Đào tạo diễn viên nhí chuyên nghiệp: Khi nào có?

Một diễn viên nhí có tài năng được coi là “của hiếm” với bất cứ nền điện ảnh nào, điện ảnh Việt cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Thế nhưng có thể khẳng định, hiện nay chúng ta chưa có ý thức đào tạo những “tài năng nhí” này, đôi khi còn lãng phí, bỏ quên các em sau một lần phát lộ thành công trên màn ảnh.


Thiếu diễn viên nhí...


Không phải bất cứ một diễn viên nào sinh ra cũng đã may mắn hội tụ được năng khiếu diễn xuất thiên bẩm hay một ngoại hình “ăn ống kính”, dễ thu hút sự chú ý từ phía người khác. Một điều chắc chắn rằng số lượng những minh tinh không qua trường lớp đào tạo, chỉ dựa vào khả năng, sự nhạy cảm với nghề diễn là con số khá ít ỏi với điện ảnh thế giới hiện nay chứ không chỉ riêng địa hạt điện ảnh trong nước.

Phùng Hoa Hoài Linh trong phim “Tâm hồn mẹ”, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang .


Ở Mỹ, người ta chú trọng đến việc mở các câu lạc bộ, các lớp học đào tạo kỹ năng của nghề diễn viên cho các em nhỏ có đam mê, tình yêu và năng khiếu thực sự. Đây cũng chính là nguồn cung diễn viên nhí dồi dào cho các phim thiếu nhi, phim Teen được sản xuất, trình chiếu rộng rãi trên kênh Disney Chanel. Còn ở Hàn Quốc, Trung Quốc - những quốc gia có nền giải trí phát triển, các tập đoàn lớn, công ty điện ảnh hàng năm đều đặn tổ chức thi tuyển, mở các sân chơi để chiêu mộ người tài. Họ cũng chú trọng đầu tư, áp dụng các chính sách, chiến lược bảo đảm quyền lợi và cơ hội phát triển lâu dài cho các sao nhí. Những diễn viên hạng A hiện nay như: Moon Geun Young, Jang Geun Suk, Go Ah Ra (Hàn Quốc), Thích Tiểu Long, Từ Kiều, Cống Mễ (Trung Quốc) đều thành danh từ những năm tháng đóng phim thuở ấu thơ.

Diễn viên trẻ Lan Hà trong phim Đời cát - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.


So sánh bất cứ vấn đề nào của điện ảnh Việt Nam với Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều là khập khiễng. Tuy nhiên, khi giới hạn lại trong chiến lược đào tạo, phát triển “măng non” chúng ta mới thấy điện ảnh Việt đang đánh rơi nhiều tài năng, bỏ quên nhiều em nhỏ có tố chất, sự say mê thực sự với nghề diễn. Chúng ta cũng tự mình đánh mất và khước từ cơ hội hình thành chu trình khép kín, chuyên nghiệp mà bắt đầu từ việc cung cấp diễn viên cho quá trình sản xuất phim hiện nay. Điều đó đã đẩy thực trạng khan hiếm diễn viên nhí trở thành bài toán nan giải của mỗi nhà làm phim trước các dự án của mình.

Hình ảnh trong phim Bi, đừng sợ - đạo diễn Phan Đăng Di.


Không có lớp học, không có các câu lạc bộ… nghĩa là sẽ không có điểm hội tụ thu hút các tài năng tham gia vào địa hạt này. Các em nhỏ dù có yêu thích, muốn có cơ hội được tham gia trau dồi, nâng cao kiến thức, khả năng diễn xuất cũng mỏi mắt tìm không ra một lò luyện đúng nghĩa. Hầu hết các khóa học diễn xuất tại các trung tâm do các đạo diễn, diễn viên có tên tuổi giảng dạy. Các lớp đào tạo kỹ năng ngắn hạn tại trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM hay Hà Nội đều chỉ chú ý tập trung tuyển các bạn trẻ từ 16 đến 28 tuổi mà bỏ qua hẳn những em nhỏ. Vì vậy, khi các em lọt vào mắt xanh của nhà làm phim nào đó cũng chủ yếu bắt nguồn từ lý do cơ duyên, do vô tình chứ không phải được tìm ra từ những cuộc casting (tuyển diễn viên) hay từ những lò “luyện” chính thống. Không được đào tạo bài bản, cung cấp các kỹ năng cần thiết và luyện đài từ, di chuyển, các động tác ngôn ngữ cơ thể, cách làm việc trong một đoàn làm phim đông người với nhiều thành phần… nên khi bắt đầu quá trình quay phim, đạo diễn vô cùng mệt mỏi và căng thẳng vì phải thị phạm cho các em. Đạo diễn trẻ Phan Đăng Di (Bi, đừng sợ) chia sẻ điều này: “Thực sự là khó khăn khi đi tìm những gương mặt trẻ thơ, có năng khiếu thiên bẩm về diễn xuất cho phim của mình. Thứ nhất, không phải bậc cha mẹ nào cũng hứng thú với việc cho con đi đóng phim dài ngày, vất vả. Thứ hai là, những diễn viên nhí từ 8 tuổi trở xuống làm việc cực kỳ tùy hứng, không tập trung. Đạo diễn phải nương theo các em mà làm việc.Vì vậy thời gian kéo dài hơn, chi phí tốn kém hơn và mọi người trong êkip nhất là đạo diễn cũng bị sức ép hơn…”.

Hùng Thuận trong Đất phương Nam - Đạo diễn Vinh Sơn.


Tình trạng thiếu diễn viên nhí do chưa có chính sách phát triển phù hợp đã gây ảnh hưởng tương đối lớn đến chất lượng các bộ phim. Những đạo diễn nếu may mắn thì phát hiện được một gương mặt mới, hội tụ đủ các tiêu chuẩn của một diễn viên, nếu không sẽ chỉ còn cách bám vào một vài gương mặt đã cũ, biết diễn xuất nhưng có thể phải chấp nhận tăng tuổi (già hóa nhân vật) hoặc giảm thọ (trẻ hóa nhân vật) cho phù hợp với chính cái tên mà mình đã quyết định lựa chọn.


Sao nhí Việt đang ở đâu?


Điện ảnh Việt từng ghi nhận nhiều gương mặt ấn tượng, nhiều thần đồng diễn xuất trong quá khứ. Các em đều có điểm chung là chưa từng được học chính quy trong các trường lớp chuyên nghiệp nhưng lại sớm bộc lộ khả năng thiên bẩm. Một số gương mặt ấn tượng như: Lan Hà, Phương Trinh, Hùng Thuận…đều từng được công chúng đặc biệt quan tâm qua một số tác phẩm: Đất phương Nam (Vinh Sơn), Người mẹ nhí (Minh Chung), Đời cát (Nguyễn Thanh Vân).


Họ đều có điểm chung là bén duyên với điện ảnh theo một con đường khá tương đồng: Nghệ sĩ nào đó tìm ra (thường là đạo diễn, nhà sản xuất), đóng một phim rất nổi, được kỳ vọng làm nên kỳ tích và được tán dương, trao giải. Nhưng sau đó không vượt qua được cái bóng của vai diễn trước, đóng vài phim nhạt dần và rồi có thể biến mất vĩnh viễn khỏi màn ảnh. Trong số ít những diễn viên nhí tài năng ấy có rất ít em đi theo trọn vẹn con đường diễn xuất, lại càng hiếm hoi sao nhí thành công với các vai diễn khi trưởng thành, bước sang giai đoạn khác của nghề nghiệp. Cũng có những diễn viên nhí mãi mãi được nằm ở dạng “tiềm năng” vì chỉ kịp phát lộ đến một nửa nên không thể chuyển hóa thành hai chữ “tài năng” như dự đoán của nhiều người hâm mộ và giới chuyên môn trước đó.


Lý do nào dẫn đến việc sao nhí của chúng ta bị bỏ rơi, lãng phí một cách đáng tiếc? Để trả lời câu hỏi này còn tùy thuộc vào bản thân, năng lực của từng thần đồng diễn xuất (cá nhân), từng gia đình, từng sự kiện và hoàn cảnh điện ảnh nước nhà trong giai đoạn mà sao nhí sống. Và còn một yếu tố nữa đó là duyên số với điện ảnh của các em, sự quan tâm của các nghệ sĩ điện ảnh có tâm huyết thế hệ trước.


Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện chưa có trung tâm đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cho các em. Mặt khác, còn chưa kể đến việc mở các lò luyện, trung tâm đào tạo sẽ ra sao nếu chỉ mở ra mà không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía các hãng phim, các đạo diễn? Trong thực tế của nền điện ảnh hiện nay cộng với việc làm phim chỉ tập trung vào lứa tuổi Teen, khán giả trẻ với những vấn đề gây sốc mà ít để tâm tới việc xây dựng các tác phẩm phù hợp với tâm lý thiếu nhi đã ít nhiều khiến những tài năng này bị thui chột vì phải ở ẩn. Mỗi năm dòng phim thương mại và nghệ thuật sản xuất chừng trên dưới chục phim nhưng trong số đó chỉ có khoảng từ 1 đến 2 dự án phim đòi hỏi phải có sự tham gia của ngôi sao nhí. Đây cũng là “trở ngại” để kích thích các em đến với cuộc chơi này. Khi mà đam mê, nhiệt huyết và sự cầu thị không được đặt đúng chỗ, trong khi các em dần lớn lên, đi qua tuổi thần tiên và cơ hội tỏa sáng trong nghề nghiệp cũng đã hết. Hơn nữa khi đã mở các trung tâm, lò luyện không phải ai cũng đủ điều kiện để cho con em mình theo học để thỏa nguyện ước mơ. Bởi đã xác định theo đuổi nghệ thuật thì chi phí bỏ ra vì nó cũng không hề ít. Đó cũng là lý do để chúng ta thiếu đi những gương mặt ấn tượng – lớp kế cận của nền điện ảnh trong tương lai.


Và trong khi mọi chính sách và kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn diễn viên nhí đến giờ vẫn còn chưa được phác thảo chứ chưa nhắc đến chuyện thực hiện thì vấn đề tìm kiếm và lựa chọn những ngôi sao nhí cũng sẽ vẫn là đề tài được trở đi trở lại nhiều lần trong các cuộc tìm kiếm gương mặt mới của các hãng phim và nhà làm phim. Đã lâu lắm rồi sau những Hùng Thuận hay Lan Hà chúng ta mới có một Phùng Hoa Hoài Linh nổi bật và ấn tượng như vậy đối với giới mộ đạo điện ảnh trong nước và các bạn bè quốc tế. Nhưng sau cô bé “già trước tuổi” này liệu đến bao giờ khán giả mới tìm thấy một gương mặt khác đủ sức lôi cuốn và làm họ rớt nước mắt?


Hương Giang

Người trẻ đam mê phim tài liệu
Người trẻ đam mê phim tài liệu

Những nhà làm phim tài liệu trẻ của Trung tâm TPD đưa ra những sản phẩm rất kì cục. Chất lượng hình và tiếng của nó kém đến nỗi đôi lúc bạn sẽ tự hỏi đó có phải là phim không. Nhưng những điều mà họ đề cập thì rất chân thực, mới mẻ... mà ít có nhà làm phim chuyên nghiệp nào theo kịp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN