Dựng lại những tác phẩm văn học 30-45: Hướng đi mới cho phim Việt

Lần lượt những tác phẩm văn học lớn của Việt Nam giai đoạn 1930-1945 sẽ được dựng thành phim, điều này sẽ giúp tôn vinh dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, với những tác phẩm nổi tiếng của những nhà văn như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng... Mặt khác, đây cũng là một "hướng mới" cho phim truyền hình Việt Nam, để thoát khỏi tình trạng thiếu kịch bản có chất lượng như hiện nay.

 

Khởi sự bằng "Trò đời"


Những ngày này, đạo diễn phim Nhuệ Giang và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (chỉ đạo sản xuất) đang hối hả với các phần việc của mình, để nhanh chóng hoàn thành bộ phim đầu tiên của "Dự án phim truyền hình chuyển thể kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930-1945". Dự án do đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần và Hãng phim Hội Điện ảnh VN khởi xướng, với sự đồng thuận của Hãng phim truyền hình Việt Nam VFC trong việc hỗ trợ sản xuất và trình chiếu phim trên sóng đài THVN.

 

Việt Bắc vào vai Xuân tóc đỏ trong một cảnh quay "Trò đời".

 

Bộ phim đầu tiên có tên là "Trò đời", dự kiến gồm 30 tập phim, sẽ được khởi chiếu vào tháng 10/2013. Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, kịch bản của "Trò đời" được xây dựng từ bốn tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng là: "Số đỏ", "Cơm thầy, cơm cô", "Kỹ nghệ lấy Tây" và "Làm đĩ". Tuy nhiên Xuân tóc đỏ vẫn là nhân vật chủ đạo và xuyên suốt bộ phim. Bởi vậy, việc tìm diễn viên phù hợp cho nhân vật này là điều "đau đầu" nhất với đạo diễn.


"Nhân vật Xuân tóc đỏ là kẻ hạ lưu bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội những năm 1930 -1945. Với tính cách, phong thái lúc nào cũng “tưng tửng”, “mớ” hiểu biết rỗng tuếch nhưng lại có sức “kêu to”, Xuân thật sự trở thành thử thách lớn cho ai dám vào vai", đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết. Cũng theo đạo diễn Thanh Vân, Xuân tóc đỏ trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng rất trẻ, khoảng mười mấy tuổi, nên nhân vật đóng cũng phải tương xứng tuổi đó. "Tuy nhiên có một mâu thuẫn là tầm tuổi đó còn quá trẻ, chưa có gì để khẳng định, cũng như tạo độ tin tưởng nhất định để người đạo diễn yên tâm giao một vai diễn “nặng ký” như thế".


Đạo diễn Thanh Vân cho biết, một khó khăn nữa trong việc chọn nhân vật là khoảng cách thời gian. Gần một thế kỷ là thời gian quá lớn đủ để thách thức tầm hiểu biết của con người về xã hội lúc bấy giờ. Rõ ràng không ai sống trong thời đó, mà đơn thuần chỉ là tìm hiểu qua sách vở, tranh ảnh, tư liệu và lời kể của những bậc tiền bối. Sự “chênh” và “vênh” giữa hai thời hiện đại và quá khứ là điều hoàn toàn dễ xảy ra vì thế việc để nhân vật “sống thật” với lịch sử cũng là một điều không mấy dễ dàng. Bên cạnh đó, còn một áp lực nữa là sự ghi dấu của diễn viên - đạo diễn Quốc Trọng khi vào vai Xuân tóc đỏ trước đây, chính vì vậy với bộ phim này, đạo diễn càng phải tìm cách làm “mới nhân vật”, mà vẫn đảm bảo nhân vật hay và có “chất riêng”.


Cuối cùng Việt Bắc cũng là gương mặt được đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” với hi vọng sẽ mang lại “luồng gió mới” cho bộ phim. Theo đạo diễn Thanh Vân, diễn viên Việt Bắc là người mang được nét “thần thái” của Xuân, và cũng đã thể hiện rất tốt vai diễn này.


Ngoài khó khăn trong khâu chọn diễn viên chính, việc tạo dựng bối cảnh cũng là điểm yếu của dạng phim này. Về điều này, đạo diễn cho biết: Bối cảnh trong phim rất đa dạng, bởi phim gồm nhiều tầng lớp nhân vật từ cụ Cố Hồng rồi nhà Me Kiểm, và riêng nhà Me Kiểm lại có 2, 3 loại nhà. Tất cả đều phải chính xác, tỉ mỉ, từ cái điếu hút đến bàn ghế, tủ và mọi đồ trang trí trong nhà, sao cho đúng với thời gian mà nhân vật sống. Vì thế để hoàn thành xong “Trò đời”, cả đoàn phải di chuyển hơn 20 địa điểm từ Đường Lâm, Đông Ngạc, Vân Từ (Tứ Xuyên), số 51 Trần Hưng Đạo, phố Tạ Hiện (Hà Nội)…


Hiện tại bộ phim đã hoàn tất được 2/3, và đạo diễn cũng như người chỉ đạo sản xuất đều rất hài lòng với những gì làm được. Bộ phim hứa hẹn sẽ tạo được một điểm sáng trong thực trạng "le lói" hiện nay của phim truyền hình Việt Nam.

 

"Thừa thắng xông lên"


Sau thành công ban đầu của "Trò đời", niềm hy vọng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cũng như Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam và Hãng phim truyền hình Việt Nam VFC (THVN), càng được củng cố. "Chúng tôi sẽ triển khai tiếp dự án này trong thời gian tới", và lần lượt những "Bỉ vỏ", "Tắt đèn"... sẽ lên phim", một đại diện Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết.


Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, lý do để ra đời của dự án là thực tế khan hiếm của kịch bản phim lịch sử hiện nay. "Trong bối cảnh đó, những tác phẩm văn học lớn của lịch sử trở nên quý giá. Ai đã từng đọc văn học lịch sử giai đoạn 1930-1945 cũng có thể cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của văn học giai đoạn này. Chỉ trong vòng gần 20 năm, văn học Việt Nam bỗng nhiên nở rộ với hàng loạt cái tên như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng… Mỗi người một phong cách, mỗi người một cách viết, và cách viết nào cũng tài tình, xuất sắc như nhau. Chỉ sống đến 27 tuổi mà Vũ Trọng Phụng để lại những tác phẩm lớn như “Số đỏ”, “Làm đĩ”, “Giông tố”… Những tư tưởng, những nhân vật của ông vẫn sống động, vẫn đúng cho đến tận bây giờ. Và vì thế, nếu như các nhà làm phim hậu thế “không biết làm gì” với những tác phẩm văn học lớn giai đoạn 1930-1945, đó sẽ là một món nợ lớn”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết.


Được biết, trước khi tham gia sản xuất phim "Số đỏ", đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân cũng đã hoàn tất bộ phim "Lều chõng", kịch bản chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. "Lều chõng" ngay sau khi phát sóng đã được đánh giá cao.


Anh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN