Khi màn đêm buông xuống trên khu dân cư giàu có Jadriyah ở trung tâm thủ đô Baghdad (Iraq), khách hàng tấp nập đổ vào các quán ăn hoặc nhà hàng thường yêu cầu được nghe giọng hát của một ca sĩ ngoại quốc thay vì thưởng thức âm nhạc từ chiếc đàn oud truyền thống của dân tộc.
Cây đàn oud của người Iraq đang bị lãng quên. Ảnh: Internet |
Là loại đàn dây có hình quả lê, đàn oud có một lịch sử lâu đời tại Irắc, lâu đến nỗi có một câu nói được lưu truyền tại nơi đây rằng “trong âm nhạc của đàn oud ẩn chứa linh hồn của đất nước”. Thế nhưng sự tồn vong của cây đàn oud nói riêng và âm nhạc truyền thống của Iraq nói chung đã và đang bị đe dọa.
Trong quá khứ, đàn oud từng trải qua những tháng ngày “sống chui sống lủi” do tình trạng bất ổn trong các cuộc xung đột giáo phái tại Iraq thời kỳ 2005 - 2008. Vào giai đoạn đó, âm nhạc, thậm chí cả nhạc truyền thống của Irắc, cũng trở thành mục tiêu bị tấn công. Những nghệ sĩ đàn oud đã buộc phải cất giấu cây đàn yêu quý của mình, không dám chơi đàn một cách công khai.
Ngày nay, khi nguy cơ bị tấn công đã không còn hiện hữu, các nghệ sĩ đàn oud lại phải đối mặt với thách thức mới, đó là thiếu sự đầu tư của chính phủ và thiếu khán giả lắng nghe tiếng đàn.
Một trong những mối đe dọa lớn đối với âm nhạc truyền thống Iraq, mà cụ thể là cây đàn oud, là sự thịnh hành của nhạc pop đương đại. Thanh niên Iraq giờ lựa chọn các loại nhạc cụ như trống hay ghita, chơi các ca khúc hiện đại và để tâm đến các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc như “Ngôi sao Irắc” trên truyền hình. Ông Sattar Naji, Giám đốc Viện Nghiên cứu Âm nhạc Baghdad, than phiền: “Các kênh truyền hình vệ tinh đang hủy hoại di sản âm nhạc của chúng tôi khi cho phát sóng những ca khúc hời hợt với hình ảnh những cô gái bán khỏa thân”.
Viện Nghiên cứu Âm nhạc Baghdad được xem là nơi lưu giữ, đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng mới của âm nhạc truyền thống Iraq. Hiện số sinh viên theo học tại Viện là 150 người, sau một giai đoạn dài khó khăn khi lượng sinh viên có thời điểm không đến 30 người.
Hy vọng về sự sống còn của cây đàn oud cũng như âm nhạc truyền thống Iraq vẫn chưa lụi tàn, bởi tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc Baghdad có không ít những sinh viên như Hussein Abdullah, 25 tuổi, mang trong người nhiệt huyết cứu “linh hồn của đất nước”. Cùng với ba người bạn, Hussein đã thành lập một ban nhạc chuyên biểu diễn các bài hát dân gian truyền thống, với giai điệu chậm rãi nhưng đi sâu vào lòng người, của Iraq. Trong ban nhạc, Hussein chơi đàn oud, Mohammed chơi piano, Ghassan chơi đàn violon và Ahmed hát.
Hiện nhóm nhạc của Hussein gặp không ít khó khăn trong việc tìm một chỗ đứng trong làng nhạc Iraq. Mohammed, một thành viên của ban nhạc, tâm sự: “Mục tiêu của ban nhạc là biểu diễn miễn phí tại các địa điểm công cộng. Nhưng khi chúng tôi xin phép nhà chức trách để biểu diễn ở công viên Zawraa thì họ bảo chúng tôi hãy đến Bộ Văn hóa, còn các nhà hàng ở những phố chính như Abu Nawas thì không cho chúng tôi biểu diễn...”.
Trên thực tế, tâm huyết và tài năng chưa phải là những điều kiện đủ để bảo tồn “linh hồn của đất nước” bởi theo ông Naji, không có gì đảm bảo những sinh viên giỏi của Viện sẽ tìm được lượng khán giả đông đảo lắng nghe những bản nhạc truyền thống được họ biểu diễn sau này.
Maqam, một loại hình âm nhạc cổ truyền của Iraq có tiết tấu chậm, theo thời gian cũng đã bị lãng quên. Đó là “kịch bản” mà những người tâm huyết với cây đàn oud không muốn để xảy ra lần nữa. Tuy nhiên, hành trình bảo vệ cây đàn oud và âm nhạc truyền thống của Iraq khỏi bị mai một, như mong muốn của ông Naji hay của Hussein và ban nhạc của cậu, không hề dễ dàng. Có thể ví hành trình này như một “cuộc chiến” - không có tiếng súng, chống lại sự thờ ơ và quên lãng của người đời - vì “linh hồn của đất nước”.
Anh Minh (theo AFP)