Lễ cầu ngư, đua thuyền tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, là nghi lễ truyền thống của ngư dân vùng biển, cầu cho một năm khai thác hải sản được mùa, bội thu, an toàn. |
Các huyện ven biển trong tỉnh duy trì lễ cầu ngư, đua thuyền; các huyện đồng bằng, miền núi tổ chức hội khai bút, ném còn, kéo co, gặp gỡ học sinh ngoan, học giỏi đầu năm mới...
Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) là xã biển có khoảng 1.200 lao động trực tiếp làm nghề đánh bắt thủy sản với trên 150 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp năm mới, xã tổ chức đua thuyền và ra quân đánh bắt đầu năm - hoạt động mang bản sắc văn hóa vùng biển, thu hút đông đảo người dân trong xã tham gia.
Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) tổ chức lễ khai bút đầu năm mới với mục đích đề cao việc học và giáo dục truyền thống cho các em học sinh. Năm nay lễ khai bút được xã tổ chức chu đáo, với sự tham gia của 80 em học sinh tiêu biểu đại diện cho gần 600 học sinh của xã.
Lễ khai bút được tổ chức đúng theo nghi thức truyền thống, các cụ cao niên, khoa bảng trong xã nói chuyện về truyền thống, đạo học ở quê hương... Tại một số địa phương ở huyện miền núi, như Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và những lễ hội mang đậm bản sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Năm nay nhiều địa phương ở Nghệ An đã bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống; các tệ nạn xã hội cũng được dẹp bỏ dần, trong đó có những xã đã xóa được nạn cờ bạc, bói toán... Tại các đền chùa, khu di tích, chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa hoạt động mê tín dị đoan...
Đầu năm mới, tại các khu di tích lịch sử, như Khu di tích lịch sử Kim Liên (huyện Nam Đàn); khu di tích Truông Bồn (huyện Đô Lương); khu mộ vua Quang Trung (Thành phố Vinh)... thu hút lượng người đến tham quan rất đông. Nhiều gia đình đã đưa cả ông bà, con cháu đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, truyền thống của dân tộc, của ông cha, thêm tự hào về đất nước, quê hương.