Cuốn tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc đầy màu sắc của NSƯT Tố Nga 

Giống như dư vị của chè xanh xứ Nghệ, liveshow “Dòng sông đa tình” kỷ niệm 30 năm ca hát của NSƯT Tố Nga diễn ra tối ngày 18/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã đọng lại những ngọt ngào, lưu luyến mãi không thôi.

Đó cũng là cảm nhận chung của khán giả khi theo dõi cuốn tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc này dcủa chị, rằng đời Tố Nga cũng như bát nước chè xanh, đi qua chát mặn mới đến ngọt ngào. Ấy là những ngọt ngào xứng đáng và giá trị.

Chú thích ảnh
Tố Nga rất "dụng tâm" cho phần trang phục của đêm diễn.

Trong 2 tiếng đồng hồ diễn ra liveshow, với 20 ca khúc, bằng sự tài hoa, khéo léo của mình trong biên tập, chọn lựa ca khúc trình diễn, Tố Nga đã kể cho người nghe trọn vẹn về dòng sông đời mình qua 30 năm. Đó là dòng sông có những trong trẻo, đầy khát vọng, có những khúc trầm, những đêm đen giông gió tả tơi để rồi cập bến bình an với những hoan ca, ngọt ngào. Tố Nga từng nói, chị không biết tương lai thế nào, ra sao, nhưng lúc này chị hài lòng với hiện tại, hiểu sâu sắc giá trị của bình an và chị mang tâm thế ấy vào liveshow của mình để chầm chậm kể hành trình đời mình. 

Hành trình ấy được bắt đầu với ca khúc chủ đề "Dòng sông đa tình" của nhạc sĩ An Thuyên. Không phải là người đầu tiên hát, nhưng Tố Nga là người được cố nhạc sĩ An Thuyên "chỉ định" vì chỉ có Tố Nga mới toát lên được cái hồn cốt tác phẩm, cái lả lơi đa tình rất ngọt của người con gái sông Lam. Tiết mục được dàn dựng vô cùng công phu, NSND Quang Vinh chỉ huy dàn nhạc, dàn dây cùng hợp xướng nâng đỡ giọng hát Tố Nga bay bổng, cao vút. Tố Nga như nàng tiên đứng trên con thuyền giữa dòng sông bồng bềnh sương khói hút người xem cả từ giọng hát đến visual.

Ngay sau đó, Tố Nga đã thật sự khiến khán giả say đắm khi thể hiện loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung. Trong đó, có những ca khúc đã đóng đinh với tên tuổi chị, đặc biệt là “Hà Tĩnh mình thương”- ca khúc đã giúp chị nhận được Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc trước đây, cũng là ca khúc đưa chị đến với danh hiệu NSƯT. 

Cùng với "Hà Tĩnh mình thương" (An Thuyên), "Về xứ Nghệ cùng em" (Xuân Hoà), "Ca dao em và tôi" (An Thuyên), "Quê hương em là núi Hồng, sông Lam" (Vũ Quốc Nam), Tố Nga đã đưa khán giả đến với không gian của những thanh âm dân gian xứ Nghệ, của dòng nhạc đã định nghĩa tâm hồn và đem đến thành công nhiều nhất cho chị. Tố Nga cũng đồng thời chứng tỏ chị là giọng ca số 1 khi hát những ca khúc về Hà Tĩnh. Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng truyền cảm cùng tâm hồn đầy ắp xúc cảm của Tố Nga khiến những câu hát như rót vào lòng người nghe. 

Chú thích ảnh
Tố Nga thể hiện ca khúc “Ở hai đầu nỗi nhớ”.

Sự chăm chút cho show diễn này không chỉ có âm nhạc, với sự góp sức rất lớn của Tổng đạo diễn, Chỉ đạo nghệ thuật Quang Vinh, sân khấu đêm nhạc được thực hiện công phu bởi bàn tay đạo diễn Phạm Hoàng Giang đã tái hiện những cảnh quê, lúc thì mái nhà tranh, khi thì đống rơm còn vương mùi lúa trên sân khấu, cùng dòng sông mềm mại chảy mãi…, tất cả đan vào nhau để mang đến cảm xúc trọn vẹn, “đặc quánh vị quê” mà Tố Nga thầm lặng kể cho khán giả, khiến khán giả miền Trung, nhất là khán giả nước ngoài bồi hồi mãi không thôi, khiến những người có quê xa xao xuyến nhớ quê, những người sống chốn thị thành tấm tắc “thèm quê”. 

Cuốn tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc của Tố Nga được tiếp tục với một “quãng sông” đầy tươi trẻ, trong trẻo, vô tư, hồn nhiên và khát vọng. Đó là thời chị đam mê nghệ thuật, mê hát và… mê Quang Linh cùng những ca khúc hit của anh. Có thể nói, phần trình diễn này đã thể hiện ước lệ được những ngày vui tươi, đầy hoài bão tuổi trẻ của Tố Nga. Trên sân khấu “Dòng sông đa tình”, lần đầu tiên khán giả được chứng kiến sự kết hợp của Tố Nga và Quang Linh. 

Với vai trò khách mời, Quang Linh đưa khán giả trở về với khung trời kỷ niệm cùng những giai âm quen thuộc của Thủa ban đầu (Nhất Sinh), Thuyền hoa (Phạm Thế Mỹ) có giai điệu tươi vui, rộn ràng với âm hưởng Nam Bộ để chuyển biên độ cảm xúc của khán giả sang trạng thái mới, làm sôi động khán phòng. 

Sự vui tươi, hồn nhiên mang tính ước lệ trên dòng sông đời Tố Nga qua phần thể hiện của Quang Linh ấy như ánh sao sớm tắt, để rồi ngay sau đó khán giả bước vào câu chuyện về chặng đường đời giông gió mà Tố Nga từng trải qua bởi “bóng tối hôn nhân”. 

Chú thích ảnh
Tố Nga thể hiện ca khúc “Lệ úa”.

 "Mong manh em" (Phạm Phương Thảo), "Lệ úa" (Huy Phương), "Chơi vơi" (Vũ Quốc Nam) mang đến một màu sắc khác của Tố Nga, điều mà không nhiều khán giả biết, đồng thời giúp khắc họa rõ nét một Tố Nga của những năm tháng ấy đầy đau khổ, khát khao. Ở phần này, ekip đã khai thác một chiều sâu đặc biệt trong giọng hát Tố Nga với những bản phối tiết giảm nhạc cụ, lấy tiếng hát Tố Nga làm trọng tâm, nhằm lột tả hết được nỗi niềm của người hát. Khán giả nhìn thấy những đau khổ của Tố Nga trong đoạn đời ấy, thấy những khát khao vượt thoát, những ước vọng tình yêu. 

Chú thích ảnh
Tố Nga và Lê Minh Ngọc biểu diễn trong chương trình.

 Tự truyện cuộc đời của Tố Nga tiếp tục kể với khán giả về “con còng cát” Tố Nga sau những đau khổ đã cố tìm cách bứt phá, vượt thoát ra sao. Trên sân khấu, những đoạn clip về hành trình đi làm thiện nguyện của Tố Nga được trình chiếu. Nhằm khắc hoạ hành trình này, cũng là phần việc mà cuộc đời Tố Nga luôn chú tâm thực hiện, những ca khúc đặc biệt đã được trình diễn gây ấn tượng rất mạnh đối với khán giả. Rất nhiều khán giả sau show diễn, vẫn cảm thấy gai người, muốn rơi nước mắt khi nhớ lại phần thể hiện ca khúc “Chị đi tìm em” (Vũ Quốc Việt) của Tố Nga.

Chú thích ảnh
Phần trình diễn ca khúc “Chị đi tìm em” khiến khán phòng rơi nước mắt.

 Ca khúc "Chị đi tìm em" nói về sự mong manh của số phận con người trong bão lũ. Phần trình diễn được xây dựng theo dạng nhạc kịch với hình ảnh cơn bão cuồng phong quét qua miền Trung quê mình. Giọng hát của Tố Nga như gom hết tất cả những cảm xúc chị từng chứng kiến trên hành trình thiện nguyện, đầy đau thương, đồng cảm, xót xa cùng phần nhạc kịch phụ hoạ cảm động và hiệu ứng visual đầy nghệ thuật đã cùng cộng hưởng, tạo nên một phần trình diễn làm khán giả rơi nước mắt, như thấy mình đang ở trong chính cơn cuồng bão khốc liệt miền Trung, bi thương đến tận cùng.  

 

Chú thích ảnh
Sân khấu tinh tế và mãn nhãn của đêm nhạc.

Có thể nói, liveshow Dòng sông đa tình đã đền đáp những nỗ lực và sự quyết tâm làm nghề tử tế của Tố Nga bằng giá trị mà nó đem lại. Kể cho khán giả một chân dung trọn vẹn về Tố Nga trong nghệ thuật. Đồng thời cũng cho thấy, tình cảm khán giả yêu thương dành cho giọng hát Tố Nga là rất lớn. Vì thế, không chỉ xum tụ từ nhiều nơi, với những chiều kích địa lý xa xôi, khán giả của Tố Nga còn đứng lại rất lâu sau đêm diễn chúc mừng nữ ca sĩ. 

Chú thích ảnh
Màn hoà ca “Dòng sông đa tình” kết thúc chương trình.

30 năm ca hát, Tố Nga đang trong giai đoạn chín muồi nhất của một ca sĩ và của một người đàn bà. Những ngọt ngào cay đắng, gừng cay muối mặn của cuộc đời khiến Tố Nga hát truyền cảm hơn, có hồn hơn. Những chắt chiu cùng năm tháng đã làm lên một giọng ca tự tin, bản lĩnh nhưng cũng rất mực dịu dàng, tha thiết. Một phiên bản Tố Nga quen thuộc mà rất nhiều mới mẻ đã chinh phục khán giả, khiến chị được yêu thương hơn rất nhiều…

MH
Học trò của Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn về Việt Nam trình diễn nhạc Chopin
Học trò của Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn về Việt Nam trình diễn nhạc Chopin

Thông tin từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) cho biết, đêm nhạc giới thiệu các tác phẩm của Nhà soạn nhạc người Ba Lan Frederic Chopin sẽ diễn ra ngày 19 - 20/11 tại Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh. Hai nghệ sỹ piano khách mời sẽ tham gia chương trình lần này. Đó là nghệ sỹ Joanna Marcinkwska đến từ Ba Lan và một tài năng piano trẻ người Việt Nguyễn Việt Trung - sinh ra ở Hà Nội nhưng hiện đang sinh sống, học tập tại Ba Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN