Độc đáo lễ hội chọi trâu trên đất Tổ

Ba năm trở lại đây, lễ hội chọi trâu Phù Ninh (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã được khôi phục sau hơn 60 năm vắng bóng. Đây không chỉ là lễ hội cổ nhất mà còn là lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương. Lễ hội vừa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, vừa gắn với tục lệ sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân giàu, nước thịnh.

Lễ hội độc đáo

Hàng năm, cứ vào ngày 16, 17 tháng 2 Âm lịch, huyện Phù Ninh lại rộn ràng tổ chức lễ hội chọi trâu, thu hút hàng chục ngàn du khách thập phương và nhân dân tỉnh Phú Thọ tham dự. Không biết lễ hội chọi trâu Phù Ninh có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khởi nguồn của lễ hội độc đáo này được gắn với truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương.

Quyết chiến. Ảnh: Viết Tôn


Theo các bậc cao niên trong làng, từ xa xưa ở làng Cao Lão (nay là xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh) có một chợ một năm chỉ họp 2 phiên vào ngày 5/5 và 10/10 âm lịch, dân gian thường gọi là chợ Hàm Rồng. Trong dân gian có truyền thuyết, khi các tướng lĩnh của vua Hùng đi săn qua chợ Hàm Rồng gặp hai con hổ đang đánh nhau, những người đi săn liền lấy giáo mác đâm chết, rồi đem mổ thịt ăn ngay tại chỗ. Từ đó, để tưởng nhớ người đi săn thời vua Hùng, hàng năm vào ngày phiên chợ, người dân trong xã và các vùng lân cận đem các thứ hàng hóa, sản vật đến, kẻ bán người mua rất nhộn nhịp và tổ chức tế lễ, chọi trâu.

Chuẩn bị nghênh chiến. Ảnh: Viết Tôn


Tham gia lễ hội chọi trâu trước đây có 4 làng: Cão, Phú Mãn, Ngọc Trù, Ngọc Khôi; mỗi làng mua một con trâu cà đen tuyền cho chọi và bày cỗ cúng tế để tưởng nhớ những thợ săn thời các vua Hùng. Khi mua phải xin âm dương, nếu thánh ứng mới trả tiền. Trâu mua rồi, giáp phải cử người làm mo nuôi. Đến phiên chợ, dân làng tắm rửa cho trâu sạch sẽ để cho chọi. Phiên chợ 5/5, trâu chọi của 4 làng chia làm 2 cặp để thi đấu, hai con thua bị mổ thịt, hai con thắng thi đấu tiếp vào ngày 10/10. Khi mổ trâu làm lễ tế thần, người ta chuẩn bị những thứ để đựng thịt trâu mà không bày ra bát đĩa. Đó là những cái rế tết bằng dây thừng, đan dày và nông, lòng rế có lót lá chuối để bày thịt và đem đặt lên mô đất vuông bằng phẳng ở ngay giữa chợ để làm lễ cúng thần. Cúng xong, mọi người tập trung ăn uống ngay tại chợ.

Trải qua thời gian và tác động của chiến tranh, hơn 60 năm (1945 đến 2008) lễ hội chọi trâu vắng bóng. Đến năm 2009, huyện Phù Ninh đã khôi phục và tổ chức lễ hội chọi trâu vào ngày 16 và 17 tháng 2 Âm lịch. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc được tỉnh Phú Thọ đưa vào chương trình du lịch Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, gắn với Lễ hội Đền Hùng và Chương trình du lịch về cội nguồn.

Nghề nuôi trâu chọi thật lắm gian nan

Để có trâu chọi đạt tiêu chuẩn thi đấu, chủ trâu phải mất khoảng một năm để chuẩn bị, từ việc mua trâu cho đến chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu.

Ông Phạm Đức Đa, người nuôi trâu chọi “có tiếng” ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh cho biết: Tậu được trâu tốt để chọi là cả một kỳ công. Chủ trâu cũng phải đầu tư nhiều công sức để tìm trâu, có khi lặn lội lên tận Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, có khi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An hay sang Lào… để tìm trâu tốt mua về.

Đông đảo du khách thập phương về xem những “ông cầu” tỉ thí. Ảnh: Viết Tôn


Ông Đa khẳng định, để mua được trâu tốt, người nuôi trâu cần phải có bề dày kinh nghiệm vì "xem tướng trâu" là rất khó. Con trâu tốt phải đầu to, cổ rộng, mi dày, sừng cân và hướng tiền; thân “chiến ngưu” phải to phần ức, dài và thon về sau với da dày, nhiều lông, chân ngắn, săn chắc và có bộ móng đặc biệt kín như móng hươu. Ở phần đuôi phải to trên, nhỏ dần đều về phía chóp đuôi. Đặc biệt, khi mua trâu chọi, không bao giờ người mua chọn những con trâu có sẹo ở phía sau mông. Những người săn trâu chọi quan niệm chỉ có trâu thua cuộc mới bị đuổi đánh, bị húc từ phía sau và mang sẹo ở đó. Ông Đa cũng cho biết thêm, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu cũng rất đặc biệt, khác hẳn so với trâu cày. Trâu được nuôi ở chuồng riêng, tách biệt, kín đáo và đặc biệt là không để trâu trông thấy trâu nhà, mục đích là để trâu chọi giữ được bản năng hoang dã của nó. Trâu chọi được các chủ trâu trân trọng gọi là “ông cầu” và đối xử như một thành viên trong gia đình.

Còn ông Nguyễn Văn Thắng, một chủ trâu có bề dày kinh nghiệm ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh chia sẻ: Nuôi trâu chọi kỳ công lắm, cần phải biết các kỹ thuật chăm sóc và các miếng đánh. Chuồng trại khi nào cũng sạch sẽ, mùa hè dẫn trâu đi tắm, mùa đông che chắn gió cẩn thận. Nhà nào cũng trồng một ruộng cỏ voi thật lớn, nấu cháo ngô cho trâu ăn. Hàng ngày huấn luyện trâu ở những bãi đất rộng có nhiều người đứng xung quanh, gõ chiêng, trống, hò hét… Khi huấn luyện còn phải phủ cờ lên đầu trâu, mình trâu với mục đích cho trâu quen dần với không khí ngày hội. Người nuôi trâu phải biết dạy trâu những miếng đánh hiểm và độc đáo…, giúp trâu cọ xát, thực hành trước khi “xung trận”…

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh cho biết: Cũng như một số lễ hội chọi trâu ở một số vùng khác, lễ hội chọi trâu Phù Ninh cũng có ba vòng thi đấu: vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Tại mỗi trận đấu, từ hai phía của sới chọi, hai “ông cầu” được dẫn ra cùng lúc, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông cầu” cách nhau khoảng 20 m, người dắt rút "sẹo" cho các “ông cầu” rồi nhanh chóng thoát ra ngoài. Có nhiều hiệp đấu hay với những miếng võ hiểm, giữ sức, giành miếng tấn công liên tục, kéo dài tới hàng chục phút trước sự cổ vũ náo nhiệt của người xem.

Ông Giang cũng cho biết thêm: Để tăng thêm tính chuyên nghiệp và quy mô cho lễ hội chọi trâu, năm 2012 này, huyện Phù Ninh đã xây dựng hoàn chỉnh trung tâm lễ hội chọi trâu có sức chứa 40.000 người, có tường rào, khán đài theo quy chuẩn sân vận động lớn.

Từ khi được khôi phục, lễ hội chọi trâu Phù Ninh năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương tới dự và được đánh giá là lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Vũ Thị Bắc

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN