đến từ London, "vở kịch có ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn lao, bởi người ta tìm thấy ở đó là niềm tin, là hy vọng, là sự lạc quan, là sức mạnh và ý chí vươn lên trong mỗi con người”.
Chính Phạm Thị Huệ đã góp phần quan trọng, tiếp thêm nguồn sống cho rất nhiều người, giúp họ vượt qua sự phân biệt, kỳ thị, và bước ra khỏi bóng tối của sự sợ hãi xen lẫn mặc cảm. Ngay lần gặp đầu tiên, ý chí và tấm lòng của Phạm Thị Huệ đã để lại những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với cô Amazin Lê Thi - người sáng lập quỹ từ thiện mang tên mình “Amazin LeThi Foundation” nhằm giúp đỡ trẻ em, người nghèo và người có HIV ở Việt Nam, đồng thời là Đại sứ toàn cầu của tổ chức từ thiện VRS (Vietnam Relief Services). Xa Việt Nam từ tấm bé nên vốn tiếng mẹ đẻ của Amazin không nhiều, trong khi Phạm Thị Huệ chỉ biết chút ít tiếng Anh, nhưng họ vẫn thấu hiểu bằng cả trái tim giàu lòng nhân ái.
Nhiều kế hoạch đã được triển khai khi cả Phạm Thị Huệ và Amazin Lê Thi cùng nỗ lực chung tay giảm nỗi đau do HIV/AIDS gây ra. Và vở kịch “Hoa phượng đỏ” của tác giả Don Nguyễn đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Amazin cho biết “Hoa phượng đỏ” đã được biểu diễn ở New York (Mỹ) và đây là lần đầu tiên nó đến với khán giả ở London. Trong năm 2016, vở “Hoa phượng đỏ” có thể sẽ tiếp tục được công diễn tại Anh để giúp mọi người hiểu hơn về nỗ lực phòng/chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tại Việt Nam. "Thông qua vở kịch về cuộc đời chị Phạm Thị Huệ, chúng tôi hy vọng sự kỳ thị và phân biệt trong xã hội đối với người có HIV sẽ giảm xuống, giúp họ vơi đi nỗi đau hàng ngày”, cô Amazin chia sẻ.