Điện ảnh thiếu bản sắc vì tình trạng mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa

Điện ảnh Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia phát triển ngành, thế nhưng, khi số lượng tăng lên thì lại có rất ít tác phẩm chất lượng tốt.

Đây là đánh giá của các chuyên gia, nhà làm phim tại tọa đàm “Những vấn đề của sáng tác điện ảnh và phim truyền hình hiện nay” do Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/4.

Ảnh minh họa: Điện ảnh Việt Nam đang xuất hiện tình trạng mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ngành điện ảnh đang phát triển tương đối mạnh mẽ về số lượng bởi có sự tham gia, mở rộng phạm vi sáng tác của các đạo diễn, nhà biên kịch, diễn viên. Những năm trước đây, ngành điện ảnh trung bình mỗi năm chỉ sản xuất khoảng 30 - 40 phim điện ảnh thì năm 2016 đã đạt hơn 50 phim. Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm này chưa có chiều sâu. Số lượng tác phẩm có giá trị cao không nhiều, không phát triển thuận chiều với số lượng.


Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận xét, các phim điện ảnh trong năm 2016 đều đã tiết chế những cảnh hài “nhảm”, có hình ảnh, âm thanh tốt, được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều nhà làm phim đề cập đến cuộc sống, tình yêu đẹp, miêu tả tiêu cực, tâm lý xã hội, sự hận thù…


“Song, mấu chốt vấn đề là thiếu kịch bản hay, do đó xuất hiện tình trạng mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa, nhưng vẫn không thấy rõ bản sắc, văn hóa Việt Nam ở đâu. Vẫn có hạt sạn ở một số phim như chưa cải tiến theo phương thức thể hiện hiện đại, nhịp điệu, tiết tấu chậm; võ thuật trong phim cổ trang “na ná” như võ thuật trong truyện tác giả Kim Dung (Trung Quốc)… Vấn đề đồng tính giới, ái nam ái nữ được khai thác quá nhiều, dẫn đến gây nhàm chán mà không mang đến cho khán giả một câu chuyện, giá trị nhân văn nào”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim phân tích.


Tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, nội dung kịch bản hay sẽ quyết định nhiều đến chất lượng bộ phim. Chúng ta đã có đội ngũ diễn viên nam thanh nữ tú rất đẹp, rất tài năng, thế nhưng họ chưa thật sự có đủ đất để phô diễn tài năng đó đến với khán giả trong nước lẫn quốc tế.


Do đó, các đại biểu cho rằng, cần thiết phải đầu tư, bồi dưỡng, đào tạo thật bài bản cho các nhà viết kịch bản trẻ, để họ vừa được thụ hưởng một nền tảng điện ảnh Việt Nam trước đây “vang bóng một thời”; đồng thời phát huy được sức trẻ, tài năng, cho ra đời những tác phẩm vừa mang được hơi thở thời đại vừa nói lên khát vọng vươn ra thế giới, bằng chính những sản phẩm điện ảnh mang bản sắc, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Gia Thuận (TTXVN)
Điện ảnh Việt Nam với những bước đi hội nhập
Điện ảnh Việt Nam với những bước đi hội nhập

Những năm gần đây, hòa mình vào dòng chảy hội nhập quốc tế, diện mạo của điện ảnh Việt Nam đã thay đổi đáng kể dù trên con đường đó còn không ít khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN