Lay động bởi “Tiếng trúc tiếng tơ”
Cứ mỗi thứ 6, tuần thứ 2 hàng tháng, vào khoảng 20 giờ, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (số 50, Đào Duy Từ, Hà Nội) lại vang lên tiếng tiếng đàn, tiếng phách, tiếng trống chèo rộn rã. Và rồi, những tiết mục nghệ thuật đặc sắc với nhiều thể loại được các nghệ sỹ biểu diễn phục vụ khán giả. Trong không gian đậm chất cổ kính, người xem khi thì lặng người với làn điệu ca trù, khi rộn ràng theo bài hát văn “Cô đôi Thượng Ngàn”, lúc lại cùng NSƯT Minh Gái hóa thân trong trích đoạn tuồng "Hồ Nguyệt cô hóa cáo", hay cùng NSƯT Kim Liên say sưa với điệu "Múa quay tơ", trích đoạn trong vở chèo Xúy Vân, hay nghệ sỹ Mạnh Phóng trong vai hề chèo, rồi cùng NSND Xuân Hoạch dí dỏm trong điệu xẩm… Mỗi nghệ sỹ đóng người góp một câu chuyện âm nhạc của riêng mình, tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam, từ hát chèo, hát văn, hát xẩm cho đến ca trù, quan họ, tuồng…
Trích đoạn “Múa quay tơ” trong vở chèo “Xúy Vân”, do nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” biểu diễn. |
Sân khấu “Chuyện nhạc phố cổ” được phục dựng theo lối cổ truyền. Các nghệ sỹ, nhạc công ngồi chiếu cói, đàn và hát mộc mà không có thiết bị hỗ trợ (không micrô, không loa phóng thanh). Tham gia chương trình là những nghệ sỹ đầu ngành của âm nhạc cổ truyền hiện nay, đó là: NSND Xuân Hoạch, nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam về đàn đáy; NSND Thanh Hoài (hát chèo), NSƯT Thanh Bình (hát chèo, ca trù), NSƯT Vũ Ngọc (bộ gõ), NSƯT Công Hưng (đàn nguyệt), NSƯT Mạnh Phóng (hát chèo), nghệ sĩ Thanh Hà (hát chèo), NSND Minh Gái, NSND Mẫn Thu (hát tuồng), NSƯT Thúy Ngần (hát chèo), nghệ nhân Trọng Quỳnh (hát văn)... Hơn một năm qua, khán giả đã được đắm mình trong từng lời ca, nhịp phách của những nghệ sỹ tên tuổi, và chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” đã trở thành điểm hẹn âm nhạc cho du khách trong và ngoài nước, những người yêu mến các môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Những nghệ sỹ làm nên tên tuổi của chương trình là các thành viên trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc”, được thành lập bởi một nhóm nghệ nhân, nghệ sỹ và nhạc sỹ có tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, những nghệ sỹ đã biểu diễn chương trình “Tiếng trúc tiếng tơ” làm lay động khán giả Pháp và Việt Nam trong thời gian qua.
Ngoài thời gian biểu diễn ở Trung tâm văn hóa phố cổ Hà Nội, các thành viên trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” còn tham gia biểu diễn, giới thiệu các loại hình âm nhạc truyền thống ở nhiều không gian văn hóa khác nhau, như Trung tâm nghệ thuật Heritage space, Manzi, Trung tâm Văn hóa Pháp… mang đến cho khán - thính giả những cảm xúc, những góc tiếp cận khác nhau của nghệ thuật truyền thống.
Tìm lại hồn cho nhạc dân tộc
NSND Xuân Hoạch, một trong những thành viên sáng lập nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” cho biết, xuất phát từ nhóm học ca trù do NSƯT Kim Đức hướng dẫn. NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đoàn Thanh Bình và một “Mạnh Thường Quân”, vốn là người rất yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống, quý những “báu vật nhân văn sống” và muốn được hỗ trợ để các nghệ sỹ tổ chức biểu diễn nghệ thuật ca trù theo chuẩn mực của nghệ thuật truyền thống. Nhưng các nghệ sỹ lo lắng, nếu chỉ biểu diễn mỗi ca trù, khán giả có thể sẽ chán. Vậy là mỗi người đóng góp một ý tưởng, cuối cùng các nghệ sỹ đều cho rằng, ngoài ca trù, đưa thêm nghệ thuật chèo, hát xẩm, hát văn và tuồng Bắc vào làm dày dặn và phong phú hơn cho chương trình. Rồi các nghệ sỹ mời thêm những nghệ sỹ gạo cội ở các loại hình nghệ thuật khác nhau, đến hát, tập… và thế là nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” cứ thế hình thành, cho đến nay đã sinh hoạt chính thức được 3 năm.
NSND Xuân Hoạch cho biết, nhóm được hình thành chỉ với một mục đích đơn giản, là chỉ để có một “sân chơi” cho những nghệ sỹ nổi tiếng đã về hưu, nhưng vẫn luôn đau đáu với nghề, được thỏa nỗi niềm say mê của mình, cùng nhau gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống… Dần dần, tổ chức những buổi biểu diễn với mục đích giới thiệu hình thức chuẩn mực của nghệ thuật truyền thống.
Ngoài thời gian đi biểu diễn, thời gian còn lại, các thành viên trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” tham gia luyện tập, sinh hoạt nghệ thuật cùng nhau. Nhiều người sau khi nghe các thành viên trong nhóm nhạc biểu diễn, nhiều người yêu nghệ thuật truyền thống đã tìm đến nhóm “xin” được theo học. Đến nay, nhóm nhạc đã có khoảng hơn chục học viên. Người theo học hát xẩm, người muốn học ca trù, người lại thích học đánh đàn bầu, đàn nguyệt, người học kéo nhị… Vậy là, các nghệ sỹ lại chia nhau truyền dạy cho các học viên.
NSND Xuân Hoạch cho biết, thời gian qua, một số trường như trường Marie Curie, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Quốc gia đã mời các nghệ sỹ trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” đến trường vừa biểu diễn, vừa giảng dạy về nhạc cụ và nghệ thuật dân tộc cho học sinh, sinh viên nghe, và được các em rất yêu thích. Một số trường cũng đã gửi lời mời, tới đây, nhóm sẽ tiếp tục đến biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật dân tộc cho các em học sinh ở nhiều trường học khác.
“Chúng tôi không thể sống mãi để đàn hát, nên muốn có lớp trẻ kế cận để gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống cho các thế hệ sau này. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn động viên các em cố gắng học tốt, để gìn giữ, giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống cho mai sau”, NSND Xuân Hoạch tâm sự.