Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Pakô

Với trái tim đầy nhiệt huyết, luôn mong muốn giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống về văn hóa đẹp đẽ của đồng bào dân tộc Pakô, ông Kray Sức (1964), xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) ngày ngày cần mẫn sưu tầm, gìn giữ những nét đẹp văn hóa và truyền dạy cho thế hệ mai sau…

 

Dưới ánh lửa bập bùng, giữa căn nhà sàn đơn sơ, trong đêm khuya thanh vắng, tiếng hát của Kray Sức cùng với điệu cồng chiêng bập bùng của già làng Hồ Văn Ing như hòa quyện với âm thanh của núi rừng vang xa: “Đêm thanh trăng sáng giục tìm ai/Một mình trong đêm dưới bóng cây/Sao vắng vẻ chỉ nghe tiếng dế kêu/Em còn ở nhà sao không thấy ra…”.


Những lời ca, tiếng hát là nỗi lòng, và cũng là tinh hoa của biết bao thế hệ người Pakô đi trước truyền lại cho thế hệ mai sau. Những lời yêu thương ca ngợi về tình yêu đôi lứa, về đất trời vũ trụ, về quê hương, sông suối, gia đình…, tất cả đã hòa quyện trong những âm thanh khi trầm, khi bổng, lúc rộn rã vui tươi, khi đượm buồn ai oán, đưa con người chìm lắng vào những giai điệu khác nhau của các cung bậc cảm xúc.


Sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới giáp Lào, từ khi còn nhỏ, những làn điệu dân ca, những điệu múa mê hoặc lòng người, cùng với những phong tục, tập quán của đồng bào đã in sâu vào tiềm thức của cậu bé Kray Sức. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần lên, mơ ước có thể lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình ngày càng sâu sắc. Trong những buổi sinh hoạt tập thể, với năng khiếu cũng như sự am hiểu của mình, Kray Sức đã thể hiện những tiết mục văn nghệ đặc sắc, thu hút nhiều người xem.


Sau khi học xong, năm 1983, Kray Sức về công tác tại xã Tà Rụt, tham gia nhiều công việc khác nhau, cho đến năm 2004 ông chính thức phụ trách lĩnh vực văn hóa của xã. Cũng từ đây, cuộc đời ông sang một trang mới, và niềm đam mê của ông như được chắp cánh. Hàng ngày, trên những ngọn đồi xa xôi, ông tìm đến từng căn nhà sàn để tìm hiểu, sưu tầm, ghi chép những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ tích, các phong tục, tập quán; các dụng cụ, nhạc cụ truyền thống… Đêm về dưới mái nhà sàn, bên ánh sáng của ngọn lửa cháy bập bùng ông bắt đầu nghiên cứu, tổng hợp và dịch các bản nhạc từ tiếng Pakô sang tiếng Việt, biên soạn giáo án để dạy lại cho thế hệ trẻ.

 

Với sự nhiệt tình, tận tâm cùng tình yêu sâu sắc của mình, đến nay ông đã nghiên cứu cho ra đời nhiều tác phẩm văn hóa đặc trưng có giá trị, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, ông đã thuyết phục vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa, lưu giữ những phong tục tập quán tốt đẹp không để mai một. Nhờ đó, đến nay xã Tà Rụt đạt 100% làng văn hóa và gia đình văn hóa, trong đó 7 thôn là làng văn hóa cấp huyện và 1 thôn được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh…


Ông Kray Sức cho biết, đồng bào dân tộc Pakô có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Pul Boh (lễ giữ rẫy), Aya (ngày hội mùa) và Ariêu Pling (lễ bốc mả)… nhưng hiện nay ít ai có thể hiểu được hết ý nghĩa sâu xa của những lễ hội này. Thời gian trôi nhanh, những người am hiểu văn hóa Pakô ngày càng ít. Sau này khi những nghệ nhân lớn tuổi mất đi, e rằng những nét đẹp văn hóa này cũng vì thế mà mai một...

 

Trăn trở của Kray Sức cũng chính là suy nghĩ chung của những người đam mê văn hóa dân tộc Pakô nói riêng và văn hóa đất nước Việt Nam nói chung. Bằng công sức của mình, đến nay ông đã sưu tầm được gần 100 cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống như trống Toong, sáo Khui, khèn Bè, sáo Tirel… Đặc biệt, ông đã dìu dắt và đào tạo 12 người trẻ tuổi biết đánh cồng chiêng, 8 người biết đánh đàn Âmpreh, 5 người biết thổi khèn, 14 người biết hát các làn điệu dân ca dân tộc Pakô… Ông cho biết, hiện nay đang hoàn thiện tác phẩm nghiên cứu mang tên “Tìm đến người Pakô” giới thiệu lịch sử, đặc điểm văn hóa và con người, cũng như những thành tựu của người Pakô đã đạt được để giới thiệu trong lễ hội Ariêu Pling sắp tới...


Với những đóng góp của mình, trong nhiều năm liền Kray Sức luôn được chọn làm Trưởng đoàn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Pakô tham gia biểu diễn ở các hội thi lớn được tổ chức tại miền Trung - Tây Nguyên hay Hà Nội. Bản thân ông cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng nhiều huy chương khác trong việc giữ gìn, lưu giữ và phát huy vốn bản sắc riêng của dân tộc Pakô mình.


Ông Trần Văn Chạy, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông, Quảng Trị cho biết: Kray Sức là một cán bộ văn hóa có nhiều đóng góp quan trọng trong việc sưu tầm, giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ trẻ về những nét đẹp phong tục, tập quán, lễ hội và các làn điệu dân ca dân tộc Pakô. Ông luôn nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, tích cực đóng góp cho văn hóa, văn nghệ của địa phương và huyện nhà, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương. Hiện nay, Kray Sức tuy chưa được phong là nghệ nhân nhưng trong lòng đồng bào và những người yêu quý văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pakô đều xem ông là một nghệ nhân lớn của buôn làng…


Thanh Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN