Để việc vinh danh di sản không trở thành hình thức

Năm 2012, Việt Nam có 2 di sản được UNESCO công nhận: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào vì có di sản văn hóa được vinh danh, một trọng trách được đặt ra với những nhà quản lý văn hóa và cộng đồng: Bảo tồn và trao truyền di sản có ý nghĩa đặc biệt của dân tộc và nhân loại.

 

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được coi là động lực tinh thần gắn kết toàn dân tộc.

 

1. Việc UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được coi là một “hiện tượng di sản văn hóa đặc biệt”, bởi lẽ đây cũng là tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO vinh danh. Gọi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là một hiện tượng di sản văn hóa đặc biệt bởi hiện nay, trên khắp dải đất hình chữ S của Việt Nam có tới 1.472 di tích thờ Vua Hùng, con cháu và tướng lĩnh của Vua Hùng.


Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là kết quả của quá trình biến đổi, lắng đọng các lớp phù sa văn hóa - tín ngưỡng khác nhau, quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen một cách hài hòa để dần dần trở thành tín ngưỡng thờ cúng thủy tổ của dân tộc - quốc gia, không phải chỉ của người Việt nơi châu thổ Bắc bộ, mà ở cả Trung bộ, Nam bộ và một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài.


Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước cũng cho rằng, có lẽ chưa có một quốc gia nào trên thế giới có tín ngưỡng thờ Tổ với phạm vi rộng lớn và trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử như ở Việt Nam. Đây là biểu trưng cho triết lý nhân văn "con người có tổ có tông" của văn hóa Việt Nam và là hiện tượng độc đáo nhất trên thế giới khi cả một quốc gia, một dân tộc tự coi mình có chung nguồn gốc. Đây được coi là sợi chỉ đỏ tâm linh, là động lực tinh thần gắn kết toàn dân tộc, nên người Việt dù ở đâu cũng muốn hành hương về đất Tổ.


Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng sẽ tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, bởi nhu cầu hành hương về cội nguồn vẫn tiếp tục và đang thúc đẩy tín ngưỡng này phát triển ngày càng mạnh. Số khách hành hương về Đền Hùng vẫn ngày càng tăng. Và không chỉ riêng ở Phú Thọ, tín ngưỡng thờ Vua Hùng còn lan tỏa đi khắp các địa phương trong và ngoài nước. Ở nhiều địa phương như Huế, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Kiên Giang... bên cạnh các di tích thờ Vua Hùng, còn có các lễ hội được tổ chức ở di tích đó. Với việc UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sẽ góp phần khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên của người Việt khắp nơi trên thế giới.


2. Tháng 5/2012, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đã khẳng định vị thế, tầm vóc và giá trị văn hóa đối với khu vực và thế giới của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - một trong những chùa và trung tâm đào tạo Phật giáo cổ nhất của Việt Nam. Bộ Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm có tổng cộng 3.050 bản khắc gỗ, hầu hết được khắc trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 - 19. Trong đó chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số về thơ, phú, nhật ký... của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kỹ thuật khắc ngược, đây là một kỹ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Bộ chữ mộc bản được khắc công phu, cầu kỳ tốn kém nhiều công sức. Với những giá trị to lớn như vậy, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được đánh giá là “Bảo vật quốc gia”.


Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật, bởi thông qua các mộc bản này, có thể thấy những tư tưởng, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm một cách rõ nét nhất với các giá trị nhân văn sâu sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là về thân thế, sự nghiệp của Đức Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và nhiều danh nhân văn hóa lịch sử khác của nước ta. Đặc biệt, Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn... Sự xuất hiện hai loại hình chữ viết Hán và Nôm trên các mộc bản này là cơ sở giúp cho các nhà ngôn ngữ học và sử học lý giải được lịch sử và tiến trình phát triển chữ viết của người Việt, nhất là quá trình chuyển biến từ chữ Hán (của người Trung Quốc) sang chữ Nôm (loại chữ viết tượng hình do người Việt sáng tạo ra). Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển về mặt ngôn ngữ và chữ viết mà còn cho thấy tính tự tôn dân tộc của người Việt.


3. Sau khi được vinh danh, các nhà quản lý cũng đã có kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Cụ thể, với di sản văn hóa phi vật thể như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, việc bảo tồn cũng được các nhà quản lý đặc biệt lưu tâm, nhất là trong việc xử lý một cách khéo léo quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau di sản này. Còn đối với di sản tư liệu như Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, thì bên cạnh việc gìn giữ, bảo quản thật tốt, cơ quan quản lý cũng đã có kế hoạch bảo tồn bằng số hóa, dịch ra tiếng Việt để quảng bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân.


Tuy nhiên, để cộng đồng và bạn bè quốc tế hiểu biết nhiều hơn về những di sản văn hóa ấy, để việc vinh danh di sản không trở thành hình thức, thì trách nhiệm của những người làm văn hóa “hậu” vinh danh không phải là nhỏ, bởi ngoài niềm tự hào, những nhà quản lý văn hóa và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc và nhân loại cho phù hợp nhất.

 

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN