Đối thoại về bức thư tình 35 trang

Chuyện tình Phạm Việt Thanh - Lê Khanh là một trong những “thiên tình sử” đẹp nhất trong làng văn nghệ lâu nay. Nhiều năm trước đã thế và bây giờ vẫn như vậy.


 Riêng bức thư tình viết tay dài 35 trang mà chàng đạo diễn hào hoa phóng khoáng Phạm Việt Thanh viết cho người tình Lê Khanh đã được nhiều người nói đến. Nhưng có lẽ chưa có ai đem câu chuyện “khó tin” ấy ra “gạn gùng ngọn hỏi ngành tra” từng người.


Cuộc trò chuyện với NSND Lê Khanh - với cái cớ chị tuổi mèo (Quý Mão) khi chúng tôi bắt tay làm số Tất niên 2010 - hóa ra đúng là một... cái cớ. Và trong một dịp hiếm hoi đó, chồng chị - đạo diễn Phạm Việt Thanh - đã chịu “bật mí” về vợ.


Đạo diễn Phạm Việt Thanh: Ngày xưa, Khanh “tán” tôi trước


* Là chồng của một nghệ sĩ nổi tiếng, anh có bị áp lực?


- Áp lực là cho Khanh đủ môi trường, điều kiện tốt để Khanh làm công việc cô ấy yêu thích. Với lại, tôi cũng làm trọn nhiệm vụ của một ông chồng “4 tốt” đấy: tốt với vợ, nuôi con khỏe dạy con khôn, tích trữ được tiền...


* Nghe nói anh giữ một kỷ lục Việt Nam với bức thư tình dài 35 trang viết cho người yêu - người hiện giờ là vợ anh - chị Lê Khanh. Tin ấy có vẻ không thật?


- Thật 100%. Cho đến hôm nay, Khanh vẫn thích đọc thư viết tay. Không phải khoe, nhưng tôi viết chữ đẹp. Mà thư viết tay cũng có cái... rung rinh của nó. Chấm phẩy, chấm lửng, chấm hỏi... à ơi được nhiều. Đầu tiên là những tờ giấy hẹn hò dán ở cửa nhà cô ấy. “Em đi ăn sáng chưa?” hay “Em đi cafe với anh nhé!”. Bức thư tình 35 trang viết lúc tôi ở TP.HCM còn Khanh ở Hà Nội, khi ấy chúng tôi yêu nhau hơn 1 năm rồi.


Vợ chồng Phạm Việt Thanh - Lê Khanh tại LHP Quốc tế Hà Nội

* Hình như lúc anh quen chị, anh đã là chàng độc thân 36 tuổi, còn chị là gương mặt được chú ý của sân khấu - màn ảnh... Phải mất bao lâu anh mới “tán” được chị?


- Không, Khanh “tán” tôi đấy chứ. Ai tôi cũng kể vậy mà. Chị em nhà ta hay kiêu lắm. Có khi yêu mà không nhận. Hồi ấy là sau thời làm Săn bắt cướp, bộ phim của đạo diễn Trần Phương. Tôi vẫn không biết Khanh thích tôi đâu. Vẫn mặc quần đùi nói chuyện bình thường... Một ngày, cô ấy bỗng gặp tôi đưa một mảnh giấy ghi: Vĩnh biệt! khiến tôi rất bất ngờ... Mà “bà ấy” cũng ghê lắm, hồi mới gặp, toàn gọi tôi bằng chú...


* Còn bây giờ, anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại?


- Bằng lòng thì đúng hơn. Vợ chồng tôi đều tin tưởng và đều dành cho nhau sự hỗ trợ, chia sẻ cảm xúc nhất định. Đó là điều cốt yếu trong cuộc sống. Khanh hay đau đáu những chuyện kiểu như sao đường có ổ gà. Tôi không đau đáu những chuyện như thế, vì đơn giản tôi nghĩ, đương nhiên đường phải có ổ gà.


* Trong quan niệm của người Á Đông, khi đàn ông lấy vợ mà gia đình chỉ có con gái, thì người con rể thường phải ghé vai gánh vác việc nhà vợ. Sự chia sẻ này của anh là...


- Câu chuyện hồi cưới Lê Vi. Đám cưới xong, tôi nghĩ mình có nhiệm vụ đương nhiên là ra thu dọn bàn ghế. Họ hàng nhà vợ có người không biết tôi, bèn bảo, nhà mình thuê được “thằng cho thuê bàn ghế” không những ăn mặc lịch sự mà còn làm đâu ra đấy! Mọi người bảo: Chồng cái Khanh nhà mình đấy...


Giờ tôi vẫn thường đến biếu ông nhạc chai rượu, nói với ông dăm ba câu chuyện... Thỉnh thoảng, tôi chở bà nhạc đi lễ chùa hay đi thăm thú đâu đó...


* Còn khi gia đình ấy có “sóng gió”, anh có đứng ngoài cuộc?

-

“Sóng gió” tôi hiểu ở đây là khi bố mẹ bị ốm đau, tôi đưa các cụ đi khám bệnh; hay khi các cụ muốn ăn cháo tôi mua cháo, hoặc nấu cháo cho các cụ... Còn những “sóng gió” khác, đó là điều bạn không bao giờ nên đụng tới...


* Xin cảm ơn anh!


Lê Khanh: Vờ xem kịch bản để đọc… thư tình

Vẻ đẹp không biết đến thời gian của Lê Khanh. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp


* Tôi nghe kể lại, ngày xưa, anh Phạm Việt Thanh “tán” chị bằng thư viết tay, có bức thư dài tới 35 trang?

-

Thư viết tay có linh hồn lắm. Đến giờ, thời đại của internet, thế mà tôi vẫn thích đọc thư viết tay. Ngày đó, đi đóng phim, quay xong về tôi đọc. Sáng đọc thư, tối đọc thư. Người trong đoàn hỏi đọc gì, tôi bảo đọc kịch bản. Mọi người tưởng thật. Nhưng hóa ra, mình đọc thư tình.


* Chồng chị còn bảo, ngày xưa Khanh “tán” tôi đấy chứ?


- Cũng có thể là bật đèn xanh trước. Các nhà sinh vật học, động vật học cũng đều cho rằng giống cái bao giờ cũng thể hiện sự duyên dáng trước đấy thôi...


* Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, chồng chị - đạo diễn Phạm Việt Thanh, có kể rằng, chị hay đau đáu những chuyện kiểu như vì sao đường có ổ gà, trong khi anh thì nghĩ việc đường có ổ gà là đương nhiên. Chị có đau đáu vì sự ảm đạm kéo dài suốt thời gian qua của sân khấu phía Bắc?


- Với tôi, sự ảm đạm đó là đương nhiên. Như một quy luật tự nhiên, khi nó xuống hết mức có thể thì chắc chắn sẽ có sức sống mới trỗi dậy.


* Năm qua, bộ ảnh Lê Khanh làm người mẫu áo dài khiến không ít người ngỡ ngàng với hình ảnh Lê Khanh ở tuổi 50?


- Xấp xỉ 50 chứ! Và chính tôi cũng ngỡ ngàng, bởi bao năm là người xây dựng nhân vật, hình tượng nhân vật nhưng ngờ đâu, chỉ cần một bộ sưu tập ảnh cũng đã có thể để lại ấn tượng dễ thương đến vậy. Cơ duyên của lần làm người mẫu ảnh này cũng giản dị thôi. Đó là kết quả cuộc hẹn từ nhiều năm của bạn bè thân hữu. May là có dịp đại lễ thì cùng bắt tay làm, chứ nếu không cũng chưa biết khi nào thực hiện được.


* Chồng chị - nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Việt Thanh có đánh giá gì về bộ ảnh này?

- Chúng tôi không đối thoại về vấn đề đó nên tôi không rõ.


* Tử vi tuổi Quý Mão có câu: “Đa tài. Đa trí. Đoan trang. Dịu dàng”, điều ấy dường như đúng với chị? Và người ta còn nói, người tuổi Mão thường khôn khéo, uyển chuyển trong mọi ứng xử?


- Bạn nhắc tôi mới nhớ tới “năm tuổi” đấy. Tính tôi vậy, chẳng để ý gì ngoài những điều mình đang chú tâm... Người ta nói khéo cũng đúng, mà vụng cũng không sai.


Tiếc là sức của tôi không làm được gì để thay đổi đời sống sân khấu. Vụng là ở chỗ đó. Đau lắm. Trách mình sức mọn tài hèn... Thế là tạt sang một lĩnh vực hợp với sức mình hơn, phù hợp hơn: giảng dạy. Bạn có xem đó là một sự uyển chuyển không? (Cười).


* Tôi cảm thấy chị không chỉ là nghệ sĩ sân khấu lạc quan, mà chị còn thể hiện sự lạc quan, điềm đạm trong cuộc sống?


- Chuyện về ông ngoại tôi (nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh - PV) thế này. Ông là người lạc quan, thánh thiện hiếm có, kể cả khi mắc bệnh hiểm nghèo. Trong mắt ông, cái gì cũng đẹp. Có lần từ Hải Phòng lên Hà Nội chơi, để đề phòng mất xe đạp, cụ khóa xe bằng... chiếc khăn mùi xoa. Đúng là một giai thoại đẹp!


Chả biết có phải tôi thừa hưởng “gen” lạc quan đó không nhỉ? Nhưng lạc quan cũng bởi bản tính tự nhiên và cả do người ta tìm được cho mình quy luật sống bằng sự từng trải thôi... Trong cuộc sống, không bao giờ có sự tuyệt đối. Tôi biết vậy và không bao giờ quá ảo tưởng. Cuộc sống cũng không thể chỉ có sự hoàn hảo, bằng phẳng. Cuộc đời của con người có lúc dễ dàng, thuận lợi, nhưng chả thiếu những khúc quanh. Mọi thứ có thể đến bất cứ lúc nào và nhất là với sức khỏe, con người ta có thể ốm bất cứ lúc nào... Vì thế, quan niệm của tôi là bình tĩnh để có thể cân bằng trong cuộc sống. Biết quy luật để có sự thăng hoa nhất định. Thời gian này tôi tham gia giảng dạy ở trường sân khấu - điện ảnh nên cũng không cảm thấy chơi vơi, trống trải. Công việc này đủ để mang tới cho tôi niềm vui.


* Và một nghệ sĩ từng được xem là “bà hoàng” trên sân khấu hài lòng với điều đang có?


- Bằng lòng về cái đã có. Mọi thứ tôi có được ngày hôm nay người ta đều không dễ dàng gì mà có, trong khi mình lại có. Vậy thì không có lý do gì mà không bằng lòng, sung sướng nhỉ? Tất cả đều là quý giá vì những điều qua đi là không bao giờ lặp lại.


* Xin cảm ơn chị!


Mệt nhưng vẫn đầy cảm xúc “Mẹ tôi không thích Tết và tôi biết nhiều người không thích Tết vì phải mệt nhoài, phải bận rộn... Thật tiếc... Với tôi, Tết rất đặc biệt. Đó là nét riêng rất truyền thống, rất Việt.


Ngày Tất niên cũng thật đặc biệt khi những bà nội trợ đã mệt nhoài với việc sắm sanh, mệt nhoài vì mâm cỗ Tất niên cúng ông bà, lại lao vào chuẩn bị cúng Giao thừa...


Mệt nhưng vẫn đầy cảm xúc. Còn khoảnh khắc Giao thừa - khoảnh khắc chia tay năm cũ, đón chào năm mới là lúc cảm xúc con người giao hòa trời đất, thăng hoa nhất. Thời khắc đó, người ta quên hết những âu lo, dằn vặt của năm cũ để kỳ vọng vào những điều mới mẻ.


Rồi ngày mùng 1 nữa chứ. Một sáng ngủ trễ nải, để khi thức dậy thì cảm thấy sự phấn chấn của một năm mới. Rồi xúng xính quần áo mới đi chúc Tết người thân, họ hàng và được nói với nhau những lời tốt đẹp... Tôi không hiểu sao nhiều người lại không thích Tết nhỉ”? (Tâm sự của Lê Khanh).


Theo TTVH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN