Một cụ già ngoài 80 tuổi dẫn người con 60 tuổi đến “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” - cửa hàng ăn uống mang dấu ấn thời bao cấp duy nhất ở Hà Nội hiện nay, mong tìm lại kỷ niệm một thời.
Người trẻ tò mò dẫn nhau đến để biết ăn uống mậu dịch là thế nào... Dường như thời kỳ bao cấp đã để lại quá nhiều ấn tượng với những ai đã từng trải qua. Sự ra đời của cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 Nam Tràng (Hà Nội) đã trở thành một nơi đưa người Hà Nội trở về một thời đã qua.
Bước chân vào một không gian lạ lẫm chưa từng thấy bao giờ, tôi thực sự ngỡ ngàng và thú vị, cảm giác giống như người vừa bước vào một thế giới khác hẳn nơi mà mình đang sống. Tôi chỉ mới biết đến hai từ “bao cấp” qua lời kể của ông bà, bố mẹ về những kỷ niệm đi xếp hàng, mua bán theo tem phiếu, cùng sự khó khăn của cả dân tộc thời ấy. Và đây mới là cảm giác thật, “bao cấp”, “mậu dịch” là thế này đây!
Cách bố trí cửa hàng với không gian là ngôi nhà ngói cấp 4, tường quét vôi cũ kỹ với những vật dụng trang trí treo đầy hai bên tường rất độc đáo và “đậm chất bao cấp”, theo nhận xét của những thực khách đã từng sống trong thời đó. Cùng với câu khẩu hiệu... không lạc đi đâu được: “Ở đây tai vách mạch rừng. Những điều bí mật xin đừng nói ra” được viết bằng tay trên miếng gỗ và treo ngay cửa ra vào, nơi mà ai vào ăn cũng phải chú ý tới.
Câu khẩu hiệu có thể làm các bạn trẻ như tôi lần đầu nhìn thấy phải ngỡ ngàng hoặc bật cười thú vị, nhưng đó mới là dấu ấn của cả một thời kỳ có thể khiến những người từng trải cảm thấy thực sự như đang được sống lại thời ấy. Rồi những “xe đạp vĩnh cửu”, viên gạch xếp hàng, bàn là Liên Xô, ti vi đen trắng... trang trí dọc hai bên tường, khiến thực khách phải tò mò và tìm gặp bằng được chủ cửa hàng để hỏi về xuất xứ của những kỷ vật “hiếm có, khó tìm” này.
Theo lời kể của chủ cửa hàng ăn uống, anh cũng là một người “từng trải” khi tuổi thơ gắn với thời kỳ bao cấp. Là con út trong một gia đình và thường xuyên phải đi xếp hàng mua thực phẩm nên anh hiểu và khao khát có một cửa hàng mậu dịch khi thời bao cấp đã đi qua. Anh đã thực hiện được ước mơ đó của mình, dành tâm huyết gần 10 năm chuyên sưu tập những đồ vật của thời bao cấp để xây dựng nên cửa hàng này.
Đặc biệt nhất vẫn là kiểu xếp hàng mua tem phiếu. Giữa những gấp gáp của cuộc sống hiện đại, tới đây người ta vẫn phải chậm lại để tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc ăn uống mậu dịch, đó là xếp hàng mua tem, phiếu món ăn, đồ uống mới được vào ăn. Nhưng không ai cảm thấy khó chịu hay vội vàng, bởi ai tới đây cũng với một cảm giác muốn sống lại hoặc khám phá.
Thật lạ là thực đơn cửa hàng với những món ăn dân dã mà những ai không sinh ra cùng thời thì chưa được nếm bao giờ như: Nem không người lái, dưa xào tóp mỡ, cơm độn khoai... lại hấp dẫn hơn bao nhiêu những món ăn ngon, sơn hào hải vị đầy rẫy trong các nhà hàng ngày nay. Điều thú vị là từ chiếc bát ăn, đĩa, cốc sắt tráng men đều là sản phẩm từ thời bao cấp để lại. Để được thưởng thức những món ăn “bất đắc dĩ” của thời kỳ thiếu thốn ấy, thực khách phải trả từ 40.000 - 70.000 đồng/món, bởi nó tuy là những món ăn đơn giản của thời bao cấp nhưng lại thật khó tìm trong cuộc sống sung túc ngày nay.
Cái thú vị của quán ăn mậu dịch duy nhất giữa lòng Hà Nội này là nó không chỉ làm sống lại không khí của một thời kỳ đặc biệt, mà nó còn là nơi tìm đến để được thưởng thức, trải nghiệm và hiểu về một thời khó khăn của dân tộc của của giới trẻ Hà thành, những người chưa từng trải qua thời bao cấp.
Tạ Nguyên