Độc đáo ‘mật ngữ Tõi Xưỡn' của làng cổ Đa Chất

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Nam, thôn Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đang lưu giữ một ngôn ngữ cổ kỳ lạ, lưu truyền suốt hàng thế kỷ qua, cần được bảo tồn như loại hình văn hóa phi vật thể.

Chú thích ảnh
Đình làng Đa Chất.

Ngôn ngữ cổ kỳ lạ có tên “Tõi Xưỡn”, được người dân làng Đa Chất bao đời nay sử dụng như một “mật ngữ” trong làng, giống như tiếng lóng riêng của người bản địa. 

“Không ai biết rõ mật ngữ này ra đời từ bao giờ, chỉ biết trước đây, thôn Đa Chất có nghề đóng cối xay thóc truyền thống. Xuất phát từ đặc thù công việc nay đây mai đó, những người thợ đóng cối muốn giữ bí mật nghề nghiệp, không muốn cho người ngoài biết mình nói gì, nên đã nghĩ ra một ngôn ngữ riêng để trao đổi, giao dịch với nhau…", ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng thôn Đa Chất chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Huệ, người làm dâu thôn Đa Chất đã gần 4 thập niên cho biết: “Ngày mới cưới về, lúc mọi người trong nhà nói chuyện với nhau bằng tiếng lóng, tôi phải nhìn hành động rồi đoán nghĩa…”.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Nghinh luôn giữ gìn chiếc cối tự tay làm trước đây để nhớ đến nghề truyền thống của gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán (81 tuổi, một thợ cối lành nghề và am hiểu về tiếng lóng làng Đa Chất) bật mí: “Thời trước, mật ngữ này được dùng để nhắc nhở nhau trong cách sinh hoạt, ăn mặc hay trong công việc, trao đổi thông tin, bàn bạc giá cả, bí quyết làm nghề… như khi người thợ phụ làm sai, thợ cả sẽ nhắc: ‘Xảo xấn táo rồi, bệt ngáo kìa’ (Anh làm lỗi rồi, nhà chủ trông thấy kia kìa) hay ‘Xảo sởn quần ớt, quất ông lông đi’ (Đi chặt tre, bổ củi đi). Với mật ngữ này, những người thợ vừa có thể nhắc nhở nhau làm việc, vừa không bị chủ nhà biết hay mắng mỏ. Khi đi tàu xe, người làng có thể dùng mật ngữ ‘xảo tớp hách’ để nhắc nhau ‘có trộm đấy’…”.

Tiếng lóng cũng là dấu hiệu để những người thợ cối Đa Chất nhận diện nhau trong những hoàn cảnh làm ăn xa, giúp họ gắn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề làm cối dần mai một, những người dân làng Đa Chất tỏa đi làm ăn xa, tiếng lóng cũng vì thế đứng trước nguy cơ mai một. Ngay cả các cụ già trong làng cũng ít khi sử dụng ngôn ngữ này. 

“Thỉnh thoảng ngồi uống với nhau chén trà, ôn lại chuyện xưa cũ, những người già làng còn lại mới dùng Tõi Xưỡn, hoặc số ít gia đình hiện nay sử dụng trong lúc gia đình có khách. Khi bố mẹ muốn nhắc nhở con cái việc cơm nước, dọn dẹp, ăn uống từ tốn lịch sự, ‘trẩm chổi thít’ (đừng ăn như thế, người ta đánh giá đấy)”, ông Nguyễn Văn Nghinh (66 tuổi, người trông giữ đình làng hiện nay) cho hay.

Hiện nay, lớp trẻ trong làng Đa Chất ngày càng ít tìm hiểu và sử dụng mật ngữ riêng có này. Thanh niên làng giao tiếp bằng tiếng này khá khó khăn, một phần do không để ý nhiều, không có người truyền dạy, phần khác do đi làm ăn xa quê, nên chỉ biết một số từ ngữ thông dụng. 

Với mong muốn bảo tồn, phát huy, giữ gìn ngôn ngữ đặc biệt này như tiếng mẹ đẻ thứ hai, trở thành bản sắc văn hóa tự hào của người dân Đa Chất, hàng năm vào những dịp lễ, Tết, hội làng… các bậc cao niên thường ngồi lại, nói chuyện và dạy các con cháu bằng ngôn ngữ Tõi Xưỡn qua hình thức truyền miệng, vì hiện vẫn chưa có hệ thống văn bản chữ viết hoàn chỉnh phục vụ việc lưu trữ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, cách phát âm, phiên âm Tõi Xưỡn mới được ghi lại gần đây trong cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của hai tác giả Chu Huy và Nguyễn Dần thông qua sự kết hợp của chữ quốc ngữ phổ thông và Hán Việt. 

Chú thích ảnh
Cối tre - sản phẩm truyền thống của làng nghề Đa Chất.

 

Chú thích ảnh
Cuốn sách có phần ghi chép tiếng lóng của thôn Đa Chất.

Ông Dương Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết: Xã đang xin ý kiến lãnh đạo cấp huyện, tỉnh xây dựng các tour du lịch tham quan nghề làm cối xay lúa bằng tre ở thôn Đa Chất, trong đó có lồng ghép sử dụng mật ngữ này như một phần của sản phẩm du lịch để thu hút du khách thập phương. Đây là cách để di sản văn hóa phi vật thể tiếng lóng Đa Chất có thể duy trì và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại.

Việc lưu truyền  mật ngữ riêng có của làng Đa Chất nếu được bảo tồn và phát huy sẽ làm phong phú thêm văn hóa và ngôn ngữ dân gian làng xã Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng và ý thức hướng về cội nguồn của người dân nơi đây.

Video chia sẻ về tiếng lóng Đa Chất:

 

Phạm Thương
Tiếng lóng Đa Chất - di sản phi vật thể cần bảo vệ
Tiếng lóng Đa Chất - di sản phi vật thể cần bảo vệ

Tiếng lóng được người dân thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, coi như nét truyền thống của làng; còn ngành văn hóa Hà Nội coi là di sản phi vật thể đầu tiên của thành phố về loại hình truyền thống truyền khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN