Trên những đường phố tấp nập của Sài Gòn luôn có hình ảnh một người lữ khách với chiều cao gần 1m90 và chiếc ba lô trên vai. Nhìn anh, nhiều người nghĩ đó là một chàng Tây ba lô thứ thiệt đang khám phá vẻ đẹp của Việt Nam. Thế nhưng khi gặp anh trong một buổi tiệc ra mắt phim của chính mình, nhiều phóng viên ngỡ ngàng bởi chàng lãng tử hôm nào lang thang đi tìm kiếm cảm hứng lại chính là một đạo diễn Việt kiều với khả năng nói tiếng mẹ đẻ trôi chảy, thành thạo đến bất ngờ mặc dù đã rời quê hương từ những năm tháng thơ ấu. Tin Tức Cuối Tuần đã có cuộc trò chuyện với Stephen Gauger (ảnh) -đạo diễn của “Cú và chim se sẻ”, “Sài Gòn Yo”.
Lý do nào đã thôi thúc anh trở về Việt Nam để làm phim? Trở về Việt Nam là trở về với chính nguồn cội, quê hương của mình. Tôi sinh ra là người Việt, mẹ là phụ nữ Việt. Tôi rất yêu và muốn gắn bó với đất nước của mình, rất thích con người, xã hội cũng như nhịp sống vốn có của Việt Nam. Chính bởi tôi nhìn thấy tư duy, cuộc sống đang thay đổi rất nhanh của chính quê hương mình nên cuối cùng đã quyết định về Việt Nam làm phim. Điều này cũng giống như quá trình tìm về với cội nguồn của chính mình.
Đã làm hai phim tại Việt Nam “Cú và chim se sẻ”, “Sài Gòn Yo”, anh nhận thấy thị trường điện ảnh của Việt Nam phát triển như thế nào?
Trở về Việt Nam từ năm 2006, khi đó tôi bắt đầu tham gia vào đoàn làm phim “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Charlie Nguyễn. Có thể nói đó là giai đoạn điện ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc, nhiều thay đổi tích cực. Từ đoàn làm phim, cách thức làm phim cho tới diễn viên và những bộ phận khác… đều đang tạo ra một sự chuyển biến rõ rệt và tiến dần đến sự chuyên nghiệp. Tôi không nói đến phim truyền hình bởi có rất ít điều kiện theo dõi mà chỉ nhắc tới phim nhựa. Trước đây, mỗi năm chỉ có vài phim được thực hiện, con số đếm trên đầu ngón tay. Đến nay mỗi năm đã có khoảng trên chục đầu phim được quay tại Việt Nam. Đây là một dấu hiệu lạc quan chứng tỏ sức mạnh và sự vươn vai đáng tự hào của điện ảnh Việt.
Theo anh môi trường hoạt động điện ảnh của Việt Nam có nhiều khác biệt so với ở Mỹ hay không? Có một số điều khác nhau, và khác nhau một cách sâu sắc. Ví dụ khi ở Mỹ, nhà sản xuất mỗi tuần đều phải trả lương cho các đoàn làm phim để họ đảm bảo cuộc sống hàng ngày của mình. Thế nhưng ở Việt Nam khoảng 2 tuần nhà sản xuất mới đưa khoảng 15% lương cho tất cả thành phần đoàn, sau 30 tuần thì trả 30% lương. Đó là một khó khăn rất lớn khi những thành viên trong đoàn không có điều kiện trực tiếp để duy trì cuộc sống của mình, đặc biệt đối với những người đã có gia đình.
Khi làm phim bên Mỹ, diễn viên đều được thu âm trực tiếp giọng thật của mình. Tuy nhiên Việt Nam hiện nay vẫn quen với cách thức diễn viên diễn và có người lồng tiếng cho họ. Điều đó ít nhiều làm giảm sút mạch cảm xúc mà diễn viên có với nhân vật mình thể hiện.
Một cảnh trong phim “Sài Gòn Yo”. |
Anh có thường xuyên theo dõi những phim, những đạo diễn Việt kiều về nước làm phim không?
Tất nhiên rồi. Tôi thường xuyên theo dõi, gặp gỡ và trao đổi với họ. Thực tế các đạo diễn Việt kiều đã sáng tạo, kể và phát triển câu chuyện theo đúng tâm lý người Việt Nam. Ngoài ra họ còn mang được phong cách, bản sắc dân tộc hay những cách tân của mình đến với đông đảo khán giả nước ngoài khi cố gắng phát hành phim tại thị trường hải ngoại.
Một số đạo diễn Việt kiều có tâm sự rằng họ thực sự mệt mỏi với môi trường làm phim tại Hollywood. Nó quá khắc nghiệt và không phải là mảnh đất màu mỡ như thị trường nội địa?
Việc làm phim ở đâu cũng khắc nghiệt và không thể tránh khỏi quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, mức độ thì có lẽ mỗi thị trường, mỗi nền điện ảnh lại khác nhau. Ở Mỹ đó là một ngành công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới, các đạo diễn làm phim dưới nhiều sức ép khác nhau. Mỗi năm ở Hollywood có hàng trăm đạo diễn tài năng từ châu Âu sang lập nghiệp và có cả những đạo diễn châu Á. Trường hợp của đạo diễn người Đức làm phim The live of other, giành giải Oscar của phim nước ngoài xuất sắc nhất là một trường hợp cũng rất đặc biệt và khiến tôi thực sự khâm phục. Sau khi giành được giải thưởng tuyệt vời ấy, anh ấy được mời làm đạo diễn phim The Tourist cũng khá thành công về mặt doanh thu. Nếu làm phim ở kinh đô điện ảnh đạo diễn phải đáp ứng được hai yêu cầu quan trọng là: Tài năng và khả năng thích ứng với môi trường sống, quy luật cạnh tranh nghề nghiệp ở đó.
Anh nghĩ thế nào về các đạo diễn trẻ của Việt Nam hiện nay?
Tôi thích xem mấy phim mới của Việt Nam như: “Bi, đừng sợ”, “Chơi vơi”… Ở đó, diễn viên diễn khá cảm xúc, tự nhiên và có nhiều sáng tạo trong cách thức làm phim. Nhưng rõ ràng diễn viên Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế vì cách diễn vẫn nặng về sân khấu. Có lẽ đến thời điểm hiện tại hai đạo diễn tôi thích nhất vẫn là Phan Đăng Di và Bùi Thạc Chuyên.
Bộ phim đầu tay của anh là “Cú và chim se sẻ” dường như được khán giả và giới chuyên môn nước ngoài đánh giá cao hơn dư luận trong nước. Theo anh tại sao lại có sự khác biệt này?
Khi viết kịch bản, nhà làm phim cần phải xác định rõ khán giả của mình là ai, đối tượng này có sở thích như thế nào và họ mong muốn được xem một tác phẩm điện ảnh với một câu chuyện được kể theo cách nào. Ngay từ đầu tôi đã xác định rõ “Cú và chim se sẻ” được làm chủ yếu để dành cho khán giả châu Âu. Nếu khán giả Việt cũng thích nó thì là một thành công nữa.
Anh theo học điện ảnh tại Mỹ và trở về Việt Nam để làm phim. Anh áp dụng được những kinh nghiệm nào khi làm phim tại Việt Nam?
Theo học điện ảnh tại Mỹ tôi được dạy cách làm phim nếu không có tiền thì quay lén, không cần nhiều đèn, công cụ và ánh sáng. Và khi làm việc với diễn viên tôi áp dụng cách quay không cắt cảnh và để họ thoải mái, tự nhiên trong diễn xuất. Đây là cách làm đặc biệt tốt với những bộ phim có kinh phí thấp.
Công việc chính của anh ở bên Mỹ là gì?
12 tháng trong năm tôi phải viết kịch bản. Tôi hy vọng đến tháng 8, tháng 9 năm nay sẽ có một kịch bản được duyệt. Và nếu có cơ hội được tiếp tục trở lại Việt Nam làm phim thì tôi mong đó là một bộ phim thương mại. Cuối cùng tất nhiên tôi thực sự mong mỏi được thực hiện một bộ phim với diễn viên Mỹ.
Xin cảm ơn anh. Chúc anh nhiều may mắn!
Hương Giang