Lần đầu tiên hát nhạc Trịnh ở Sài Gòn
Khánh Ly kể, bà thực sự không biết mình đã thành công từ lúc nào. Khi đó, bà hát vì thích hát, hát cả ở những nơi người ta không cho bà hát...
“16 tuổi tôi đã đi hát. Vài năm sau đó, khi tôi đang ở Đà Lạt, ông Trịnh Công Sơn rủ tôi đi hát ở Sài Gòn. Tôi nói, Sài Gòn không phải là nơi của mình, nó ồn ào, là nơi phồn hoa và không có chỗ cho mình chen chân. Tôi nghĩ mình cứ ở Đà Lạt đi, ở cái thành phố hiền lành đó thì cuộc đời tôi sẽ được yên bình” – Khánh Ly nhớ lại.
5 năm sau, tôi về Sài Gòn. Tôi cũng không biết Trịnh ở đâu. Rồi một ngày, chúng tôi tình cờ gặp lại trên đường phố, ông rủ: rảnh không tối nay và tối mai đến đây hát.
Đó chỉ là những bãi đất hoang, những bục xi măng loang lổ, nham nhở với cỏ mọc xung quanh, hoang dại, không có một chỗ nào cho người ta ngồi nghe nhạc hay là để dựng sân khấu. Tôi nghe ông Sơn hát thì tôi đồng ý ngay…
Tôi đến đó vào tối thứ 6 của tháng 11, là buổi tối mà tôi không thể tưởng tượng nổi, ngay giữa lòng Sài Gòn lại có nơi có thể ngồi đông người như thế mà không có cái ghế nào, người già, trẻ đều ngồi đất hết. Ở giữa là cái quán lá nhỏ, có một cô bé dễ thương ngồi rót nước cho mọi người...”.
Thế là Khánh Ly bước vào sự nghiệp ca hát kể từ buổi tối hôm đó. Bởi sau cái ngày thứ 6 ấy, một tờ báo viết bài đăng trên trang nhất. Sau bài hát đó, sau đêm nhạc đó, người Sài Gòn biết ở Sài Gòn có một cô ca sĩ tên Khánh Ly, có một người nhạc sĩ là Trịnh Công Sơn.
“Trước đó, ông Trịnh Công Sơn đưa nhạc cho bà Thế Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hà Thanh, Bạch Yến… nhưng nhiều người vẫn không biết tới ông.
Nhưng sau đêm đó, người Sài Gòn biết được nơi đây có nghệ sĩ sáng tác những ca khúc có ca từ ý nghĩa, đẹp đến vậy… khi mà chưa ai nghĩ đến hoặc chưa vào âm nhạc những “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, hoặc “làm sao em biết bia đá không đau”…
Nhưng khi đó, vì còn quá trẻ, tôi chưa hiểu hết được những triết lý sâu sắc trong ca từ của Trịnh. Khi già rồi, tôi mới nghĩ nó đúng. Tôi quá yêu nhạc Trịnh Công Sơn, có lẽ đó là lý do tôi không rời nhạc Trịnh được”.
“Đừng chờ tới lúc qua đời mới nói lời yêu”
Với một tour diễn lớn nhất từ trước tới nay, trải dài từ Bắc chí Nam, liệu người đàn bà 72 có đủ sức khỏe? Đó là câu hỏi không ít người đặt ra với danh ca Khánh Ly.
“Tôi có thể bị đau chân, đau tay, đau đầu đấy, nhưng khi bước lên sân khấu và cất tiếng hát, là tôi sẽ quên hết. Thậm chí, quên cả mình là ai. Tôi luôn khao khát được hát, vì một ngày nào đó tôi có thể ra đi mãi mãi… Thế nên có ai yêu mến tôi thì hãy nói yêu từ bây giờ, đừng chờ đến lúc qua đời mới nói rằng yêu…” – Khánh Ly bày tỏ.
Khánh Ly từng bị Trịnh Công Sơn gọi là điên
Nữ danh ca Khánh Ly kể, cũng có đôi lần bà và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giận nhau. Mà những sự giận hờn cũng hết sức khó hiểu. Khi đó, bà bị ông Sơn gọi là “điên” chỉ vì để tóc ngắn.
Khánh Ly ngoài đời chỉ biết hát. Bà kể khi chồng bà còn sống, mọi việc từ lớn đến nhỏ chồng bà lo hết, để bà được toàn tâm toàn ý ca hát. Đến cả việc tài khoản có bao nhiêu tiền bà cũng không biết.
Sau khi chồng qua đời, may mắn Khánh Ly có sự đồng hành của người em thân thiết – ca sĩ Quang Thành.
Nói về đêm diễn, ca sĩ Quang Thành cho biết, đây là những buổi diễn dài nhất kể từ khi nữ ca sĩ Khánh Ly trở lại Việt Nam. “Không chỉ hát mà Khánh Ly còn thăm viếng nhà thờ, thăm các em nhỏ mồ côi, thăm các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn… Vì thế, bà đã chuẩn bị sức khỏe để đi nhiều, để hát và tinh thần rất tốt…”.
Theo lịch trình, đêm diễn đầu tiên của danh ca Khánh Ly bắt đầu vào 9/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình sẽ tổ chức ngày 17/9 tại Nha Trang, ngày 23/9 tại Huế, ngày 29/9 tại Sài Gòn, và kết thúc tại Đà Nẵng ngày 7/10. Trong chương trình, ngoài các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn sẽ có các ca khúc của Lam Phương, Phạm Duy, Vũ Thành An…
|