Di tích cấp quốc gia Thành Bản Phủ bị xâm hại nghiêm trọng

Di tích Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), được xây dựng cách đây hơn 200 năm, là chứng tích ghi dấu lịch sử về công cuộc đánh đuổi giặc Phẻ (năm 1754), giải phóng Mường Then (Mường Thanh) do thủ lĩnh áo vải Hoàng Công Chất lãnh đạo.

Năm 1981, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Thành Bản Phủ là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuy nhiên, những năm gần đây, hành lang xung quanh di tích này đang bị người dân tự ý lấn chiếm nghiêm trọng, gây mất mỹ quan, sự uy nghi và linh thiêng của di tích này.

Một góc Di tích cấp quốc gia Thành Bản Phủ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo sử sách, thành Bản Phủ được xây dựng từ năm 1758 đến năm 1762. Thành rộng 80 mẫu, có 5 cạnh không đều nhau. Tường thành đắp bằng đất cao 5m, mặt thành rộng 4 - 6m. Thành có 4 cổng. Thành chia ra hai khu riêng biệt: Thành nội là nơi ở của thủ lĩnh Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh; Thành ngoại là khu binh lính đóng quân, các trại lính, khu quân lương, kho vũ khí, tàu ngựa, chuồng voi... Ngoài thành, khắp bốn phía đều được trồng một giống tre gai ngà dày đặc làm phên dậu che chắn cho toàn thành…

Tuy nhiên, trải qua những binh biến lịch sử, đến nay, thành đã không còn nguyên trạng. Hiện nay, khu vực bên trong thành có nhiều công trình như đền thờ được dựng lên bằng gỗ lim, là nơi thờ tướng quân Hoàng Công Chất và những tướng lĩnh có công trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

Ngoài ra, khuôn viên thành còn có nhà sàn văn hóa thiết kế theo lối kiến trúc của dân tộc Thái, hai bên tường thành là ao sen, sân bãi rộng phục vụ cho những hoạt động văn hóa, lễ hội. Cạnh bên đền thờ có cây cổ thụ sừng sững được người dân nơi đây gọi là cây đại đoàn kết (được trồng bởi ba cây đa, si, đề chung một gốc), theo tương truyền cây này được trồng bởi thủ lĩnh Hoàng Công Chất.
         
Những năm gần đây, hiện trạng di tích Thành Bản Phủ đã và đang bị xâm hại, chiếm dụng nghiêm trọng. Nhiều hộ dân ở xung quanh thành có hành vi lấn chiếm đất để trồng trọt, chăn nuôi, dựng ki ốt kinh doanh… Theo quan sát của phóng viên, ngay trước cổng chính đi vào thành, người dân ngang nhiên dựng nhà sát vách tường thành, hai bên thành nhiều gia đình đã kè mái sát vách thành, nhiều hộ còn trồng chuối, cây dây leo bám xanh cả vách thành, có nhiều gia đình còn tận dụng bức tường thành để làm vách tường nhà…

Khi đứng từ trên cao, có thể dễ dàng nhận thấy khoảng cách giữa chân thành và nhà dân xung quanh hầu như là không có hành lang cách biệt. Không chỉ dừng lại ở đó, bờ tường thành ở nhiều nơi đã biến thành bờ bao nuôi cá. Đặc biệt nguy hại và phản cảm hơn, ngay dưới sát chân thành của di tích cấp quốc gia này những chuồng trại nuôi gia súc, công trình vệ sinh không đảm bảo vệ sinh môi trường bị người dân xây dựng ngay dưới chân thành, bốc mùi khó chịu...

Điều dễ dàng nhận thấy, dù cọc tiêu chỉ giới, nghiêm cấm các hành vi xâm hại đến tường thành đã được cắm lên từ nhiều năm nay, nhưng dân vẫn bất chấp sự hiện diện của hệ thống cọc tiêu này.
         
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Địa giới hành chính nói chung và thành nội, thành ngoại thuộc đền Hoàng Công Chất nói riêng đã có nhiều hộ dân vi phạm. 47 hộ dân đã xây dựng một số công trình phụ trên hành lang của thành, Trong đó có 5 hộ gia đình trồng cây ăn quả trên thành.

Điều đáng nói là người dân đang lấn chiếm hành lang di tích nhưng vẫn cứ cho việc xâm hại di tích của mình là không sai. Anh Vì Văn Hương, người dân có công trình xây dựng ngay dưới chân thành của Thành Bản Phủ khẳng định: “Nhà tôi không lấn chiếm, bởi vì đất này các cụ để lại có bìa đỏ sử dụng và không lấn chiếm gì. Đất từ chân Thành đi ra là của nhà tôi, tôi xây ở trên đất nhà tôi những công trình phụ và không xâm phạm di tích”.

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: “Việc người dân có ý kiến đã được cấp đất trên Thành Bản Phủ và đã có Giấy chứng nhận sử dụng đất là hoàn toàn không có. Bởi vì theo quy định, việc giới hạn mốc Thành Bản Phủ cách chân thành 5 mét, như vậy không thể nói là các hộ dân có Giấy chứng nhận đất trên hành lang Thành Bản Phủ”.

Hàng trăm mét hành lang phía ngoài tường thành đã bị người dân xâm lấn, chiếm dụng, tự ý xây dựng những công trình dân sinh trái phép. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đề cập đến giải pháp "giải cứu" thành Bản Phủ trước hành vi xâm hại của người dân, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: "Chúng tôi sẽ kiến nghị với các cấp, các ngành cùng vào cuộc chỉ đạo chính quyền địa phương bằng các văn bản liên quan đến quản lý di tích. Từ đó, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân dỡ bỏ các phần xây, cơi nới trái phép trên thành Bản Phủ cũng như là các công trình phụ và những cây lâu năm của người dân đã trồng từ những năm trước đây."
         
Chính quyền xã Noong Hẹt khẳng định, trước mắt về phía xã sẽ ra các thông báo yêu cầu các hộ dân phải tự tháo bỏ vật dụng, kiến trúc trên đất hành lang thành, xa chân thành 5m. Nếu trình tự thủ tục các bước hoàn tất, mà các hộ này không chấp hành, xã sẽ kết hợp cùng các cơ quan chức năng dùng đến biện pháp cưỡng chế.

Theo Luật Di sản văn hóa, đối với Thành Bản Phủ, khu bảo vệ I là khu vực bất khả xâm phạm đã được khoanh vùng theo quy định của hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích gồm toàn bộ diện tích tòa Thành. Khu vực II  lấy Thành làm chuẩn mở rộng ra hai bên chân thành bên trong rộng ra 10 mét, bên ngoài rộng ra 5 mét, khu vực này cấm trồng trọt, đào bới và xây dựng nhà cửa.

Trong phạm vi khu vực này, nếu muốn trùng tu, tôn tạo phải có ý kiến thỏa thuận với Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch. Khu vực điều chỉnh (gọi là khu vực bảo vệ III) ngoài diện tích quy định trên, diện tích còn lại tạm thời được sản xuất, trồng màu song phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tình trạng xấm lấn hành lang Thành Bản Phủ Di tích lịch sử cấp Quốc gia kéo dài gần chục năm và ngày một nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sự linh thiêng của di tích, tạo ấn tượng xấu đối với du khách và có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bảo vệ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang di tích Thành Bản Phủ là công việc cấp thiết, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành và sự đồng thuận của người dân.
 
Võ Văn Dũng (TTXVN)
Lễ hội Thành Bản Phủ tại Điện Biên
Lễ hội Thành Bản Phủ tại Điện Biên

Ngày 21/3, tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã diễn ra Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2017 gắn với Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ VI.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN