Dự án “Sân khấu học đường”: Tiếp cận hiệu quả với nghệ thuật truyền thống

Những năm qua, nghệ thuật sân khấu truyền thống đã gặp khó khăn trong việc thu hút người xem, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên. Dự án sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc (Trung tâm BTVHDT) thực hiện trong 10 năm (2001-2010) đã góp phần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, bổ sung những hiểu biết về văn hóa xã hội, về các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc cho các em học sinh trong các trường THCS, THPT, đồng thời tạo ra đội ngũ khán giả trẻ và nguồn cung ứng nghệ sỹ, diễn viên cho các loại hình nghệ thuật dân tộc trong hiện tại cũng như tương lai.

Khơi mạch nước ngầm

Hiệu ứng của Dự án “Sân khấu học đường” có thể thấy rõ qua buổi biểu diễn báo cáo kết quả 10 năm thực hiện dự án tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Những tiết mục ca cải lương, hát bài chòi, những trích đoạn kịch hát dân ca, tuồng, chèo, cải lương… của gần 70 học sinh các trường THCS của Đồng Tháp, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng đã khiến người xem phải trầm trồ, thán phục, nhiều tiết mục đã để lại những cảm xúc khó quên trong lòng người xem. Tiết mục ca cải lương “Cháu nhớ Bác Hồ” của hai em học sinh đến từ trường THCS Lai Vung (Đồng Tháp) đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình từ hàng ghế khán giả. Khán giả cũng rất hài lòng khi xem học sinh Trường THCS Lê Chân (Hải Phòng) tái hiện trên sân khấu hình tượng Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, múa những đường kiếm oai phong khi ra quân đánh giặc trong trích đoạn cải lương của vở “Trần Hưng Đạo bình Nguyên”. Đặc biệt, nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi xem trích đoạn trong vở ca kịch dân ca Nghệ Tĩnh “Sáng mãi niềm tin”, diễn cảnh chị Minh Khai gửi con để đi hoạt động cách mạng, của các em học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An). Trong đó, em Phan Thị Thu Hằng đã thể hiện rất thành công hình tượng người anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, từ khí phách cho đến việc thể hiện tình cảm. Theo đánh giá của NSƯT Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh Thanh Hóa, Hằng đã thể hiện rất thành công vai diễn của mình, khiến những người làm nghề cũng phải kính nể, em diễn không kém gì diễn viên chuyên nghiệp, kể từ giọng hát, đối thoại, âm từ… Tiết mục này được đánh giá là cảm động nhất và giàu màu sắc sân khấu nhất trong buổi biểu diễn tổng kết dự án “Sân khấu học đường”…

Trích đoạn "Đổi hồn Đắc Kỷ" của Trường THCS Kim Đồng (Đà Nẵng).


Đó chỉ là một vài tiết mục tiêu biểu trong hàng trăm tiết mục đã được giảng dạy và các em học sinh luyện tập thành công trong 10 năm thực hiện Dự án “Sân khấu học đường”. Với thời gian luyện tập chủ yếu là dịp hè ngắn ngủi, mà các em học sinh các trường THCS đã diễn được những trích đoạn trong các phẩm sân khấu truyền thống kinh điển, mẫu mực và là thách thức cả diễn viên chuyên nghiệp như Thị Màu, cô Tấm, Xã trưởng, Mẹ Đốp, thậm chí còn diễn tốt cả các trích đoạn tuồng khó như “Trưng Nữ Vương”, “Triệu Quốc Trinh”, “Hộ sanh đàn”, “Hồ Nguyệt cô hoá cáo”… Ở Đà Nẵng, các em không chỉ diễn tuồng mà còn chơi được các nhạc cụ của tuồng như trống, kèn, nhị rất nhuần nhuyễn.

Dự án “Sân khấu học đường” ngoài việc tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh, còn giúp các em học sinh từ không hiểu, không thích, đã trở nên hiểu và yêu nghệ thuật dân tộc nhiều hơn. Phan Thị Thu Hằng, lớp 9G, trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An), người thủ vai anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai tâm sự: “Tham gia chương trình, em được tìm hiểu và học các điệu hò ví dặm, những bài dân ca Nghệ Tĩnh, em có dịp hiểu nhiều hơn về quê hương, đất nước, hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc… em rất vui và càng ngày càng thích hát dân ca quê em nhiều hơn”.

Đối với Nguyễn Thái Thu Hiền, học sinh Trường THCS Kim Đồng (Đà Nẵng) thì tham gia dự án còn giúp em có thêm nhiều kiến thức về âm nhạc dân tộc. Hiền khoe: “Trước đây em chỉ biết tên nhạc cụ, còn không biết chơi và cũng không thích nghe. Nhưng từ khi được học, được tìm hiểu về cây đàn nhị, lại được các cô chú nghệ sỹ tận tình chỉ dạy, giờ em không những biết nghe, mà còn biết kéo cả nhị nữa...”.

GS. Hoàng Chương, thành viên BCĐ dự án đã ví, những người thực hiện Dự án “Sân khấu học đường” giống như những người đi vào rừng sâu, càng vào sâu càng thấy hùng vĩ, càng thấy đẹp và càng phát hiện ra không biết bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên quý giá… Ở trong văn hóa, giáo dục cũng vậy, khi đến các trường cấp THCS, THPT, đến với thế hệ học trò mới thấy được ở đó rất nhiều tiềm năng nghệ thuật, nhiều học sinh có năng khiếu văn nghệ và có lòng yêu nghệ thuật dân tộc thiết tha. Từ tình yêu đó mà các em đi vào thế giới nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, dân ca kịch một cách thuận lợi mặc dù phải học hát, múa rất nhọc nhằn. Điều này được chứng minh qua việc học sinh ở các trường Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội… đã diễn chèo rất hay, ngoài sức tưởng tượng đối với một học sinh nhỏ tuổi. Rồi như chuyện ở Cà Mau, cái nôi của cải lương, mà cải lương cũng bị lớp trẻ quay lưng lạnh nhạt, nhưng Dự án “Sân khấu học đường” khi được triển khai như một hồi chuông đánh thức lớp trẻ quay về với truyền thống, văn hóa của cha ông. Học sinh ở độ tuổi 10 – 15 thi nhau học hát cải lương…

Vẫn còn băn khoăn...

Dự án “Sân khấu học đường” nhiều ý nghĩa là thế, nhưng dù đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng nhiều địa phương vẫn không mặn mà với việc thực hiện dự án. NSƯT Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Khi dự án về Thanh Hóa, không ít trường đẩy ra, từ chối thẳng thừng với lý do không bố trí được lịch tập cho học sinh, hoặc không triển khai được vì đang là dịp ôn thi cuối cấp, cuối kỳ. Nhiều phụ huynh học sinh cũng không muốn con em mình tham gia vào khóa học vì sợ ảnh hưởng đến việc học văn hóa của con, thậm chí là chỉ vì ngại đưa đón đường sá xa xôi hay chế độ cho việc tập luyện của các em quá ít ỏi…”.

Đó cũng là lý do mà nhiều địa phương, trường học triển khai đề án nhưng không thành công, điển hình như Thừa Thiên - Huế dù nơi đây là cái nôi của nhiều loại hình sân khấu truyền thống đặc sắc.

Trải qua 10 năm thực hiện, Dự án “Sân khấu học đường” dù đạt được những kết quả đáng mừng, song cũng bộc lộ những tồn tại cần khắc phục. Theo ý kiến của nhiều địa phương, với kinh phí hạn chế và tính thử nghiệm của đề án, đề án được thực hiện với các tỉnh thành mẫu, trường học mẫu và học sinh mẫu. Theo đó, suốt 10 năm, “Sân khấu học đường” mới đến được 32 tỉnh, thành, mỗi nơi có 1-2 trường học, mỗi trường học thường chỉ có khoảng 20-30 học sinh được tham gia. Con số này quá ít so với lượng học sinh và trường học trên toàn quốc.

Không những thế, chỉ có một số ít trường, sau khi tổng kết dự án là tiếp tục duy trì được hình thức CLB cho các học sinh khóa sau sinh hoạt và phát triển được phong trào học sân khấu truyền thống sang các trường khác như ở Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, còn hầu hết là kết thúc việc tập luyện và biểu diễn ngay sau khi nghiệm thu. Do đó, dự án không có sức lan tỏa rộng dù đã bước đầu đi vào chiều sâu. Cách làm này khiến năng khiếu mới khơi dậy của các em được tham gia vào dự án trở nên uổng phí mà tình yêu với nghệ thuật truyền thống cũng không được nuôi dưỡng khi thời gian tiếp xúc với nó quá ngắn.

Ngoài ra, nội dung đào tạo cho các học sinh về sân khấu cũng chưa thực sự chuẩn mực. Theo đánh giá của NSƯT Mai Tư, ngoài một số trích đoạn phù hợp lứa tuổi như Trần Quốc Toản, Tấm Cám… những trích đoạn nhân vật có số phận bất hạnh phải chịu nhiều gian truân như nàng Thị Kính, Thoại Khanh, hay những trích đoạn thể hiện khát vọng khi tuổi trưởng thành, như thị Màu, anh Nô… chưa phù hợp với các em học sinh THCS. “Có những vai nghệ sĩ hàng chục năm trong nghề diễn còn chưa ra được, nếu bắt các em diễn là quá sức và có thể phản tác dụng” – NSƯT Mai Tư nói. Có lẽ vì vậy, mà tại hội nghị, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL cũng có ý kiến, không nên bắt các em diễn như người lớn. Ông Ái cho rằng, việc tiếp tục Dự án đưa sân khấu vào trường học là cần thiết, nhưng chúng ta phải có lộ trình rõ ràng, đi sâu về cái gì, loại hình nào, phải tổ chức trại sáng tác để có những tác phẩm, tiết mục phù hợp với lứa tuổi các em. Ðừng bắt các em hóa trang và diễn như người lớn...

Hiện Đề án “Sân khấu học đường” đang tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa để bổ sung, hoàn thiện hơn trước khi trình Chính phủ tiếp tục cho triển khai trong giai đoạn mới (2011-2020). Hy vọng Dự án sẽ còn được tiếp tục triển khai mở rộng, chất lượng cao hơn, phát huy được ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, góp thêm một phương pháp hữu hiệu cho việc dạy sử và học sử đang được coi là “đáng báo động” như hiện nay.

GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc, thành viên Ban chỉ đạo dự án:

Với những ý nghĩa to lớn của việc thực hiện Dự án “Sân khấu học đường”, Chính phủ nên cho thực hiện tiếp dự án trong 10 năm tới, với một quy mô lớn hơn, một diện rộng hơn trên khắp 3 miền đất nước. Song cũng nên cân nhắc, để Dự án không bị “đầu voi đuôi chuột”, không trở thành “đánh trống bỏ dùi”, mà phải làm để phong trào rộng hơn, được các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương quan tâm, không còn hiện tượng thờ ơ, đứng ngoài cuộc như một số địa phương trong 10 năm qua. Trước hết là trong ngành giáo dục, toàn bộ các trường phổ thông cả nước phải thực sự vào cuộc, phải làm sao để các học sinh được học, được diễn và được xem sân khấu truyền thống.

Nghệ sỹ Trần Ngọc Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng):

Đây là chủ trương đúng, góp phần đáng kể vào việc giáo dục thẩm mỹ và đào tạo cho học sinh có thêm kiến thức về văn hóa nghệ thuật truyền thống, giúp các em hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống, làm cho các em yêu mến và trân trọng những di sản văn hóa của cha ông để lại. Trong 10 năm thực hiện Dự án “Sân khấu học đường” ở Đà Nẵng đã phát huy độ thẩm thấu của nó, điều đó thể hiện ở chỗ, mỗi khi Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đi biểu diễn, ở hàng ghế khán giả đã có thêm nhiều em nhỏ, đa số là học sinh THCS đến xem một cách say mê. Cũng chính từ phong trào này, nhiều trường học đã tổ chức đưa các em đi xem các trích đoạn tuồng cổ mẫu mực, nhiều trường còn đề nghị, nếu dự án được tiếp tục thì cho trường tham gia cùng…

Ông Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ:

Ở Nghệ An, các em học sinh rất nhiệt tình tham gia và luyện tập với thái độ nghiêm túc, trân trọng. Nhiều làn điệu dân ca, nhiều trích đoạn kịch đã được các em thể hiện khá thành công. Nhiều hoạt động của nhà trường cũng được sân khấu hóa như thi tìm hiểu An toàn giao thông, An toàn giao thông đường sắt, Em yêu quê hương em… nên hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cũng cao hơn.

Để dự án có hiệu quả hơn, BTC Dự án cần tạo những cuộc thi, hoặc có những chế độ, chính sách khuyến khích các em luyện tập cũng như các tác giả viết kịch bản.



Lộc Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN