Đặc sắc lễ hội đô thị Nước Mặn ở Bình Định

Ngày 13/3, tức mồng 2 tháng 2 (âm lịch), hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã về Chùa Bà, thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định), để dự lễ hội đô thị Nước Mặn (còn gọi là lễ hội Chùa Bà Nước Mặn). Đây là một hoạt động văn hóa nhiều ý nghĩa và mang bản sắc văn hóa của vùng đất võ - xứ Nẫu.

Lễ hội đã phục dựng nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng vùng thương cảng Nước Mặn sầm uất và trù phú từ hơn 4 thế kỷ trước, như rước linh tổ tiên của vùng đất này với cả 4 đối tượng ngư - tiều - canh - mục được thờ trong 4 ngôi miếu trấn giữ làng ở cả 4 hướng đông - tây - nam - bắc. Bản sắc vùng đất mới được khai phá và phát triển với sự giao thoa văn hóa của các tộc người cùng sinh sống hòa hợp, cũng được miêu tả lại qua tục thờ cúng. Nét đặc trưng của vùng đất võ không thể thiếu tại lễ hội là hoạt động võ thuật, hát tuồng và hát bài chòi cổ. Ngoài ra, người dân còn tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian khác.


Chùa Bà Nước Mặn là nơi người dân ven biển Tuy Phước, Bình Định, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Chùa mang nét văn hóa, tôn giáo, thể hiện sự hòa hợp giữa các tộc người khác nhau từ nhiều thế kỷ trước đã tạo nên cảng thị sầm uất, có tên trên nhiều hải đồ của các quốc gia trên thế giới như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Từ khoảng năm 1610, cảng thị Nước Mặn được hình thành và phát triển rực rỡ, hoạt động giao thương, mua bán giữa thương gia của nhiều nước tại cảng thị này rất sôi động. Người dân tại đây vì vậy cũng giỏi chuyện thuyền bè, sông nước và các nghề trên biển. Về sau, các tộc người đã cùng xây dựng Chùa Bà để thờ cúng, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng.

 

Ly Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN