Điện ảnh Việt Nam trên đường hội nhập - Bài 2: Phổ biến phim nghệ thuật - còn nhiều khó khăn

Có một thực tế là, khán giả khi đến rạp thường thích xem phim thị trường, còn những bộ phim nghệ thuật, từng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế song không mấy thành công khi công chiếu trên “sân nhà”. Việc làm thế nào để thay đổi được thực tế này vẫn còn là một vấn đề không đơn giản.

Phim nghệ thuật khó xem

Phạm Mỹ, sinh viên Đại học KHXH & NV tại Hà Nội tâm sự: Tôi xem những bộ phim “bom tấn” của thế giới không phải do tâm lý “sính ngoại”, mà đơn giản là vì nó rất hấp dẫn và đáng xem. Với phim Việt Nam, tôi cũng xem nhiều, nhưng hầu hết những phim đó không mấy khi làm tôi hài lòng.

Đó là ý kiến nhận xét của rất nhiều khán giả, dù là với những bộ phim từng giành nhiều giải thưởng ở các LHP quốc tế như “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng, “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hay “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di. Người xem khi xem những phim này chỉ đoán định lờ mờ qua một số chi tiết để biết về nhân vật, thậm chí một số phim, xem xong người xem vẫn không biết những thông tin cơ bản nhất của nhân vật chính. Ví dụ với: “Mùa hè chiều thẳng đứng”, điều duy nhất khắc sâu trong tâm trí người xem là những khoảnh khắc đẹp về những ngày nắng, về khung cảnh sinh hoạt gia đình thân quen, bình dị hay về một vài giai điệu đằm thắm của Trịnh Công Sơn. Với “Bi, đừng sợ”, đạo diễn Phan Đăng Di chỉ chú tâm truyền tải nỗi cô đơn và niềm khát khao giao cảm của con người qua những viên đá lạnh buốt. Với kiểu phim cảm giác như thế này, nếu ai am hiểu và cảm nhận được thì những hình ảnh, triết lý trong phim sẽ có sức sống lâu dài trong lòng khán giả. Song, với khiếu thẩm mỹ bình dân của đại bộ phận công chúng, thì xem những bộ phim như vậy rất khó hiểu, và đương nhiên là phim đó khó thu hút khán giả.

Một cảnh trong phim “Bi, đừng sợ”.


Phát hành phim nghệ thuật còn yếu

Ông Trần Hinh, Chủ nhiệm môn Nghệ thuật học, Trường Đại học KHXH & NV cho rằng, việc khán giả không mấy mặn mà với dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam ngoài nguyên nhân do thị hiếu của khán giả, có một phần nguyên nhân do khâu phát hành dòng phim này còn chưa tốt. Việc phát hành dòng phim nghệ thuật ở nước ta thời gian qua hoàn toàn bị phụ thuộc vào tình hình điện ảnh của các nền điện ảnh lớn trên thế giới, đặc biệt là các nền điện ảnh gần gũi quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... trong đó, có các yếu tố như tình hình sản xuất, thị hiếu người xem, tiêu chí nhập khẩu.

Ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng Phổ biến phim (Cục Điện ảnh) thừa nhận: Từ xưa đến nay, việc phát hành phim, phổ biến phim đến khán giả đều thực hiện qua kênh của Công ty Xuất nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam, không có sự phân biệt dòng phim nghệ thuật hay giải trí. Còn đối với các phim nghệ thuật, chủ yếu do các đơn vị sản xuất tự chịu trách nhiệm giới thiệu với công chúng. Và để dòng phim tác giả đến gần hơn với công chúng, cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông, các nhà lý luận phê bình, đơn vị sản xuất phim cần có sự hợp tác chặt chẽ để tuyên truyền, quảng bá cho phim. Điều này có thể làm ngay từ khi có kịch bản hoặc trong quá trình sản xuất chứ không chờ đến khi công chiếu mới thực hiện. Như thế, phổ biến phim nghệ thuật đến với khán giả sẽ đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, tuy “Cánh đồng bất tận” kén khán giả, nhưng quảng bá tốt nên lượng khán giả đến rạp vẫn rất đông, doanh thu cao.

Ông Trần Hinh cho rằng, để dòng phim nghệ thuật Việt Nam không bị người xem hờ hững, thì ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, chúng ta phải đầu tư vào khâu đào tạo. Phải tạo được môi trường điện ảnh rộng lớn ở trong nước, mở thêm nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh hơn nữa, bởi hiện nay, nước ta có tới gần 90 triệu dân mà chỉ có hai cơ sở đào tạo điện ảnh ở hai đầu đất nước. Trong khi đó, ở Hàn Quốc có số dân không lớn hơn nước ta, nhưng họ có tới chừng 40 cơ sở đào tạo điện ảnh. Ở Mỹ thì phần lớn các trường Đại học Tổng hợp đều có khoa điện ảnh. Đấy là chưa nói tới những trường tầm cỡ kiểu như USC (Trường Nghệ thuật ĐA Nam California).

Việc đào tạo ở đây không có nghĩa chỉ là đào tạo những nhà làm điện ảnh, mà phải đào tạo chính những khán giả điện ảnh. Chỉ khi nào những người xem hiểu biết điện ảnh, họ mới đón nhận những dòng phim nghệ thuật, vì khi xem, họ mới hiểu được đầy đủ thế nào là câu chuyện, cốt truyện, dàn cảnh, quay phim, montage, ánh sáng, âm nhạc...

Lộc Phương

Bài 3: Phát triển dòng phim nghệ thuật - xu hướng tất yếu của phim Việt

Điện ảnh Việt Nam trên đường hội nhập - Bài 1: Phim thương mại thắng thế
Điện ảnh Việt Nam trên đường hội nhập - Bài 1: Phim thương mại thắng thế

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, phim Việt Nam vẫn chưa vươn ra được thị trường thế giới. Còn để chạm tay được vào giải Oscar hay Cannes thì lại càng không dễ dàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN