Gần đây, hàng loạt những sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ. Đây là một chuỗi hoạt động tưởng niệm, tôn vinh con người, sự nghiệp, tri ân cống hiến của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển sân khấu cũng như văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên xét ở một góc độ nào đó, điều này cũng nói lên thực trạng đáng buồn của sân khấu hiện nay. Đó không chỉ là sân khấu vắng khán giả mà còn là sự ít ỏi của đội ngũ sáng tác kịch bản có tầm như Lưu Quang Vũ.
Kịch gia “có một không hai”
Trong tháng 8 này, trên các diễn đàn văn học nghệ thuật cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông, đâu đâu cũng nói về nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tại Hà Nội, khởi đầu cho những hoạt động liên quan đến tác giả lừng danh này là những thông tin về đêm thơ, nhạc kịch “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” do Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt, Nhà hát Tuổi trẻ, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Tiếp đến là hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam”, công diễn vở kịch “Nguồn sáng trong đời” của tác gải Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, phối hợp tổ chức; Lễ tưởng niệm và Hội thảo “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh với thơ ca đương đại Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức…
Tại mỗi sự kiện, những người yêu mến Lưu Quang Vũ đều cho rằng ông là người có nhiều tài năng, đặc biệt là trong lĩnh vực sân khấu. Lưu Quang Vũ đã sáng tác 53 vở kịch ngắn, dài cùng rất nhiều bài viết về sân khấu. Trong lịch sử sân khấu nước nhà dường như tác giả Lưu Quang Vũ là người có số lượng kịch bản được nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật dàn dựng nhất trong suốt hai thập kỷ cuối của thể kỷ 20. Ông là người trẻ nhất trong hàng ngũ những người viết kịch Việt Nam được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học lĩnh vực sân khấu đợt 2 năm 2000.
Dù tác giả lừng danh này đã đi xa 30 năm, nhưng những tác phẩm sân khấu của ông vẫn còn mãi với thời gian. Ðặc biệt, năm 1985, tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc, trong 8 vở kịch ông tham gia hội diễn có đến 6 vở giành được Huy chương Vàng, 2 vở đoạt Huy chương Bạc - một con số kỷ lục trong làng sân khấu nước ta cho đến thời điểm này. Gần đây nhất, tại Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã giành Huy chương Vàng...
Phải thừa nhận rằng kịch bản của Lưu Quang Vũ đề cập đến hầu hết các vấn đề của xã hội đang “nổi cộm” từ nông thôn đến thành thị (Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5…), từ nhà máy đến công trường (Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận…), từ trường học đến bệnh viện (Mùa hạ cuối cùng, Nguồn sáng trong đời…), từ quân đội đến công an (Đường bay, Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm…). Ở các kịch bản đó, ông đều bóc tách những mặt trái của xã hội đương thời để tìm ra những yếu kém cần phải thay đổi, phải khắc phục…
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ thán phục: Kịch của Lưu Quang Vũ đầy ắp tính triết lý nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ. Nóng bỏng tính thời sự, nhưng không sao chép đời sống một cách máy móc, đơn thuần mà Lưu Quang Vũ luôn thao thức, đau đáu với mỗi cuộc đời, với xã hội. Vì vậy, kịch của Lưu Quang Vũ luôn được khán giả quan tâm vì tác giả của chúng đã hóa giải được những bi kịch với niềm tin và lòng nhân ái.
Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu ghi nhận: Với hàng chục kịch bản ra đời luôn được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng cả nước, một câu hỏi thường được đặt ra với mỗi chúng ta là: Vì sao tác giả Lưu Quang Vũ lại được yêu mến đến vậy? Và câu trả lời chỉ đơn giản là: Những kịch bản đó hay, hấp dẫn trong câu chuyện kịch và quan trọng nhất là đã đánh trúng vào tâm lý, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội mà chưa có ai nói thay được tiếng nói của đại đa số người dân trong bối cảnh nước nhà khi đó còn đang loay hoay giữa thời kỳ bao cấp chuyển sang một mô hình xã hội mới…
Để sân khấu kịch có thêm nhiều Lưu Quang Vũ
Những vở diễn của tác giả này ra đời như những luồng gió mới mang hơi thở của thời đại. Khán giả đến với sân khấu, với kịch Lưu Quang Vũ những năm 80, đêm nào cũng kín rạp vì kịch của ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, là niềm khát khao cải tạo xã hội, đề cao phẩm giá con người dám nghĩ, dám làm để hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ khẳng định: “Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có nhiều tác phẩm thu hút dư luận nhất. Sau sự ra đi đột ngột của Lưu Quang Vũ, sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà ông để lại”. Đây không chỉ là sự đau đáu của riêng người đứng đầu Hội Sân khấu Việt Nam mà còn của rất nhiều những nhà quản lý, những người yêu mến sân khấu Việt.
Từ góc độ của một người hoạt động sân khấu nhiều năm, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Trầm nhận ra rằng thực trạng của sân khấu Hà Nội những năm gần đây luôn trong tình trạng buồn bã, ít vở diễn, không nhiều nhà hát luôn sáng đèn… Phải chăng đó là sự thiếu vắng của các tài năng trẻ. Số vở diễn có những tìm tòi, sáng tạo mới là với các mảng, miếng và lối dàn cảnh táo bạo, thể hiện được nội dung bằng sự tổng hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau thành một vở diễn thống nhất và hoàn chỉnh còn quá ít…
Trong khi hiện nay Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các hội chuyên ngành, đơn vị, tổ chức quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ các sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như trong sân khấu. Đáng chú ý là đã có không ít các tác giả được nhà nước đặt hàng, được tham gia các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế cơ sở… Vậy tại sao sân khấu Việt vẫn đang trăn trở trước việc thiếu những tác giả có tầm, thiếu những kịch bản hay sống được lâu dài qua nhiều đêm diễn?
Lý giải điều này, nhà lý luận phê bình sân khấu Lê Quý Hiền cho rằng hiện nay một bộ phận không nhỏ tác giả, đơn vị nghệ thuật trở nên thực dụng, một số khác lại có tầm nhìn chưa cao nên ngại “động chạm” đến những vấn đề “nhạy cảm”.