Tây Sơn Thượng đạo (thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) là địa danh đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã ghi lại dấu tích về những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước, giữ nước vĩ đại. Hào hùng, vĩ đại là thế nhưng giờ đây những chứng tích này đang có nguy cơ trở thành phế tích nếu không có chính sách trùng tu, bảo tồn hợp lý.
An Khê trường (đình ngoài) nằm im lìm dưới bóng cây bàng, quanh năm suốt tháng cửa đóng then cài. |
Đìu hiu, xuống cấp, nghèo nàn hiện vật… là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trở lại Tây Sơn Thượng đạo sau vài năm di tích được đầu tư trên 11 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo. Chưa kể một số điểm thuộc quần thể di tích đang có nguy cơ thành phế tích vì không người lui tới, chăm sóc. Những An Khê trường nằm im lìm dưới bóng cây bàng, quanh năm suốt tháng cửa đóng then cài; An Khê đình nằm cô quạnh dưới bóng cây đa cổ thụ. Thật khó hình dung khung cảnh vắng lặng này cách đây đúng 240 năm (1771) chính là “trường giao dịch” để tập hợp lực lượng của anh em nhà Tây Sơn với đồng bào các dân tộc trong buổi đầu dựng nghiệp lớn...
Cụ Huỳnh Ngọc Chương (thường gọi là cụ Mười Chương) - người giữ “linh hồn” cho đình nhà Tây Sơn trong vai trò phụng tế (chủ tế) nhiều thập kỷ qua cho biết: Công trình được đầu tư hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo nhưng suốt nhiều năm nay, ở hai ngôi đình vẫn chưa có điện, có nước. Mỗi năm có hai dịp lễ trọng phải huy động mấy ông già xách nước về dùng. Điện phải kéo nhờ nhà dân hoặc thuê máy nổ.
Còn Bảo tàng Tây Sơn - công trình được đầu tư 4,4 tỷ đồng xây mới để trưng bày hiện vật liên quan đến nhà Tây Sơn trong ngày đầu dựng cờ khởi nghiệp lớn, thì lại quá nghèo nàn hiện vật, trong khi đây lẽ ra phải là điểm nhấn trong quần thể di tích. Bảo tàng có kiến trúc cách điệu từ nhà rông truyền thống nhưng lại mang dáng vẻ rất nặng nề. Ông Lê Khắc Thiện bức xúc nói: Nền nhà thấp hơn so với mặt đường, mưa xuống dễ bị ngập làm cho công trình nhanh xuống cấp. Chưa kể, kiến trúc bất hợp lý bên trong gây khó khăn cho việc trưng bày, giới thiệu. Lầu 1 có quá ít cửa sổ trong khi lầu 2 lại dư thừa.
So với sự bề thế, phong phú tư liệu và hiện vật lịch sử liên quan đến anh em người anh hùng áo vải cờ đào tại Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn (Bình Định) thì sự nghèo nàn của Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Ngoài một số tranh ảnh, tư liệu được sao chép lại, ở đây chỉ có một vài hiện vật như bình vôi, mũi kiếm, mác đã rỉ sét… chưa có cơ sở xác định có phải có xuất xứ từ thời Tây Sơn hay không.
Di tích Tây Sơn Thượng đạo được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 14/6/1991 gồm các cụm di tích: Lũy An Khê - An Khê trường - An Khê đình - Gò Chợ; Hòn Bình - hòn đá Box (ông) Nhạc - hòn Tào; Miếu Xà - Cây Ké (thị xã An Khê); vườn mít - cánh đồng cô Hầu (huyện Kbang); nền nhà ông Nhạc - hồ nước - kho tiền (huyện Kông Chro). Tuy nhiên, nhiều địa điểm kể trên giờ chỉ còn là phế tích trước sự hủy hoại của thời gian. Có địa điểm như hòn đá Box Nhạc mà ngay khi chúng tôi đã đứng trước mặt cũng không khỏi nghi hoặc với người dân rằng “đây có chắc chắn là hòn đá Box Nhạc không?”. Còn địa danh Gò Chợ - cạnh An Khê trường, nơi giao thương buôn bán hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, đồng thời là nơi liên lạc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa nhà Tây Sơn giờ không còn vết tích, có lẽ giờ nó chỉ tồn tại trong lời kể của những bậc tiền bối. Vườn mít, vườn cam, cánh đồng cô Hầu được trồng từ những ngày đầu anh em Tây Sơn chọn vùng Tây Sơn Thượng làm căn cứ đóng quân, nằm ở khu căn cứ phía Bắc (nay là huyện Kbang), giờ chỉ còn thưa thớt vài cây mít người dân trồng mới để tưởng nhớ công lao anh em người anh hùng, còn vườn mít cổ thụ trước đây nay chỉ còn lác đác vài cây. Tương tự, cụm di tích trên địa bàn huyện Kông Chro đã thành phế tích khi không còn lại gì ngoài tấm biển ghi chú được làm từ nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo do Nhà nước đầu tư.
Những giá trị phi vật thể trên vùng đất này cũng đang mai một dần. Ông Lê Văn Hiệp, Trưởng phòng Văn hóa thể thao thị xã An Khê cho biết: Hàng năm, chỉ vào ngày cúng Quý Xuân (mùng 9, mùng 10 tháng 2 Âm lịch) và cúng Hạ Sơn (mùng 10 tháng Giêng) thì hai ngôi đình mới có người tới làm lễ, thắp hương nhưng cũng chỉ có các bô lão và đại diện chính quyền địa phương đứng ra trụ trì. Bình thường, hai ngôi đình này vắng lạnh, buồn bã, cửa đóng im ỉm quanh năm.
Không chỉ xuống cấp, mà nguy cơ mai một về một chứng tích ở tầng lớp thế hệ trẻ cũng đang đặt ra một câu hỏi lớn cho công tác bảo tồn và phát triển di tích với thế hệ mai sau. Không ít lần, cụ Mười Chương tỏ sự lo lắng về người “nối nghiệp” hành lễ. Những người có thể thay cụ nay cũng gần đất xa trời. Nhiều người trẻ trên chính vùng đất này chỉ biết sơ sài về lịch sử của khu quần thể di tích. Với thực tế trên, chứng tích hào hùng và tài năng của ba anh em nhà Tây Sơn cũng bị hạn chế trong chuyển tải đến thế hệ trẻ và nguy cơ di tích này trở thành phế tích chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bài và ảnh: Quang Thái